Cán bộ thanh tra: Phải thanh sạch, dám hy sinh

(PLO) - Phát biểu tại buổi làm việc với Thanh tra Chính phủ sáng qua (16/3), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, ngành thanh tra phải độc lập để hoạt động thanh tra không bị “méo mó”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc
Có chuyển biến, nhưng chưa sâu sắc
Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Huỳnh Phong Tranh cho biết, từ năm 2011-2014, TTCP và ngành Thanh tra (TT) có nhiều cố gắng và tạo được sự chuyển biến về trách nhiệm và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; tuy nhiên, chưa tạo được chuyển biến đều, sâu sắc, hiệu quả công tác còn thấp.…
Do vậy, TTCP đề nghị có chủ trương sửa đổi Luật TT để đổi mới tổ chức và hoạt động ngành TT theo hướng nâng cao tính hệ thống của ngành TT, tăng thẩm quyền và tính chủ động của cơ quan TT trên cơ sở tổ chức lại hệ thống TT nhà nước từ Trung ương đến địa phương dưới sự chỉ đạo của TTCP và đổi tên TTCP thành Thanh tra Nhà nước, qui định rõ chế tài, trách nhiệm trong thực hiện kết luận TT, quyết định xử lý về TT; đồng thời, sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) để “giải quyết tình trạng xung đột lợi ích đang khiến nhiều qui định pháp luật như “con hổ không răng”, làm hạn chế hiệu quả công tác thanh tra, PCTN” – Phó Tổng TTCP Trần Đức Lượng bổ sung thêm.
Đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương đều đồng tình với những kiến nghị, đề xuất của TTCP trong việc nâng cao chất lượng hoạt động TT, PCTN, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, Bộ Tư pháp tán thành đề xuất tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động TT, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC), PCTN, nhất là sửa đổi Luật TT và Luật PCTN. Bộ Tư pháp cũng đề nghị TTCP chủ động đánh giá việc thực thi các luật này, đề xuất chủ trương để hoàn thiện pháp luật về TT và PCTN. 
Để tăng hiệu quả công tác PCTN, TTCP cũng đề xuất toàn hệ thống chính trị phải triển khai đồng bộ các giải pháp PCTN như minh bạch tài sản, thu nhập, trách nhiệm giải trình, thanh kiểm tra các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, nâng cao trách  nhiệm của người đứng đầu, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng và thu hồi triệt để tài sản tham nhũng chiếm đoạt. 
Bên cạnh đó, TTCP cũng đề nghị các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC ngay từ cơ sở… Vì theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tiếp công dân và giải quyết KNTC không phải trách nhiệm của riêng ngành  TT  mà của cả hệ thống chính trị, không thể “kệ dân khiếu nại”, thấy dân “bỏ chạy”. “Nhưng TTCP cần đề xuất để làm tốt hơn, chú trọng đội ngũ cán bộ tiếp dân phải biết lắng nghe, có trình độ” – Phó Thủ tướng lưu ý.
Thời gian tới, cùng với việc thực hiện tốt chức năng TT, PCTN, Phó Thủ tướng cho rằng TTCP phải thực hiện và chỉ đạo các cơ quan, địa phương thực hiện tốt Luật Tiếp công dân, giải quyết các vụ KNTC tồn đọng, kéo dài, kịp thời nắm tình hình, kiến nghị, đề nghị các cơ quan, địa phương xử lý từ cơ sở. Phải có những kiến nghị bảo vệ cán bộ làm công tác TT vì “nếu không bảo vệ được thì không thể làm công tác TT được”. 
Xây dựng đội ngũ thanh sạch để xứng đáng là công cụ sắc bén
Biểu dương những nỗ lực trong công tác TT, tiếp công dân, giải quyết KNTC, PCTN, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở TTCP: “Còn tồn tại, hạn chế, còn nhiều việc phải làm để TT xứng đáng là công cụ hữu hiệu sắc bén trong phát hiện, phòng ngừa tham nhũng, bảo vệ quyền của tổ chức và cá nhân”. 
Tổng Bí thư bày tỏ tán thành với những phương hướng, nhiệm vụ được TTCP xác định nhưng lưu ý, TTCP và ngành TT cần chủ động TT theo kế hoạch, thường xuyên nắm chắc tình hình để thường xuyên đề xuất TT đột xuất, tập trung vào những lĩnh vực xảy ra vi phạm, tiêu cực nhiều để kịp thời đề xuất bổ sung cơ chế chính sách, phát hiện, xử lý kịp thời vi phạm, tiêu cực; đề cao giá trị pháp lý của kết luận TT.
Có giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa trong PCTN, trong đó TTCP phải chủ động hướng dẫn, đôn đốc triển khai các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, khắc phục tính hình thức vì “thực tế có cán bộ rất giàu nhưng vẫn kê khai là nghèo mà cơ quan chức năng không có cách gì để làm rõ nguồn gốc tài sản” – Tổng Bí thư nói.
Tăng cường tính minh bạch trách nhiệm, chống phiền hà, nhũng nhiễu, tham nhũng vặt, thực hiện nghiêm các chính sách, chế độ, không để “không bôi trơn không xong việc”. Đẩy mạnh phát hiện tham nhũng, chuyển ngay cơ quan điều tra khi phát hiện dấu hiệu tội phạm. Coi trọng đơn thư tố cáo, phát hiện của báo chí vì đây là kênh quan trọng để phát hiện, xử lý kịp thời, cương quyết các hành vi vi phạm; có biện pháp thu hồi nhiều hơn nữa tài sản do tham nhũng.
Đặc biệt, ngành TT phải xây dựng được đội ngũ cán bộ “thanh sạch, ngay ngắn, có bản lĩnh, dám đương đầu, dám hy sinh” vì lợi ích của Đảng, Nhà nước, nhân dân. “Rất muốn TT phải là cơ quan độc lập, chứ bị chi phối, dính vào lợi ích nhóm thì kết quả hoạt động sẽ bị méo mó” – Tổng Bí thư bày tỏ. Vì thế, Tổng Bí thư cũng đồng tình đề xuất của TTCP chủ động kiến nghị sửa đổi Luật TT, PCTN, KNTC và các văn bản liên quan… để nâng cao hiệu quả các mặt công tác, đáp ứng yêu cầu, tình hình mới. 
Năm 2014, ngành TT kiến nghị thu hồi 51.583 tỷ đồng (đã thu được 13.192 tỷ đồng), 1.682,6ha đất; xử lý khác 13.777 tỷ đồng và 1.355,9ha đất; xử phạt vi phạm hành chính 3.280,5 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 2.073 tập thể, 15.449 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 55 vụ việc.

Đọc thêm