Cần công bố hợp đồng đăng cai Asiad để đánh giá hệ quả pháp lý

(PLO) - Giới am tường lĩnh vực tài phán quốc tế cho rằng, chưa thể “đong đếm” được hậu quả pháp lý mà Việt Nam sẽ phải đối mặt chừng nào bản Hợp đồng thành phố đăng cai giữa Việt Nam với Hội đồng Olympic Châu Á (OCA) vẫn chưa hé lộ…
Đại diện Việt Nam và OCA ký Hợp đồng đăng cai ASIAD 18
Đại diện Việt Nam và OCA ký Hợp đồng đăng cai ASIAD 18
Dư luận đang băn khoăn, nếu quyết tâm trở thành nước chủ nhà của Á vận hội, Việt Nam sẽ phải tiêu tốn ít nhất 150 trệu USD; còn nếu không tổ chức, có ý kiến nói rằng chúng ta khó tránh khỏi hậu quả pháp lý?
Điều lệ của OCA là Điều ước quốc tế?
Thể thức của sân chơi tầm cỡ châu lục này đã được quy định rõ trong Điều lệ của OCA: “Chính phủ của quốc gia nộp đơn đăng cai phải nộp cho OCA một công cụ pháp lý mà theo đó, Chính phủ cho biết cam kết và đảm bảo rằng, quốc gia và cơ quan công quyền của mình sẽ tuân thủ và tôn trọng Điều lệ OCA….”. Cụ thể điều này, ngày 8/11/2012, đại diện của Việt Nam đã ký Hợp đồng đăng cai với OCA. 
Theo Điều lệ, một quốc gia chủ nhà phải lần lượt nộp đủ 3 khoản tiền trị giá hơn 1 triệu USD sau khi tiến hành nộp đơn xin đăng cai; đấu thầu đại hội; ký hợp đồng thành phố đăng cai. Các khoản này bao gồm: 10.000USD tiền thầu cùng với thư ý định đăng cai; 190.000 USD trong vòng 30 ngày sau khi được trao quyền đăng cai và 1 triệu USD tiền đặt cọc (được hoàn lại) trong vòng 60 ngày kể từ ngày ký Hợp đồng thành phố đăng cai… 
“Số tiền này sẽ là một bảo đảm đối với việc tịch thu hoặc không tổ chức Đại hội hoặc thực hiện một phần hoặc đầy đủ theo hợp đồng của Ban tổ chức… Việc hoàn trả cho Ban tổ chức, Ủy ban Olympic sẽ được thực hiện chỉ sau khi Ban tổ chức giải quyết tất cả các tài khoản Đại hội và nộp báo cáo cuối cùng.” - Điều 44, Điều lệ OCA.
Với những điều khoản như vậy, nhiều người đặt câu hỏi Điều lệ của OCA có phải là một Điều ước quốc tế? Và trong trường hợp nếu rút đăng cai ASIAD 18, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những hệ quả gì từ các quy định nêu trên? 
Luật sư Trịnh Cẩm Bình (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nhận định: “Điều lệ của OCA chưa được xem là một Điều ước quốc tế vì việc ký kết không nhân danh Nhà nước hay Chính phủ. Hơn nữa, trong Điều lệ này, các quy định ràng buộc và chế tài không thực sự chi tiết. Vì vậy, rất khó để nói Việt Nam sẽ phải chịu hậu quả như thế nào từ bản Điều lệ này. Muốn “đong đếm” chính xác hậu quả mà Việt Nam có thể chịu thì phải xem Hợp đồng thành phố chủ nhà ký với OCA. Trong đó chắc chắn có quy định nếu không đăng cai hoặc rút lui giữa chừng thì phải chịu chế tài gì”. 
Đừng để người dân phải đồn đoán 
Trao đổi với PLVN, giới hành nghề luật trong  lĩnh vực xử lý các vụ tranh chấp quốc tế cũng cho rằng, rất khó để biết rõ chúng ta sẽ phải đối mặt những gì nếu nội dung các điều khoản trong bản Hợp đồng với OCA chưa được tiết lộ. 
“Để người dân biết chắc chắn mình có bị phạt hay không thì phải xem cam kết, thỏa thuận ký giữa Việt Nam và OCA. Nhưng đến giờ này, bản cam kết đó vẫn chưa thấy được công bố. Nhưng theo suy đoán của tôi, có thể bị phạt, bởi cam kết này cũng giống như việc đấu thầu, đấu giá,… khi trúng rồi lại bỏ thì phải chịu trách nhiệm pháp lý tương ứng. Vì họ cũng phải tổ chức lại hoạt động để chọn nước tiếp theo thế chỗ, đương nhiên là mất thêm kinh phí để chọn lại. Vậy thì, việc bị phạt là phần nhiều.” - Luật sư Nguyễn Đức Mạnh (Công ty TNHH Luật Bizlink) nhận định.
Như đã nêu, để được đăng cai ASIAD, một quốc gia chủ nhà phải chi khoản tiền thầu và đặt cọc hơn 1 triệu USD. Về lý thuyết, số này có thể sẽ được hoàn lại một phần nhất định sau khi đã trích, trừ chi phí tổ chức đại hội. 
Trước sự quan tâm của dư luận xung quanh khoản tiền không nhỏ này, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên gần đây cho biết: Việt Nam chưa đặt cọc bất cứ khoản tiền nào để đăng cai ASIAD 18, trường hợp trả lại quyền đăng cai cũng không có quy định nào buộc phải nộp phạt. 
Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang cũng khẳng định: “Thông tin cho rằng nếu Việt Nam xin bỏ quyền đăng cai ASIAD 18 sẽ phải nộp phạt 1 triệu USD cho OCA là không chính xác. Chưa có tiền lệ phải nộp phạt trong lịch sử”.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo PLVN, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Á Châu - Luật sư Trần Quang Mỹ lại nhận định: “Nếu OCA kiện việc hủy đăng cai tổ chức ASIAD 18 thì Việt Nam sẽ bị phạt, còn nếu không kiện thì có thể không sao cả. Mức phạt bao nhiêu còn tùy thuộc vào tỷ lệ đòi yêu cầu bồi thường và do quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài quốc tế đó quy định.”. 
Hiện tại, Chính phủ đang tiếp nhận khá nhiều ý kiến phản hồi từ phía người dân và chuyên gia xung quanh việc đăng cai ASIAD; trong đó, phản đối cũng có và đồng thuận cũng có, nên vẫn chưa có quyết định chính thức. Theo kế hoạch, trong tuần này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có báo cáo chi tiết về việc đăng cai tổ chức ASIAD 18 để Thủ tướng quyết định.
ASIAD 18: Có cần tổ chức bằng mọi giá?
Theo quan điểm của nhiều người, chúng ta sẽ “được lợi rất nhiều” từ sự kiện này: Vận động viên, huấn luyện viên và các nhà quản lý có điều kiện trưởng thành, … Một số người còn cho rằng tổ chức ASIAD 18 sẽ là “dịp để chấn hưng tinh thần dân tộc, cơ hội tôn vinh Việt Nam, nâng cao thể diện đất nước”. Nghe ra có vẻ hơi lạc quan bởi ai cũng biết, không phải vì tổ chức ASIAD mà thể diện đất nước được nâng cao, thể diện một đất nước được khẳng định trên nhiều lĩnh vực, không chỉ thể thao. Nên chăng, hãy coi việc tổ chức ASIAD 18 như là biểu hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của Việt Nam với tư cách một thành viên trong sân chơi thể thao châu lục.
Một điểm khác làm “nóng” dư luận đó là kinh phí để tổ chức ASIAD 18, vì đó là tiền thuế của nhân dân. Dư luận đang đặt câu hỏi về độ xác thực của con số 150 triệu USD do Bộ VHTT&DL giải trình. Không hoài nghi sao được khi các nước khác bỏ ra hàng tỷ, thậm chí là chục tỷ USD thì Việt Nam chỉ đầu tư 150 triệu USD? Gần đây nhất, Trung Quốc đã phải tiêu tốn 17 tỷ USD cho ASIAD 16 thì xem ra con số 150 triệu USD của Việt Nam quả là khó tin! Ngay ở nước ta, với sân chơi mang tính “ao làng” như SEA Games 22 thì dự chi là 90 triệu USD, nhưng thực tế chúng ta phải chi 300 triệu USD . 
Thứ hai, tính khả thi của việc huy động 72% kinh phí từ nguồn xã hội hóa tạo băn khoăn ở nhiều người. Bởi lẽ trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, bất động sản “đóng băng” nhiều năm như hiện nay thì việc huy động vốn xã hội hóa cho những sự kiện như ASIAD 18 không phải là việc dễ làm. 
Với tư cách là một người dân tham gia đóng kinh phí (thông qua tiền thuế) để tổ chức ASIAD 18 (nếu được Chính phủ đồng ý), tôi xin được nhấn mạnh: Một đồng tiền thuế cũng là mồ hôi, công sức của người dân nên việc sử dụng như thế nào cũng cần phải xuất phát từ chính lợi ích của nhân dân. Nếu việc quyết định tổ chức ASIAD thời điểm này chưa phù hợp thì chúng ta nên dừng lại khi còn có thể, đừng vì những suy nghĩ “thiếu thực tế, thừa lạc quan” mà quyết tâm tổ chức bằng mọi giá rồi kết quả là để nợ cho các thế hệ con cháu mai sau.
Tạ Quang Đạo (Trường Đại học Chính trị, Bộ Quốc phòng)

Đọc thêm