Cần đánh giá, dự báo đúng tình hình tham nhũng

(PLVN) - Trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2019 tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vào hôm qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện để dự báo đúng tình hình tham nhũng và đề ra giải pháp phòng chống hiệu quả, sát với tình hình thực tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp

Tham nhũng xảy ra ngay trong cơ quan chống tham nhũng

Trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác PCTN đã được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong một số ngành, lĩnh vực, địa phương vẫn còn hạn chế. Điển hình như tình trạng bổ nhiệm cán bộ thiếu điều kiện, tiêu chuẩn; Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; Vẫn còn hiện tượng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ khi giải quyết công việc, hoặc vi phạm nghiêm trọng về quy tắc ứng xử, trong đó có những trường hợp rất phản cảm và gây bức xúc trong dư luận. 

Dẫn chứng vụ việc nữ đại úy thuộc Công an TP Hà Nội có hành vi gây mất trật tự và cư xử không đúng mực tại sân bay Tân Sơn Nhất, bà Nga đề nghị Bộ Công an xử lý nghiêm trường hợp này.

Báo cáo trước UBTVQH, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, so với cùng kỳ năm trước, số vụ việc thụ lý năm 2019 tăng 63.949 vụ; đã giải quyết tăng 56.427 vụ. Việc tranh tụng tại phiên tòa được các Tòa án tiếp tục triển khai sâu rộng theo hướng thực chất; đã phối hợp với Viện kiểm sát các cấp tổ chức 8.099  phiên tòa rút kinh nghiệm.

Chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có tiến bộ, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán là 1,1%.

Cũng theo bà Nga, việc công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động, trách nhiệm giải trình mặc dù có nhiều chuyển biến, nhưng vẫn còn tình trạng không công khai, lạm dụng bảo mật thông tin để không công khai hoặc nội dung công khai không cụ thể, nhất là trên các lĩnh vực về quản lý, sử dụng đất, lập dự án… làm cản trở việc tiếp cận thông tin của báo chí, người dân.

Thậm chí, trong một số trường hợp, Chính phủ, các cơ quan tư pháp gửi tài liệu đến Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhưng đóng dấu mật, tối mật vào cả những nội dung không mật. 

Trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật, nhất là giải trình khi báo chí đăng tải thông tin vi phạm trong một số trường hợp chưa được thực hiện. Đặc biệt, một số đơn vị, địa phương chưa thực hiện nghiêm việc tiếp công dân theo quy định của pháp luật. Như tại Trà Vinh, một số giám đốc sở của tỉnh này  không tiếp công dân một ngày nào trong suốt 5,5 năm…

 Bà Nga lưu ý, thời gian qua, việc để xảy ra tham nhũng ngay trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, các cơ quan bảo vệ pháp luật, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác đấu tranh PCTN.

Cụ thể như vụ bà Nguyễn Thị Kim Anh (Phó phòng PCTN, Thanh tra Bộ Xây dựng) và đồng phạm nhận hối lộ trong quá trình thanh tra tại một số đơn vị của tỉnh Vĩnh Phúc; vụ 5 cán bộ thanh tra tỉnh Thanh Hóa nhận hối lộ trong quá trình thanh tra..

Tham nhũng được che giấu tinh vi, phức tạp hơn 

Theo bà Nga, việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ án tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực, đa số bảo đảm tiến độ xử lý. Nhiều vụ án đã chứng minh được yếu tố tham nhũng, chiếm đoạt để xử lý nghiêm minh (điển hình là vụ Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn bị khởi tố về tội nhận hối lộ với số tiền rất lớn). Nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp được đưa ra xét xử kịp thời, với hình phạt nghiêm khắc…

Tuy vậy, việc phát hiện tham nhũng thông qua tự kiểm tra nội bộ, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới là khâu yếu tồn tại nhiều năm vẫn chưa được khắc phục; việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm về tham nhũng chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Số vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình tham nhũng.

Một số vụ án tham nhũng, sai phạm kinh tế lớn ở địa phương không phải do CQĐT ở địa phương phát hiện mà chủ yếu do CQĐT cấp trung ương khám phá, điều tra; các vụ án tham nhũng, sai phạm kinh tế do các cơ quan chức năng ở địa phương phát hiện, điều tra đa số là những vụ án nhỏ, xảy ra ở cấp huyện, cấp xã…

Việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt tỷ lệ thấp. Theo Báo cáo của Chính phủ, trong số 37 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, tính đến hết tháng 6/2019, cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong 9.454 tỷ đồng/68.856 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 13,73% trên tổng số tài sản phải thu hồi.

Ủy ban Tư pháp cơ bản đồng tình với đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng là “tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm”. Tuy nhiên, cơ quan này cũng cho rằng, tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp và “tham nhũng vặt” vẫn chưa bị đẩy lùi.

Đáng lưu ý, khi Đảng và Nhà nước đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng lớn, “lợi ích nhóm”, “sân sau” thì loại tội phạm này sẽ chuyển sang thủ đoạn đối phó, che giấu dưới các hình thức tinh vi, phức tạp hơn… 

Dư luận cử tri cho rằng, trong lĩnh vực cổ phần hóa, mua bán tài sản công, ở nơi nào có hiện tượng “Nhà nước mua đắt, bán rẻ” các tài sản lớn thì ở đó có dấu hiệu của những vụ tham nhũng lớn và đa số các vụ án sai phạm lớn về kinh tế trong giai đoạn vừa qua đều có yếu tố vụ lợi.

Do đó, Chính phủ cần phải tổng kết, đánh giá, nhận diện để dự báo đúng tình hình tham nhũng và đề ra giải pháp phòng chống hiệu quả, sát với tình hình thực tế. Quá trình xử lý cần chú trọng đến việc điều tra chứng minh yếu tố chiếm đoạt, vụ lợi trong các vụ án kinh tế”, bà Nga nói.  

Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm cho biết, trong năm 2019, công tác đấu tranh trấn áp tội phạm đạt nhiều kết quả tích cực. Điều tra, làm rõ 33.470 vụ phạm pháp hình sự, đạt tỷ lệ 84,2% (án rất nghiêm trọng đạt 90,4%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 95,2%). Qua phòng ngừa, đấu tranh đã góp phần làm giảm nhiều loại tội phạm nghiêm trọng, có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, xâm hại trẻ em; mua bán bào thai, cướp ngân hàng…

Các lực lượng chức năng cũng đã phát hiện 14.228 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế; 281 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ. Chính phủ cũng đã chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, tệ nạn ma túy, triệt phá được nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, thu giữ số lượng ma túy đặc biệt lớn.

Đọc thêm