Cần đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương

(PLO) - Sáng qua (22/10), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Trưởng ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp Phan Trung Lý đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở ý kiến của nhân dân và của Đại biểu Quốc hội.
Cần đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương
Bổ sung quy định về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP) đã trình Quốc hội 2 phương án về chính quyền địa phương. Theo đó, Phương án 1 quy định một cách khái quát để tạo cơ sở hiến định cho việc đổi mới căn bản mô hình tổ chức chính quyền địa phương; Phương án 2 giữ các quy định hiện hành của Hiến pháp năm 1992 về các đơn vị hành chính và mô hình chính quyền địa phương của nước ta. 
Ông Phan Trung Lý cho biết: “Qua tổng hợp ý kiến, đa số ý kiến nhân dân, Đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan tán thành với sự cần thiết phải đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng và đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Tuy nhiên, theo ý kiến của các Đại biểu Quốc hội thì cả 2 phương án mà Dự thảo đưa ra đều chưa phù hợp với yêu cầu đó. Phương án 1 thì chưa làm rõ được mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo; còn Phương án 2 thì không đáp ứng được yêu cầu đổi mới tổ chức chính quyền địa phương theo nghị quyết của Đảng và thực tiễn đặt ra”. 
Vì vậy, Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý chế định chính quyền địa phương theo hướng  tiếp tục giữ quy định về các đơn vị hành chính tại Điều 118 của Hiến pháp năm 1992 nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ và ổn định trong cả nước; bổ sung quy định về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt như Dự thảo.
Về tổ chức chính quyền địa phương (Điều 111), Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho quy định về tổ chức chính quyền địa phương tại Điều 111 như sau: “1. Chính quyền địa phương tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. 2. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân được thành lập để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương trong phạm vi được phân cấp, phân quyền do luật định”.
Bảo đảm nguyên tắc tự chủ của địa phương
Ông Phan Trung Lý cũng cho biết, DTSĐHP  đã xác định những nguyên tắc cơ bản về phân cấp, phân quyền giữa chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương sao cho vừa bảo đảm quyền quản lý thống nhất của Trung ương, vừa bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương. Theo đó, Hiến pháp quy định nguyên tắc để làm cơ sở cho luật định những công việc thuộc thẩm quyền của trung ương, do trung ương đảm nhiệm (như quốc phòng, an ninh, ngoại giao,…), những công việc thuộc thẩm quyền của địa phương và những công việc thuộc thẩm quyền của cả Trung ương và địa phương nhưng có cơ chế kiểm soát rõ ràng và bảo đảm một việc chỉ do một cơ quan hoặc cấp chính quyền chịu trách nhiệm chính.  
Ủy ban DTSĐHP năm 1992 cho rằng, việc quy định Hội đồng nhân dân (HĐND) là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương xuất phát từ việc HĐND là cơ quan do nhân dân ở địa phương bầu ra, đại diện cho nhân dân địa phương,  chịu trách nhiệm trước nhân dân; HĐND quyết định các biện pháp bảo đảm thi hành nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, các vấn đề quan trọng của địa phương theo phân cấp và giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước tại địa phương. 
Hơn nữa, thực tiễn thi hành các Hiến pháp trước đây cho thấy quy định HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương đã khẳng định đúng vị trí, vai trò của HĐND. Quy định này không những không làm phân tán quyền lực mà còn góp phần làm cho quyền lực nhà nước ở nước ta được bảo đảm thống nhất. Từ đó, Ủy ban đã đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về tính chất quyền lực nhà nước của HĐND như quy định của Hiến pháp hiện hành được thể hiện như trong Dự thảo.
Trong quá trình thảo luận về DTSĐHP năm 1992, cũng đã có ý kiến đề nghị không quy định tính chất quyền lực nhà nước của HĐND vì ở cấp địa phương, chính quyền không thể tổ chức theo mối quan hệ ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp như ở cấp Trung ương. Mặt khác, quyền lực nhà nước là thống nhất, mỗi cấp chính quyền không thể là một cấp quyền lực khác nhau, điều này dẫn đến phân tán quyền lực. Những ý kiến theo quan điểm này cũng cho rằng, chính quyền địa phương gồm HĐND và Ủy ban nhân dân (UBND), nếu chỉ quy định HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước sẽ không thấy được vai trò của UBND và mối quan hệ biện chứng giữa 2 thiết chế này. 
Tuy nhiên, để khẳng định vai trò của UBND, Dự thảo xác định UBND do HĐND cùng cấp bầu hoặc do HĐND cấp trên trực tiếp phê chuẩn theo đề nghị của Chủ tịch UBND cùng cấp, là cơ quan chấp hành của HĐND, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước HĐND và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên. UBND tổ chức việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương; tổ chức thực hiện nghị quyết của HĐND và thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước cấp trên giao.

Đọc thêm