Cần hơn 100 năm xóa khoảng cách để phát triển đô thị thông minh bền vững tại Việt Nam?

(PLO) - Theo Bí thư TP HCM Nguyễn Thiện Nhân, với tốc độ phát triển như hiện tại, TP HCM cần 167 năm nữa mới đạt chuẩn giao thông đô thị. Nếu muốn đạt trong 25 năm tới, tốc độ xây đường phải gấp 7 lần. Kể cả dịch vụ y tế, giáo dục còn nhiều bất cập cần giải quyết trước khi nghĩ đến “thông minh”. 
Phối cảnh siêu đô thị thông minh Nhật Tân-Nội Bài trị giá hơn 4 tỷ USD.
Phối cảnh siêu đô thị thông minh Nhật Tân-Nội Bài trị giá hơn 4 tỷ USD.

Xây dựng thành phố (TP) thông minh là xu thế tất yếu, đã và đang được các địa phương trong nước hướng đến. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030.

Đô thị thông minh gắn với bảo vệ môi trường

Tính đến cuối năm 2017, Việt Nam có trên 800 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa tăng nhanh từ 23,7% năm 1999 lên 37,5% năm 2017. Hiện các đô thị Việt Nam được chia thành 6 loại gồm: loại đô thị đặc biệt và các đô thị từ loại 1 đến loại 5.  Trong đó các đô thị đặc biệt, loại 1 và 2 do Thủ tướng ra quyết định công nhận; các đô thị loại 3 và 4 do Bộ Xây dựng ra quyết định công nhận; và loại 5 do UBND cấp tỉnh, TP trực thuộc trung ương công nhận. Hiện tại Việt Nam có 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP HCM, 17 đô thị loại 1, 25 đô thị loại 2, 42 đô thị loại 3, 90 đô thị loại 4. Khoảng 38% dân số Việt Nam sống ở đô thị.

Mặc dù số lượng đô thị tăng nhanh nhưng đa số đều đối mặt với các thách thức như: chất lượng đô thị chưa bảo đảm, hạ tầng kỹ thuật chưa theo kịp tốc độ phát triển dẫn đến những vấn đề cần phải giải quyết như: kẹt xe, thiếu nước sinh hoạt, ngập úng, ô nhiễm môi trường... Các cơ quan quản lý nhà nước hướng đến việc xây dựng đô thị thông minh như là một giải pháp quan trọng để giải quyết các vấn đề này. Việc phát triển TP thông minh, gắn với bảo vệ môi trường đang trở thành xu thế phát triển của thời đại.

Đô thị thông minh là đô thị sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông và mạng lưới thiết bị kết nối qua internet để làm nền tảng xây dựng đô thị đáng sống, với quy hoạch bền vững, quản lý đô thị hiệu quả và minh bạch, với tính cạnh tranh đô thị cao về mọi mặt.

Từ năm 2008, TP Đà Nẵng đã bắt đầu triển khai đề án “Đà Nẵng - TP môi trường” và từ năm 2014 bắt đầu triển khai Đề án “Đà Nẵng - TP thông minh hơn giai đoạn 2014-2020” với 5 vấn đề được ưu tiên thực hiện gồm: Kết nối TP; hệ thống giao thông thông minh; hệ thống cấp nước thông minh; hệ thống thoát nước thông minh; hệ thống kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm thông minh.

Ứng dụng Iparking một trong những thí điểm tìm kiếm và trả tiền đậu ô tô qua điện thoại sẽ được TP Hà Nội đẩy mạnh trong năm 2018.
Ứng dụng Iparking một trong những thí điểm tìm kiếm và trả tiền đậu ô tô qua điện thoại sẽ được TP Hà Nội đẩy mạnh trong năm 2018.

“Để thực hiện thành công TP thông minh, Đà Nẵng đã ban hành Khu kiến trúc tổng thể xây dựng TP thông minh để định hướng mô hình phù hợp với địa lý, hiện trạng CNTT và KT-XH của Đà Nẵng. Đặc biệt, chủ trương, phương pháp trong triển khai xây dựng TP thông minh Đà Nẵng là “đa đối tác - một nền tảng - một hạ tầng - một chính sách - đa ứng dụng” với công nghệ xanh, bền vững”- ông Trần Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng chia sẻ.

Tại TP HCM, cuối năm 2017 đã ban hành Đề án “Xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” trong đó tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên: xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; xây dựng trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển KT-XH; xây dựng trung tâm điều hành thông minh; thành lập trung tâm an toàn thông tin TP.

Nhìn từ Hà Nội

Hướng tới xây dựng hình ảnh TP đô thị văn minh - năng động - hội nhập, thời gian qua, chính quyền Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp để quyết tâm phấn đấu là địa phương đi đầu trong xây dựng chính quyền điện tử, đến năm 2020 lọt vào Top 10 địa phương có chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh đứng đầu cả nước. Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác ứng dụng CNTT trong quản lý đô thị, chú trọng vào các lĩnh vực như giao thông, đăng ký thủ tục DN... Hệ thống giao thông thông minh dự kiến sẽ được xây dựng với 8 chức năng. Hệ thống du lịch thông minh gồm 7 chức năng. 

Ngoài ra TP tiếp tục tạo lập hệ thống thông minh trong các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, năng lượng, môi trường…Cụ thể, TP đã thí điểm ứng dụng tìm kiếm và trả tiền đậu ôtô qua điện thoại (Iparking) và sẽ triển khai trên tất cả các quận và dự kiến 31/12, hệ thống bản đồ giao thông Hà Nội cung cấp thông tin về tình trạng giao thông và vận tải hành khách công cộng cho người dân và du khách sẽ hoàn thành.

Đồng thời, TP đã đưa vào vận hành 456 dịch vụ công trực tuyến, phấn đấu đến cuối năm đạt 55%. Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT đứng thứ 2/63 tỉnh, TP Đến nay, tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt xấp xỉ 100%; DN kê khai thuế điện tử đạt 98%; thủ tục hải quan điện tử đạt 100%. 

Dự kiến tháng 10/2018 liên doanh BRG - Sumitomo sẽ khởi công xây dựng Dự án TP thông minh hai bên đường Nhật Tân - Nội Bài. Siêu dự án này vừa được UBND TP Hà Nội cấp phép đầu tư với tên gọi Dự án TP thông minh tại xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh với vốn đầu tư là 94.349 tỷ đồng (hơn 4 tỷ USD) do Liên doanh Sumimoto (Nhật Bản) và Tập đoàn BRG đầu tư.

Đây là dự án đô thị có quy mô lớn nhất được trao giấy chứng nhận đầu tư trong tổng số 71 dự án được cấp phép lần này, với tổng số vốn thu hút đầu tư lên tới gần 400.000 tỷ đồng (tương đương 17 tỷ USD). Tất nhiên bên cạnh đó Hà Nội vẫn còn rất nhiều việc để làm mới đạt chuẩn TP thông minh.

Khoảng cách xa 

Ông Seck Yee Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Singapore cho rằng, TP HCM và nhiều đô thị khác ở Việt Nam đang có nhu cầu xây dựng TP thông minh, đây là bước đi cần thiết để hiện đại hóa đô thị và giải quyết các vấn đề nóng như hạ tầng giao thông, môi trường, cơ sở dữ liệu. Tuy nhiên, Việt Nam phải có chính sách cởi mở hơn đối với các lĩnh vực đầu tư vào dịch vụ công nghệ.

Trên thực tế, chính sách về dịch vụ công nghệ của Việt Nam so với Singapore, vẫn còn rất nhiều rào cản không chỉ với DN FDI mà cả chính DN trong nước. Trường hợp Sơn Kova phải đi đăng ký nhãn hiệu ở Singapore là một ví dụ.

Trung tâm điều khiển giao thông Hà Nội với trang thiết bị hiện đại kết nối hệ thống mạng internet.
Trung tâm điều khiển giao thông Hà Nội với trang thiết bị hiện đại kết nối hệ thống mạng internet.

Trong bối cảnh nhiều TP của Việt Nam hiện đang phải đối mặt với những thách thức về tăng dân số và đô thị hóa nhanh chóng, phát triển đô thị thông minh không chỉ là một xu hướng mà còn là giải pháp giúp biến các TP trở nên đáng sống và cạnh tranh hơn.

Ba điều kiện tiên quyết để phát triển đô thị thông minh liên quan đến cơ sở hạ tầng là Cơ sở hạ tầng số hóa; Giao thông thông minh; Lưới điện thông minh và Tòa nhà thông minh. Việt Nam có nhiều dự án xây dựng TP thông minh như Bình Dương, Nhật Tân (Hà Nội) Phú Quốc (Kiên Giang). Nhìn vào tiêu chí nhiều TP thông minh trên thế giới đã trải nghiệm, nhiều dự án của Việt Nam còn khoảng cách rất xa trước khi đạt đến trạng thái “thông minh”.

Vấn đề nhức nhối của hai TP lớn nhất nước là tắc nghẽn giao thông và quy hoạch bất hợp lý, việc sử dụng năng lượng thông minh không thể dựa vào cách khai thác năng lượng truyền thống. 

Theo chuẩn, 1 km2 đất đô thị phải có 10 km đường nhưng hiện nay TP HCM chỉ có 1,98 km đường/km2, chưa được 20%. Theo Bí thư TP HCM Nguyễn Thiện Nhân, với tốc độ phát triển như hiện tại, TP HCM cần 167 năm nữa mới đạt chuẩn giao thông đô thị. Nếu muốn đạt trong 25 năm tới, tốc độ xây đường phải gấp 7 lần. Kể cả dịch vụ y tế, giáo dục còn nhiều bất cập cần giải quyết trước khi nghĩ đến “thông minh”. 

Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phấn đấu đến năm 2020 xây dựng nền tảng cơ sở pháp lý phát triển đô thị thông minh, tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư triển khai thí điểm ở cấp khu đô thị và đô thị. Đến năm 2025 thực hiện giai đoạn 1 thí điểm phát triển đô thị thông minh, hỗ trợ ít nhất 6 đô thị/ 6 vùng kinh tế phê duyệt Đề án tổng thể về phát triển đô thị thông minh.
Định hướng đến năm 2030, hoàn thành thí điểm giai đoạn 1, từng bước triển khai nhân rộng theo lĩnh vực, khu vực, hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh, có khả năng lan tỏa. Cụ thể, hình thành các chuỗi đô thị thông minh khu vực phía Bắc, miền Trung, phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long, lấy TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng, TP Cần Thơ là hạt nhân, hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh.

Đọc thêm