Cần hướng dẫn để doanh nghiệp tự chống tham nhũng

(PLVN) - Phó Tổng thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, trong bối cảnh tham nhũng trong khu vực tư đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ gây ra hệ lụy đối với sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, một yêu cầu tất yếu đặt ra đó là phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư.

Tại Hội thảo tham vấn Báo cáo đánh giá quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong khu vực ngoài nhà nước và hướng dẫn đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thi hành quy định của Luật PCTN năm 2018 do Thanh tra Chính phủ phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hôm nay (28/7), Phó Tổng thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh, nạn tham nhũng đã và đang là vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong nhân dân. Từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn chú trọng công tác PCTN.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đứng trước nguy cơ, thách thức lớn về tham nhũng; tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng ở nhiều nơi, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh và tác động xấu đến môi trường đầu tư.

 83,13% DN chấp nhận các "khoản chi phí không chính thức"

Qua góc nhìn từ khu vực kinh tế tư nhân, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, các "biểu hiện" của tình hình tham nhũng trong khu vực tư được thể hiện qua đánh giá của DN về chi phí không chính thức trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo Điều tra PCI do VCCI tiến hành, năm 2018 vẫn có 7% DN tốn hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức; 55% DN nhận định các DN cùng ngành có trả chi phí không chính thức. Điều đáng nói là năm 2019 có đến 83,13% DN "chấp nhận" với các "khoản chi phí không chính thức ở mức chấp nhận được". Bởi có đến 62% DN cho biết công việc được giải quyết sau khi đã trả chi phí không chính thức.

Trong giai đoạn 2013-2019, có sự giảm đáng kể tỷ lệ DN đồng ý với nhận định "hợp đồng mua sắm công, đất đai và các nguồn lực kinh tế khác chủ yếu rơi vào tay các DN có liên kết chặt chẽ với chính quyền tỉnh". Tuy nhiên, năm 2019, vẫn còn đến 63,44% DN đồng ý với nhận định này (so với 96,59% của năm 2013).

Hội thảo tham vấn của Thanh tra Chính phủ về hướng dẫn DN, tổ chức ngoài nhà nước thực thi pháp luật về PCTN trong khu vực ngoài nhà nước.
 Hội thảo tham vấn của Thanh tra Chính phủ về hướng dẫn DN, tổ chức ngoài nhà nước thực thi pháp luật về PCTN trong khu vực ngoài nhà nước. 

Năm 2019, có gần 20% DN được khảo sát đồng ý với nhận định "chi trả hoa hồng" là cần thiết để có cơ hội thắng thầu. Nhiều DN vẫn lo ngại tình trạng "chạy án" nên không đưa tranh chấp ra Tòa. Và theo đánh giá của DN, "mối quan hệ với cơ quan nhà nước" là yếu tố cần thiết để tiếp cận thông tin.

"Trong bối cảnh tham nhũng trong khu vực tư đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ gây ra hệ lụy đối với sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, một yêu cầu tất yếu đặt ra đó là PCTN trong khu vực tư" - Phó Tổng thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết.

Cần hướng dẫn doanh nghiệp tự chống tham nhũng

Qua khảo sát, đa số DN, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước đã nhận thức được các qui định hiện hành về PCTN trong khu vực tư, tuy nhiên còn chưa đầy đủ, đúng với qui định. Do đó, để quy định về PCTN trong khu vực tư phát huy hiệu quả, cần hướng dẫn DN, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực thi các quy đinh này.

Theo đó, nhóm nghiên cứu xây dựng Báo cáo đánh giá qui định pháp luật về PCTN trong khu vực ngoài nhà nước kiến nghị cần có hướng dẫn để DN, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, hiệp hội ngành nghề, hiệp hội DN cần nhận thức được tầm quan trọng của công tác PCTN để từ đó chủ động thực hiện trong DN, tổ chức, hiệp hội mình; đồng thời có quy định trong Điều lệ, Quy định của DN, tổ chức, hiệp hội mình về các trách nhiệm đó.

Yêu cầu DN, tổ chức khu vực ngoài nhà nước chú trọng xây dựng quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh và cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm hạn chế rủi ro và phòng ngừa tham nhũng.

Các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và các tổ chức xã hội cần thực hiện đầy đủ yêu cầu về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của DN, tổ chức; quy định về kiểm soát xung đột lợi ích; quy định và thực hiện quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong DN, tổ chức.

VCCI cho rằng, "chống tham nhũng không chỉ là sửa luật mà còn ở quy trình, sửa đổi quy trình hành chính tác động rất lớn đến giảm thiểu tham nhũng, chẳng hạn quy trình tiếp nhận và xét xử các vụ án kinh tế.

Nhà nước cần hoàn thiện chính sách và quy trình, đừng để DN kinh doanh tử tế, minh bạch thì thiệt thòi. Nhà nước cần có những chuẩn mực đạo đức, đưa ra những thông điệp về yêu cầu cao về chất lượng DN: như cần có sàng lọc DN tháp tùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước phải đáp ứng được một số tiêu chí nhất định" - ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI trình bày.

Đọc thêm