Cần hủy bỏ ngay việc giam giữ bà Nguyễn Thị Lý

(PLO) - Bà Nguyễn Thị Lý bị bắt giam sau khi vụ án đã kết thúc điều tra cho thấy sự bất thường trong vụ án này. Với những dấu hiệu oan sai rất rõ, nếu tiếp tục giam giữ công dân thì cơ quan tố tụng TP.Hạ Long có thể rơi vào tình trạng “đâm lao, theo lao” và việc minh oan cho công dân sẽ trở nên khó khăn hơn.
Cần hủy bỏ ngay  việc giam giữ bà Nguyễn Thị Lý
Vừa qua, Báo PLVN có một số bài phản ánh về vụ án “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” do các cơ quan tiến hành tố tụng TP.Hạ Long giải quyết có dấu hiệu oan sai. Theo lịch, vụ án sẽ được xét xử vào ngày 30/11/2013; tuy nhiên vừa qua, TAND TP.Hạ Long đã thông báo không xét xử mà thay vào đó là quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung đối với vụ án này.
Trở lại nội dung vụ án, ngày 15/7/2011 UBND TP.Hạ Long đã có Quyết định số 2234/QĐ-UBND phê duyệt mức hỗ trợ theo phương án sắp xếp lại lao động của Cty CP Hà Khẩu do Xí nghiệp Xi măng Đại Yên của Cty bị thu hồi đất dẫn đến phải giải thể và làm cho 41 lao động của Xí nghiệp bị mất việc làm. Vì thế, Cty đã xây dựng phương án sắp xếp lại lao động để Nhà nước hỗ trợ tiền mất việc làm cho người lao động. Theo phương án mà Cty Hà Khẩu xây dựng, được Sở LĐ-TB&XH thẩm định, Cty được hỗ trợ gần 1 tỷ 165 triệu đồng. Được UBND TP.Hạ Long phê duyệt, ngày 20/11/2011 Cty CP Hà Khẩu đã nhận được toàn bộ số tiền hỗ trợ trên.
Khi sắp xếp lại lao động của Xí nghiệp Xi măng Đại Yên, nhiều lao động đã được bố trí làm việc tại các đơn vị khác của Cty; trong đó có 12 lao động chủ động xin chấm dứt hợp đồng lao động. Cty đã chi trả chế độ trợ cấp thôi việc thay vì trả trợ cấp mất việc, 12 lao động này khiếu nại “đòi” tiền hỗ trợ mất việc làm do thu hồi đất, không đồng ý hưởng trợ cấp thôi việc. Khiếu nại được UBND TP.Hạ Long thụ lý, giao cho Thanh tra  và Thanh tra đã chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra vì cho rằng có “dấu hiệu phạm tội”. 
Ngày 15/1/2013, Cơ quan điều tra (CQĐT) Công an TP.Hạ Long khởi tố đối với bà Nguyễn Thị Lý - Chủ tịch HĐQT Cty tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Ngày 20/8/2013, CQĐT tiếp tục khởi tố đối với ông Vũ Đình Mạnh - Trưởng phòng Tổ chức hành chính Cty CP Hà Khẩu - về cùng một tội danh với bà Lý.
Điều đáng nói là, khi kết thúc điều tra thì CQĐT mới thực hiện việc khởi tố đối với ông Vũ Đình Mạnh và bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Thị Lý trong khi đối với hầu hết các vụ án thì việc bắt tạm giam thường được thực hiện ngay khi khởi tố vụ án. Theo kết luận điều tra của CQĐT và cáo trạng của VKSND TP.Hạ Long, hành vi phạm tội mà bà Lý và ông Mạnh bị quy kết là lập phương án đề nghị Nhà nước hỗ trợ bồi thường không đúng với thực tế sử dụng lao động của Cty để “chiếm đoạt tiền cho Cty Hà Khẩu”.
Song, việc khởi tố, truy tố đối với bà Nguyễn Thị Lý về tội danh “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đã bộc lộ sự thiếu thuyết phục, vì theo Luật sư Nguyễn Minh Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội), việc Cty Hà Khẩu xây dựng phương án trợ cấp mất việc làm cho người lao động khi Nhà nước thu hồi đất nếu chưa sát thực tế thì cơ quan có thẩm quyền có thể hủy bỏ phương án đã phê duyệt, truy thu lại tiền đã hỗ trợ chứ không phải là khởi tố đối với chủ DN. 
Hơn nữa, DN được hỗ trợ là tổ chức đứng ra “xin” hỗ trợ, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm thẩm định và duyệt, nếu sai thì người thẩm định và người duyệt phải chịu trách nhiệm, không thể quy kết trách nhiệm cho người đề xuất phương án là “cố ý làm trái” gây hậu quả nghiêm trọng được. Hơn nữa, việc DN không chi trả tiền hỗ trợ cho những lao động bị mất việc làm theo phương án đã được UBND TP.Hạ Long phê duyệt là vấn đề “nội bộ” của DN. 
Trường hợp này, người lao động có thể khởi kiện đòi chi trả theo phương án mà UBND TP.Hạ Long đã phê duyệt theo quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động chứ không được hình sự hóa quan hệ này và đổ tội cho chủ DN. 
Thiết nghĩ, các cơ quan tố tụng TP.Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh cần phải xem xét lại vụ án này, đặc biệt là phải thay đổi ngay biện pháp ngăn chặn đối với bà Nguyễn Thị Lý. Việc giam giữ nếu tiếp tục kéo dài có thể để lại hậu quả nghiêm trọng đối với công dân, đẩy các cơ quan tố tụng vào cảnh không có đường lui và phải “theo lao” để tránh trách nhiệm bồi thường nhà nước.

Đọc thêm