Cần làm như Hà Nội!

(PLO) - UBND thành phố Hà Nội vừa có đề xuất giảm các ban chỉ đạo, theo đó, giải thể 41 ban, sáp nhập 27 ban để từ 108 ban hiện nay xuống còn 48 ban.
Cần làm như Hà Nội!

Chỉ một địa phương mà có số lượng các ban chỉ đạo nhiều đến thế, nếu không công khai số liệu thống kê này thì không ai có thể ngờ đến con số 108. Cứ đó mà nhân lên với 63 tỉnh, thành trong cả nước, chưa kể các ban chỉ đạo ở Trung ương thì số các ban có lẽ còn nhiều hơn các đầu mối cơ quan hành chính.

Như vậy, rõ ràng là có sự bất hợp lý trong quản lý, điều hành. Mỗi một cơ quan, đơn vị, ngành,... đều có chức năng, nhiệm vụ của mình và bắt buộc phải thực hiện các chức năng đó cùng với việc tự giác hoàn thành nhiệm vụ. Vậy mà, cần đến nhiều ban chỉ đạo như vậy thì tình trạng “Lắm thầy, nhiều ma, lắm cha con khó lấy chồng” rất có thể sẽ xảy ra.

Tất cả các ban chỉ đạo lập ra đều nhắm tới một mục đích là tăng cường hiệu quả của một công việc nhất định nào đấy bằng cách phối kết hợp nhiều cơ quan chức năng có liên quan, tập trung ở một đầu mối là ban chỉ đạo nắm bắt và điều hành công việc với vai trò là đẩy mạnh cái công việc đó lên.

Công việc nào đấy cần tập trung chỉ đạo thì chỉ diễn ra trong một thời gian nhất định mà thôi, ví dụ, ban chỉ đạo tăng cường công tác thi hành án dân sự chẳng hạn, với đầy đủ các đại diện của chính quyền, Viện kiểm sát, Toà án, Tư pháp, Công an,... cùng kết hợp với nhau, chung tay đẩy mạnh hoạt động này, cùng tháo gỡ các vướng mắc nhưng chức năng thực hiện vẫn chỉ là các cơ quan Thi hành án dân sự, sau một thời gian phối hợp, đẩy mạnh, tăng cường thì cũng phải giải thể, để cho ngành Thi hành án dân sự thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Không ai có thể gồng mình mà đẩy mạnh, tăng cường mãi được.

Một điều đáng chú ý là các ban chỉ đạo này không hề có trong cơ cấu của bộ máy hành chính được quy định bằng pháp luật mà chỉ được thành lập do nhu cầu cấp bách của công việc cần tập trung cao độ. Vì thế, các ban này thường là bán chuyên trách, cán bộ thường là kiêm nhiệm, trừ những người làm nhiệm vụ thường trực, cơ sở pháp lý để cho các ban này hoạt động dường như không có. Mà đã thành lập thành ban bệ thì phải có kinh phí, hội họp, sơ kết, tổng kết, phương tiện hoạt động,... chắc hẳn sẽ gây tốn kém không ít cho ngân sách nhà nước và thời gian, vật chất của cán bộ.

Tinh giản bộ máy mà lại sinh ra các cơ quan ngoài bộ máy và duy trì hoạt động thường xuyên, lâu dài thì đó là việc bất hợp lý. Cần làm như Hà Nội!

Đọc thêm