Cần một cây chổi

(PLO) - Dàn dựng ngụy tạo, gài người được hỏi, làm nên một phóng sự truyền hình làm rúng động cả nước vì sự gian trá với tầng lớp thật thà nhất là nông dân.
Cần một cây chổi

Đó là phóng sự “Cây chổi quét rau” phát trên VTV3 với nội dung phản ảnh là người trồng rau dùng chổi quét cho rách lá rau để người mua tưởng sâu ăn và cho đó là rau sạch. 

Phơi bày một chuyện giả dối không có thật bằng sự giả dối thật sự có ý đồ, kịch bản hẳn hoi của mình, nữ phóng viên đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp và cả đạo lý làm người. 

Khi bị phát hiện việc ngụy tạo này, âm hưởng và sức lan tỏa của nó còn gấp nhiều lần khi cái chổi quét rau xuất hiện trên truyền hình và hậu quả của nó với giới truyền thông còn tai hại hơn nhiều so với rau không bán được. 

Dân tình phẫn nộ, không chỉ ở địa phương mà nhóm phóng viên này tác nghiệp mặc dù cô phóng viên thực hiện chương trình đã về tận nơi xin lỗi và VTV3 cũng chính thức lên tiếng xin lỗi, đình chỉ công tác của cô phóng viên tập sự (trong văn bản của mình VTV3 nhiều lần nhấn mạnh từ “tập sự” này). 

Dư luận đòi truy trách nhiệm của người duyệt chương trình và cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã yêu cầu VTV3 giải trình vụ việc này 

Thực chất, đây cũng chỉ là giọt nước làm tràn ly sự bất bình của dư luận xã hội trước việc đưa tin thiếu chính xác, phiến diện, một chiều nếu không nói là thất thiệt của giới truyền thông. 

Những tin đó ảnh hưởng trực tiếp đến người sản xuất, kinh doanh như quả vải ngâm hóa chất, xúc xích có chất gây ung thư... Hoặc, quay cảnh chỗ này gán cho chỗ khác để phục vụ ý đồ của mình, tệ hại hơn, truyền hình nhầm lẫn tên vua triều Nguyễn thành hoàng đế nhà Thanh, người đánh thắng quân Nguyên trên sông Bạch Đằng là Ngô Quyền... chưa kể các lỗi sai chính tả nhan nhản trên các dòng chữ chạy trên màn hình làm người xem rất khó chịu. 

Những cái đó là biểu hiện của sự coi thường người đọc, người xem và cũng bộc lộ sự cẩu thả, sơ sài của người duyệt bài, duyệt chương trình. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là phẩm chất đầu tiên của người làm báo là trung thực, nếu không có điều đó, nhà báo không còn đáng tin nữa, gây phản cảm rất lớn.

Tai nạn nghề nghiệp còn có thể tha thứ được nhưng vi phạm đạo đức nghề nghiệp thì không thể bỏ qua. Rất cần một cây chổi để quét sạch những thói sâu mọt vì sự băng hoại nền tảng đạo lý xã hội cũng bắt đầu bởi chính những hành vi như vậy!.

Đọc thêm