Cần quy định rõ 'trường hợp đặc biệt' được xem xét đặc xá

(PLO) - Chiều 29/5, thảo luận về Luật đặc xá sửa đổi, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị phải làm rõ trường hợp đặc biệt là như thế nào? Bên cạnh đó cần bổ sung quy định về thanh tra, kiểm tra đối với công tác đặc xá.
Đại biểu thảo luận tại tổ về Luật đặc xá sửa đổi
Đại biểu thảo luận tại tổ về Luật đặc xá sửa đổi

Làm rõ trường hợp đặc biệt như thế nào?

Đại biểu Hoàng Văn Hùng, đoàn Thái Nguyên nêu ý kiến cần làm rõ trường hợp đặc biệt có những tiêu chí nào, nếu không sẽ gây khó khăn cho Chính phủ khi đề xuất. Ông Hùng cho rằng nên bỏ quy định “những trường hợp khác do Chủ tịch nước quyết định theo đề nghị của Chính phủ”.

Vẫn theo đại biểu Hùng, tại Điều 10 của dự thảo Luật Đặc xá mở rộng đối tượng là tội phạm liên quan tới phá hoại hòa bình, chiến tranh, tội phạm khủng bố, xâm phạm tới an ninh quốc gia. Theo cá nhân ông Hùng là “không ổn” và “không nên đưa vào mở rộng những đối tượng này. Nhóm đối tượng này cũng không thuộc đối tượng được tha tù trước thời hạn”, ông Hùng nói và nhấn mạnh Luật Đặc xá cần tạo sự khác biệt với tha tù trước thời hạn, còn không dễ trùng lặp chính sách.

Đại biểu Hoàng Văn Hùng
Đại biểu Hoàng Văn Hùng

Về điều kiện bổ sung đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, đã nộp án phí theo đại biểu đoàn Thái Nguyên có thể không đảm bảo công bằng. Đặc biệt với những trường hợp gia đình khó khăn thì dù chấp hành tốt hình phạt trong trại giam nhưng không có tiền thi hành trách nhiệm dân sự thì cũng không được xem xét đặc xá. Trong khi đặc xá là ân huệ, cần đảm bảo công bằng.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Duy Hữu, đoàn Đắk Lắk có ý kiến phải liệt kê cụ thể các trường hợp được đặc xá trong trường hợp đặc biệt. Đại biểu này cũng đề nghị dự thảo bổ sung quy định rõ, ấn định thời điểm công bố, niêm yết quyết định đặc xá của Chủ tịch nước trước bao nhiêu ngày trong trường hợp đặc biệt: “Chủ tịch nước ban ân huệ nhưng các văn phòng, cơ quan khác để gần thời gian mới thông báo thì sao làm kịp?”, đại biểu đặt câu hỏi.

Vẫn là ý kiến đại biểu đoàn Đắk Lắk, theo dự thảo thì công tác đặc xá hoàn toàn do cơ quan công an thực hiện, do trại giam thực hiện. Như thế sẽ bỏ lọt đối tượng đang được tòa án cho tạm hoãn thi hành án vì ốm đau, bệnh tật. Trước đây có quy định với những người đang được tạm hoãn thi hành án, tạm đình chỉ thi hành án thì tòa án có trách nhiệm thông báo với đối tượng này về quyền đặc xá. Tuy nhiên trách nhiệm thực hiện của tòa án trong dự thảo luật quy định chưa rõ.

Bên cạnh đó theo ông Hữu, quy định về điều kiện là người “đang mắc bệnh hiểm nghèo hoặc ốm đau thường xuyên, có kết luận giám định y khoa hoặc xác nhận bằng văn bản của cơ quan y tế có thẩm quyền” rất khó thực hiện. Đại biểu này cho rằng, trong nhiều tình huống, VKS không chấp nhận văn bản “tổng kết bệnh án”, rồi có trường hợp yêu cầu kết luận giám định y khoa ngoài văn bản của cơ sở y tế. Vì thế ông này đề nghị chỉ nên quy định dứt khoát hoặc là kết luận giám định y khoa, hoặc là văn bản của cơ quan y tế có thẩm quyền.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Hồ Văn Niên, đoàn Gia Lai nếu ý kiến chỉ nên quy định thời điểm đặc xá trong các ngày lễ lớn và trường hợp đặc biệt, không nên đưa thời điểm sự kiện trọng đại của đất nước vào dự thảo luật. Đối với trường hợp đặc biệt do Chủ tịch nước quyết định, đại biểu Niên có ý kiến thực hiện 2 lần trong một nhiệm kỳ 5 năm. 

Đề nghị bổ sung quy định thanh tra, kiểm tra công tác đặc xá

Trong khi đó, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội băn khoăn phạm nhân vẫn còn quyền con người dù đã mất quyền công dân. Theo quy định trong dự thảo thì người có đơn xin đặc xá có quyền khiếu nại, nộp cho giám thị trại giam, thời hạn xem xét đơn là 5 ngày. Tuy nhiên việc lập danh sách xem xét được đặc xá cho tới đánh giá, đánh giá, bình bầu đều do trong ngành công an làm nhưng không có thanh tra kiểm tra:

Bà Hải nhấn mạnh trong Luật thanh tra không có quy định nào về thanh tra, kiểm tra việc giải quyết khiếu nại liên quan đến đặc xá. Và trong luật chuyên ngành đặc xá cũng không có chương mục nào quy định về việc thanh tra, kiểm tra trên: “Trong báo cáo tổng kết của ngành công an cũng không có báo cáo bất kì một cuộc thanh tra, kiểm tra về vấn đề này”, bà Hải nói và cho biết chưa bao giờ nhận được đơn khiếu nại nào từ đại diện của người tố cáo liên quan tới công tác đặc xá. Trong khi khiếu nại về lĩnh vực khác như đất đai lại nhận được rất nhiều.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải

“Tôi muốn nhấn mạnh công tác thanh tra, kiểm tra. Đề nghị bổ sung một số điều liên quan đến thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm khi thực hiện Luật đặc xá”, bà Hải kiến nghị.

Liên quan tới điều kiện được đặc xá, Trưởng ban dân nguyện Quốc hội cho rằng nên hạn chế các “điều khoản quét” như quy định “các trường hợp đặc biệt”, “trường hợp khác” do Chủ tịch nước quyết định trên cơ sở Chính phủ đề nghị.

Một số ý kiến thảo luận khác cũng băn khoăn điều kiện người được xem xét đặc xá có kết quả cải tạo khá và tốt là chưa rõ, chỉ nên xem xét đối với phạm nhân có kết quả cải tạo tốt. Đồng thời nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ điều kiện người được đặc xá không làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự bởi đây là sự việc trong tương lai. 

Đọc thêm