Cần quy trách nhiệm cho hành vi tham nhũng chính sách

(PLO) - Thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) diễn hôm qua (31/5), đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề xuất cần quy trách nhiệm cho những đối tượng tham nhũng chính sách, bởi tham nhũng chính sách là vấn đề trầm trọng, nhất là khi ban hành chính sách mà làm thất thoát một lượng lớn tài sản của nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng việc mở rộng của Dự thảo luật đối với khu vực ngoài nhà nước là cần thiết
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng việc mở rộng của Dự thảo luật đối với khu vực ngoài nhà nước là cần thiết

Điều chỉnh cả doanh nghiệp tư nhân

Liên quan đến phạm vi của Dự thảo luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang) cho rằng, việc mở rộng đối với khu vực ngoài nhà nước là cần thiết, bởi trong tương lai cũng như hiện nay, nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn sẽ đầu tư vào nước ta thì sẽ xuất hiện các hành vi tham nhũng ở các doanh nghiệp này. Ví dụ như nhận hối lộ để đưa đối tượng vào làm việc; thông đồng với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong việc mua sắm vật tư, ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Long, cần quy định thật chặt chẽ thủ tục thanh tra để việc làm này không bị lợi dụng gây khó khăn, tăng chi phí đầu tư cho các doanh nghiệp. “Đây là điểm cần lưu ý”- Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, nhưng ĐB Đào Thanh Hải (Đoàn Hà Nội) lưu ý việc mở rộng ra khu vực ngoài nhà nước cần cân nhắc thận trọng, nếu không sẽ dễ rơi vào tình trạng “rộng mà loãng”. “Cần đánh giá toàn diện đối tượng thuộc phạm vi mở rộng ngoài nhà nước, tập trung vào diện đối tượng dễ có nguy cơ tham nhũng cao để khoanh vùng, làm sao vừa phòng chống tham nhũng vừa đảm bảo hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”- ĐB Hải nêu quan điểm.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Chiến (Đoàn Hà Nội) đề xuất mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo hơn nữa, bao gồm phòng chống tham nhũng trong cả các doanh nghiệp tư nhân. Lý giải cho đề xuất trên, ông Chiến cho rằng, thực tế trong các vụ án tham nhũng lớn, đối tượng là doanh nghiệp tư nhân được xác định là “sân sau” của doanh nghiệp nhà nước khá nhiều và đây là khu vực có nhiều nguy cơ tham nhũng cao. “Tuy nhiên, vấn đề này chưa được đề cập trong dự thảo Luật mà lại quan tâm đến những tổ chức có các hoạt động từ thiện… Tất nhiên, các đơn vị này cũng có biểu hiện nhưng với nguy cơ tham nhũng lớn lại không cao”, ĐB Chiến nói.

Đề xuất bổ sung hành vi tham nhũng chính sách cũng phải quy trách nhiệm, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, tham nhũng chính sách là vấn đề trầm trọng, nhất là khi ban hành chính sách mà làm thất thoát một lượng lớn tài sản của Nhà nước. “Khi bấm nút thông qua một đạo luật gây ra những hậu quả nghiêm trọng cũng phải xem xét trách nhiệm”- ĐB Cường đề nghị.

Tập trung một mối kiểm soát tài sản, thu nhập

Cho ý kiến về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập, do các ĐB vẫn còn nhiều luồng quan điểm khác nhau nên Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án để các ĐB lựa chọn.

 Phương án 1: Giao cho Thanh tra Chính phủ tiến hành kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cơ quan thanh tra hoặc đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương (nơi không có cơ quan thanh tra), thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập đối với những người có nghĩa vụ kê khai khác công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình. 

Phương án 2: Đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương thì thực hiện như phương án 1. Còn đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội thì giao cho cơ quan trung ương của các cơ quan, tổ chức này kiểm soát tài sản, thu nhập; đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ thì giao cho các cơ quan này kiểm soát; đối với người có nghĩa vụ kê khai là ĐBQH chuyên trách thì giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiểm soát.

Về vấn đề này, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) ủng hộ phương án 1. Theo ĐB Cường, việc giao cho cơ quan Thanh tra kiểm soát tài sản, thu nhập vừa có thể giúp tập trung công việc vào một đầu mối đồng thời có thể quy được trách nhiệm của cơ quan đó. “Hơn nữa, để chống tham nhũng không thể 1-2 ngày mà phải nhiều năm và cần có cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản, do vậy một cơ quan là cách hay nhất để hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia”, ĐB Cường lý giải.

Cũng lựa chọn Phương án 1, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, phương án này có ưu điểm sẽ khắc phục được tình trạng dàn trải của cấp quản lý trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập. “Do đó, hiện nay nếu cần thiết tăng bộ máy để phòng chống tham nhũng hiệu quả tôi cho rằng cũng cần cân nhắc, vì lợi ích sẽ mang lại rất nhiều”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói.

Không đồng tình với Phương án 1, ĐB Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) phân tích: phương án 1 chỉ giao cơ quan thanh tra mà trong bối cảnh đang thực hiện Nghị quyết 39 tinh giản biên chế thì sẽ lại phồng biên chế. Không những thế, Thanh tra kiểm soát thu nhập, tài sản của Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ sẽ không phù hợp.  Do đó, cơ quan trực tiếp kiểm soát tài sản thì dễ hơn. “Nên thống nhất với phương án 2, tức là bán chuyên trách chứ không theo phương án 1 là tập trung vào cơ quan thanh tra chuyên trách”, ĐB Chính cho hay.

Đọc thêm