Cần sớm có cơ quan kiểm định đồ cổ

(PLO) - Tình trạng mất cắp cổ vật, đồ thờ tự trong thời gian gần đây lại tiếp tục xảy ra tại một số tỉnh, thành phố, nhiều cổ vật quý hiếm có giá trị ở các điểm di tích như bát hương, đèn cầy, hạc, tượng phật, lộc bình, lư hương, chuông đồng... 
Cần sớm có cơ quan kiểm định đồ cổ

Một điều, việc thống kê và lên danh mục các tài sản, di sản bị mất cắp vẫn còn lộn xộn. Không riêng gì người trông coi mà cả hải quan và công an đều có kiến thức rất hạn chế về sự đánh giá cổ vật. Họ không xác định được cổ vật thật dẫn tới việc quản lý, tìm lại cổ vật đã mất rất khó khăn.

Nhiều cổ vật biến mất đầy bí ẩn

Nạn trộm cắp cổ vật ở nơi thừa tự hoành hành khắp nơi. Pho tượng Phật nghìn tay, nghìn mắt tại chùa Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên bị kẻ trộm đột nhập, lấy cắp vào rạng sáng 29/9. Đến 6h15 sáng cùng ngày, nhà chùa thức dậy mới phát hiện ra cửa cổng bị cắt khoá và kẻ trộm vào bê pho tượng đi.

Tượng Quan Thế Âm chùa Mễ Sở là pho tượng cổ với 1.113 tay và 1.113 mắt. Tượng cao 2,8 mét, được chế tác bằng gỗ mít. Từ chỏm đầu tượng tới mặt ngồi cao 140cm, bệ cao 53 cm, tòa sen cao 23cm.

Hình ảnh camera an ninh ghi lại cho thấy có một người đàn ông bịt mặt, đeo găng tay đã đột nhập vào lấy trộm tượng. Sau khi đưa tượng Phật ra ngoài, người này còn quay vào khu thờ để lau chùi xoá dấu vết. Sau khi phát hiện sự việc, chính quyền địa phương đã báo cáo Công an huyện Văn Giang về xác minh, điều tra làm rõ sự việc.

Hàng loạt cổ vật tại chùa Nền - một di tích lịch sử đã được xếp hạng - đã biến mất đầy bí ẩn.  Theo tố cáo của cụ Đặng Huynh (SN 1936), Phó  Ban quản lý (BQL) di tích phường Láng Thượng, nguyên là Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm gửi đến lãnh đạo Công an TP Hà Nội, thì từ năm 2003, ni sư Thích Đàm P. là trụ trì chính của chùa Phúc Lâm (quận Ba Đình) về kiêm nhiệm trụ trì chùa Nền đã “làm đảo lộn các ban thờ, tượng Phật, đặc biệt là làm thất thoát các cổ vật là: 1 lư hương chạm nổi có ở chùa mấy trăm năm; 1 văn bia; 4 đạo sắc phong của các triều nhà Nguyễn; 4 pho tượng đồng trong tòa Cửu Long”.

Cụ Đặng Huynh cho biết, từ tháng 3/2014, bà P. đã phải rời khỏi chùa Nền, BQL di tích cùng nhân dân 3 thôn, 9 xóm làng Láng đã kiến nghị lên chính quyền nhiều lần để truy tìm, thu hồi các cổ vật trên, nhưng cho đến nay vẫn không có kết quả.

Đầu tháng 4/2015, chùa Phước Hải (TP HCM) bị mất cắp  một bức tượng Hộ pháp trăm tuổi cao khoảng 1,2m, nặng hơn 100kg. Trước đó, đầu năm 2014, chùa Đa Sỹ (Hà Nội) bị mất trộm những cổ vật, đồ thờ quý trăm năm tuổi. Chỉ trong vài tháng, kẻ trộm đã “viếng thăm” chùa Đa Sỹ đến 3 lần để bị đánh cắp đỉnh thờ và bốn bát hương cổ - cổ vật có từ thời nhà Nguyễn. Chùa cũng bị mất tiếp sập gụ, một chiếc đỉnh thờ cổ, 10 pho tượng quý gồm các tượng Phật và tượng Thánh cổ.

Vào tháng 2/2014, kẻ trộm đã vượt tường vào chùa Thổ Hà (Bắc Giang) lấy đi pho tượng cổ Thích Ca bằng chất liệu đồng đen. Cũng tháng 2/2014, kẻ trộm đã phá tường đột nhập vào chùa Ninh Khánh - Bắc Giang “thổi bay” 2 pho tượng Tam Thế có niên đại thế kỷ XIX. Trước đó, chùa này đã bị mất cắp 2 tượng Di Lặc và Ca Diếp đều có tuổi gần 200 năm...

Theo BQL di tích tỉnh Bắc Giang từ năm 2000 đến nay, trên địa bàn Bắc Giang đã xảy ra hơn 50 vụ mất cắp cổ vật trong các di tích, kẻ gian đã lấy gần 300 di vật, cổ vật, trong đó chủ yếu là tượng, sắc phong, câu đối, bát hương cổ. 

Phải xây dựng Trung tâm kiểm định đồ cổ

Không chỉ mất mà không ít các di tích tại làng, xã bị đánh tráo cổ vật mà ngay chính người trông coi cũng không hề hay biết như ví dụ ở  đình Thanh Mạc thôn Thanh Mạc, xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ, Hà Nội  là ví dụ. Ở đây chiếc đỉnh cổ có niên đại hàng trăm năm, được xem là “báu vật” linh thiêng của ngôi làng đã bị đánh tráo. Công nghệ hiện đại, trình độ cao khiến những cổ vật làm giả nhìn bên ngoài giống gần như thật mà mắt thường khó phân biệt được.

Khi cổ vật mất hoặc bị đánh tráo, người trông coi các di tích ấy chỉ bị nhắc nhở sau đó là… hòa cả làng. Và hầu như, các cổ vật bị mất hiếm khi được tìm thấy. Các đối tượng trộm cắp để mang bán cho giới chuyên buôn bán cổ vật trong và ngoài nước. Các cổ vật bị mất hiếm khi được tìm thấy.

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Giang Hải - Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, tình trạng “chảy máu” cổ vật ngày càng đáng lo ngại. Mặc dù là quốc gia giàu tiềm năng về di sản văn hóa, trong đó có cổ vật nhưng Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc bảo vệ, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa này. 

Hiện nay, việc thống kê và lên danh mục các tài sản, di sản bị mất cắp vẫn còn lộn xộn. Không riêng gì người trông coi mà cả hải quan và công an đều có kiến thức rất hạn chế về sự đánh giá cổ vật. Họ không phân biệt được cổ vật thật, cổ vật giả dẫn tới việc quản lý, tìm lại cổ vật đã mất rất khó khăn. Vì buôn bán cổ vật thu lợi nhuận rất cao cộng với trình độ làm giả cổ vật rất tinh vi, mắt thường khó phân biệt. Việc kẻ gian lợi dụng đánh tráo cổ vật thật lấy cổ vật giả rất có thể xảy ra. 

Một số nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, ngoài việc nâng cao nhận thức của người trông coi di sản và cộng đồng địa phương, Việt Nam cần thiết phải xây dựng Trung tâm kiểm định đồ cổ, giúp các cơ quan hải quan và bảo vệ pháp luật xác định đồ cổ thật, giả được chính xác nhằm gìn giữ kịp thời vốn di sản quốc gia.

Đọc thêm