Cần thận trọng khi thống nhất quản lý nợ công

(PLO) - Đó là quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), hôm qua (12/9).
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trình bày Báo cáo Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, riêng các quy định liên quan đến việc xác định cơ quan đầu mối quản lý nợ công còn chưa được quán triệt đầy đủ theo đúng tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị, gắn trách nhiệm quyết định chi ngân sách, vay nợ công với trách nhiệm quản lý ngân sách nhà nước (NSNN) và trả nợ công.

Liên quan đến vấn đề thống nhất quản lý về nợ công, theo ông Hải, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, Luật cần quán triệt và thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Bộ Chính trị để thống nhất quản lý vay nợ cả trong nước và nước ngoài, khắc phục tình trạng quản lý phân tán, phối hợp chưa chặt chẽ, dẫn đến công tác theo dõi, tổng hợp báo cáo, quyết toán, thống kê, đặc biệt việc xác định trách nhiệm vay, trả nợ, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay còn khó khăn, chưa gắn trách nhiệm vay nợ với trách nhiệm quản lý NSNN và trả nợ công.

Đồng thời, đáp ứng yêu cầu đổi mới, cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên nguyên tắc: một việc chỉ giao cho một cơ quan, một người chủ trì chịu trách nhiệm chính, các cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp thực hiện.

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đề nghị, để bảo đảm minh bạch trong xác định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đầu mối thống nhất quản lý nợ công, đồng thời bảo đảm tính chủ động của Chính phủ trong việc phân công nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan có liên quan, Luật cần quy định rõ: “Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công; Giao một cơ quan làm đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công theo hướng giao Bộ Tài chính làm cơ quan đầu mối và quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của bộ trong quản lý nợ công để bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 5 Điều 26 Luật Ngân sách nhà nước và đồng bộ với cách thức quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Điều 88 Luật Đầu tư công. Chính phủ phân công nhiệm vụ đối với các bộ, ngành có liên quan trong việc phối hợp với Bộ Tài chính trong quản lý nợ công”.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, việc từ 3 cơ quan chịu trách nhiệm về nợ công như trước đây giờ thành 1 cơ quan phải đánh giá tác động xem việc thay đổi chức năng, nhiệm vụ thì hiệu quả của bộ máy tổ chức thế nào? Quan hệ với các tổ chức tài chính quốc tế ra sao? Ủy ban Tài chính - Ngân sách cần đánh giá cho đầy đủ mô hình vừa qua được cái gì? Chưa được cái gì? Do đó, nên chuẩn bị thêm và xin ý kiến Bộ Chính trị để phù hợp với đề án chuẩn bị trình Trung ương 6 sắp tới. 

Đồng quan điểm, theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt, đây là vấn đề lớn không chỉ cơ chế tổ chức bộ máy mà còn là tâm tư của nhiều bộ cho nên cần thận trọng. Từ 3 tổ chức thành 1 tổ chức,  vậy mô hình mới có hơn bộ máy như hiện nay không thì chưa rõ vì cần thời gian kiểm chứng về tính hiệu quả.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, quản lý nợ công là vấn đề quan trọng, nhất là trong điều kiện hiện nay nợ công tăng cao sát trần. Vừa qua trong quản lý có nhiều tồn tại hạn chế cho nên luật này ra đời chính là khắc phục những hạn chế hiện nay mà Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị đã chỉ ra. Theo ông Hiển, hiện những tồn tại trong quản lý nợ công đang có sự chồng chéo, không quản lý tốt khoản vay nước ngoài, trong đó có ODA và một số khoản vay với định chế tài chính nước ngoài. Từ quá trình đàm phán, khai thác rồi trả nợ chưa quản lý chặt chẽ cho nên luật phải khắc phục được tồn tại này.

Đọc thêm