Cần thể chế hóa các chủ trương của Đảng về chính sách tiền lương

(PLVN) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm nghiên cứu tham mưu và thực hiện công tác hoàn thiện thể chế với trọng tâm là xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng trong giai đoạn tới theo hướng nâng cao chất lượng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, đặc biệt là về cải cách chính sách tiền lương...
Chủ tich Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Hội nghị.
Chủ tich Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Hội nghị.

Sáng 25/12, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) tổ chức Hội nghị Triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2020 theo hình thức trực tuyến diễn ra tại Hà Nội sáng 25/12. 

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, trong năm 2019, ngành LĐ-TBXH đã hoàn thành 3 mục tiêu đột phá về xây dựng thể chế, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và phát triển thị trường lao động cùng 2 ưu tiên là giải quyết tồn đọng trong xác nhận, công nhận người có công với cách mạng và tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. 

Bộ LĐ-TBXH đã đạt được những kết quả tích cực, đáng ghi nhận trong các lĩnh vực ngành phụ trách. Trong đó, lĩnh vực lao động, việc làm đã hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 trước 1 năm. 

Công tác giảm nghèo tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện, bước đầu đã tạo sự chuyển biến nhất định trong nhận thức của mỗi người dân, các chính sách giảm nghèo hướng tới hỗ trợ sinh kế lâu dài, làm động lực cho người dân vươn lên thoát nghèo, người nghèo được cải thiện hơn về điều kiện sống. 

Công tác giải quyết tồn đọng trong xác nhận, công nhận người có công với cách mạng luôn được đặc biệt quan tâm, đã xem xét xác nhận cho hàng nghìn trường hợp thương binh, liệt sĩ; theo báo cáo của bộ, đã có 8 địa phương giải quyết xong hồ sơ tồn đọng, 14 địa phương không có tồn đọng…

Đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành vừa quyết liệt, vừa linh hoạt và sự đoàn kết thống nhất, dân chủ của tập thể lãnh đạo bộ, trong đó có vai trò của người đứng đầu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trên cơ sở Nghị quyết số 85/2019/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Bộ LĐ-TBXH cần khẩn trương xây dựng Kế hoạch triển khai Nghị quyết dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. 

Bộ có trách nhiệm nghiên cứu tham mưu và thực hiện công tác hoàn thiện thể chế với trọng tâm là xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng trong giai đoạn tới theo hướng nâng cao chất lượng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, đặc biệt là về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Bộ LĐ-TBXH cần rà soát, đánh giá các chính sách an sinh xã hội trên từng lĩnh vực để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, ban hành chính sách mới cho phù hợp, trong đó lưu ý các chính sách để khuyến khích, tạo cơ hội để mọi người dân có việc làm và cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp gắn với doanh nghiệp, với nhu cầu của thị trường và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, làm nền tảng, điều kiện cốt lõi để bảo đảm cho người lao động về tiền lương, thu nhập công bằng, cải thiện điều kiện sống và tái sản xuất sức lao động.

Cùng với đó, Bộ LĐ-TBXH cần thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đã ban hành đối với các đối tượng người có công; đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng Đảng, Nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng; kiên trì thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, chuyển hướng tiếp cận nghèo đa chiều thực chất hơn; thực hiện tốt công tác hỗ trợ đột xuất, bảo đảm hỗ trợ kịp thời cho người dân bị thiệt hại khi gặp rủi ro, thiên tai.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ LĐ-TBXH tiếp tục quan tâm công tác bình đẳng giới, trong đó đối tượng chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, hướng tới thu hẹp khoảng cách giới; bảo đảm bình đẳng giới trong tổng thể các hoạt động kinh tế - xã hội và gia đình; chú trọng và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật; tập trung xử lý, làm chuyển biến rõ nét những vấn đề xã hội còn bức xúc, cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm.

“Lãnh đạo Bộ và ngành cần đầu tư trí lực, tìm tòi để nghiên cứu xây dựng một chiến lược dài hạn phát triển ngành đồng đều, hài hòa giữa bảo đảm an sinh xã hội nói riêng, chính sách xã hội nói chung với thúc đẩy đổi mới công tác quản lý nhà nước và phát triển thị trường lao động ngày một đa dạng, năng động, linh hoạt trong bối cảnh hội nhập, tiệm cận với các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Tấn Dũng cho biết, năm 2019, ngành LĐ-TBXH hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội giao với chất lượng được nâng lên rõ rệt. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị khoảng 3,12%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 24%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1,3% so với cuối năm 2018, riêng các huyện nghèo giảm gần 5%.

Ngành cũng đã hoàn thành 100% các đề án, nhiệm vụ được giao trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động với nhiều điểm mới và thay đổi nhằm bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của cả người lao động và người sử dụng lao động; thực hiện đúng chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phù hợp hơn với các cam kết, thông lệ quốc tế về lao động.

Bên cạnh đó, các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành đều đạt và vượt kế hoạch, có bước tiến so với năm 2018. Trong vấn đề lao động, việc làm, ước cả năm có trên 1,655 triệu người được tạo việc làm, đạt 103,5% kế hoạch, bằng 100,4% so với thực hiện năm 2018. Bộ cũng đã tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng triển khai việc hỗ trợ người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở. Ước đến cuối năm 99,5% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 99% xã/phường/thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công.

Đọc thêm