Cẩn trọng khi trao nhiều quyền cho công an xã và cảnh vệ

(PLO) - Hôm qua (15/8), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIV đã khai mạc phiên họp thứ 2. Trong ngày họp đầu tiên, các thành viên của UBTVQH đã cho ý kiến về 2 dự thảo luật: dự thảo Luật công an xã (CAX) và dự thảo Luật Cảnh vệ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp.

Nhiệm vụ quá rộng

Đa số các ý kiến của các thành viên tán thành việc ban hành Luật CAX hiện nay là cần thiết để đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự trong tình hình mới. Đồng thời, các ý kiến đều nhận định việc thành lập lực lượng CAX là một lực lượng bán chuyên trách hoàn toàn phù hợp so với tình hình thực tế hiện nay. Luật cần bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Công an nhân dân, Luật Cán bộ, công chức và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. 

Tuy nhiên, băn khoăn khi trao cho lực lượng CAX quá nhiều quyền hạn và liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân mà trình độ năng lực chưa tương xứng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga cho biết, trong thời gian vừa qua, CAX đã làm nhiều vụ việc ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân như làm chết người, gây thương tích, làm sai lệch hồ sơ. “Nguyên nhân chính là địa vị pháp lý, nhiệm vụ quyền hạn và chế độ chính sách chưa rõ ràng”, bà Nga nói. 

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Nguyễn Văn Giàu đề nghị nên rà soát lại các quy định trong dự thảo: “Tôi thấy dự thảo giao cho CAX quá nhiều quyền. Là một lực lượng bán chuyên trách mà công việc nhiều hơn chuyên trách. Ví dụ tại Điều 14 và Điều 15, nhiệm vụ quá nhiều, quá lớn, CAX không đảm bảo làm được”.

Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH cũng cho rằng, nếu quy định như dự thảo thì CAX có quá nhiều việc. Gần như những nhiệm vụ của công an huyện đều đưa về CAX trong khi đó CAX chỉ có 3 người, công an viên thì chỉ phối hợp.

Còn theo ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa của QH, thì băn khoăn với trách nhiệm nặng nề được quy định và cơ chế chính sách như hiện nay, chúng ta có đảm bảo tuyển dụng được CAX đúng tầm? Cũng theo ông Bình, để đảm bảo các công việc như đã nêu thì dự thảo luật cần quy định rõ ràng trình độ của trưởng CAX, phó trưởng CAX.

Quy định chặt chẽ việc nổ súng

Cũng tại phiên họp cho ý kiến về dự án Luật Cảnh vệ, tất cả các thành viên của UBTVQH nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết của việc nâng Pháp lệnh cảnh vệ thành luật nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cảnh vệ, đáp ứng yêu cầu bảo vệ đặc biệt trước tình hình trong nước và trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, hoạt động khủng bố có xu hướng gia tăng, các thế lực thù địch chống phá quyết liệt. Tại phiên họp, đa số các đại biểu nhất trí với đề nghị của Ủy ban Thẩm tra.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về các trường hợp được nổ súng trong khi thi hành nhiệm vụ được nêu trong dự thảo Luật. Theo dự thảo Luật, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ cảnh vệ được sử dụng vũ khí để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và được nổ súng theo các mức độ cảnh cáo, gây thương tích, tiêu diệt đối tượng…

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Võ Trọng Việt, ngoài việc thực hiện các quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì Luật Cảnh vệ cần quy định cụ thể những trường hợp nổ súng của lực lượng cảnh vệ để chủ động trong các tình huống vì yêu cầu phải bảo vệ tuyệt đối an toàn đối tượng cảnh vệ, đồng thời tránh được việc lạm dụng sử dụng vũ khí... Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga cũng nhất trí với việc quy định rõ, cụ thể, chi tiết trong luật về các trường hợp được nổ súng.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị hết sức cân nhắc quy định về sử dụng vũ khí theo hướng đảm bảo tinh thần Hiến pháp, bảo đảm quyền được sống của người dân... “Cảnh vệ của mình đều học võ cả, khi đối tượng đột nhập thì có thể khống chế, quật ngã, khoá tay bằng biện pháp nghiệp vụ chứ không nhất định phải nổ súng. Việc nổ súng sớm quá là không được. Về trường hợp tiêu diệt, tôi đề nghị xem lại. Gây thương tích không nhất thiết phải nổ súng.” – bà Ngân nói.

Ngoài ra, tại phiên họp, các đại biểu cũng đề nghị bổ sung vấn đề hợp tác quốc tế trong công tác cảnh vệ, rà soát để quy định rõ về quyền và trách nhiệm về trưng dụng tài sản, phương tiện để tránh lạm dụng quyền này trong thực hiện công tác cảnh vệ.

Đọc thêm