Cần xây dựng chiến lược tốt để không còn hiện tượng “giải cứu”

(PLO) - Hôm qua (13/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến lần đầu về Dự án Luật Chăn nuôi, Dự án Luật Trồng trọt. Các ý kiến cho rằng, hiện nay người dân vẫn chăn nuôi và trồng trọt theo hướng tự phát, bởi vậy các dự án Luật cần xây dựng chiến lược về quy hoạch phát triển đầu ra của các sản phẩm cây trồng, vật nuôi để không còn hiện tượng “giải cứu’ nông sản.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hiện tượng “lợn 2 chuồng, rau 2 luống” có được khắc phục?

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, từ khi ban hành Pháp lệnh Giống vật nuôi năm 2004 đến nay, thực tế sản xuất, kinh doanh ngành chăn nuôi đã có nhiều biến động lớn và thay đổi cơ bản. Từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, chăn nuôi các giống bản địa là chủ yếu, chuồng trại sơ sài, kỹ thuật lạc hậu đến nay đã phổ biến là chăn nuôi trang trại, công nghiệp, ứng dụng chuồng kín, chuồng lồng, sản xuất tập trung, cơ bản đã chăn nuôi các giống cao sản, tiên tiến của thế giới.

Sản lượng sản phẩm đã tăng trưởng gấp đôi trong thời gian 13 năm. Từ chỗ chỉ sản xuất được 2,5 - 2,7 triệu tấn thịt năm 2005 đến nay đã tăng lên 5,4 triệu tấn. Sữa tăng từ 100.000 tấn/năm 2005 nay đã lên đến 800.000 tấn… Tuy nhiên, pháp luật chưa bao quát, điều chỉnh hết các hành vi có trong thực tế sản xuất, kinh doanh; một số quy định không còn phù hợp với các đạo luật mới và với thông lệ quốc tế.

Từ những vấn đề trên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định thực tế đang đòi hỏi phải có sự điều chỉnh của pháp luật; việc ban hành đạo luật quản lý cả ngành chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi, quản lý môi trường trong chăn nuôi để phát triển bền vững là rất cần thiết và cấp bách. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, Dự án Luật Chăn nuôi liên quan đến nhiều luật khác, phạm vi điều chỉnh của luật rất rộng, điều chỉnh về giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, quản lý nhà nước… Với phạm vi điều chỉnh rộng như dự thảo Luật thì chăn nuôi con gì, chăn nuôi động vật trên cạn hay cả động vật dưới nước? Luật Thủy sản cũng quy định nhiều về giống thủy sản, thức ăn thủy sản. Luật này điều chỉnh thức ăn chăn nuôi thì có điều chỉnh thức ăn thủy sản không? Do đó, ông Định đề nghị cần làm rõ phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật.  

Trưởng ban Dân Nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng bày tỏ băn khoăn liệu luật này có góp phần khắc phục được hiện tượng “lợn 2 chuồng, rau 2 luống” mà dư luận vẫn phản ánh hay việc thường xuyên phải “giải cứu” thịt lợn, “giải cứu” su hào hay không. Bà Hải cũng đề nghị nên đưa quy định truy xuất nguồn gốc thực phẩm vào luật để tạo sự an toàn, yên tâm cho người sử dụng.

Nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật Chăn nuôi, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, dự thảo Luật cần quy định rõ hơn về giống vật nuôi thuần chủng của Việt Nam, giống vật nuôi nhập khẩu và giống vật nuôi lai để vừa bảo đảm giữ gìn nguồn gen quý hiếm của các giống vật nuôi truyền thống của nước ta, vừa đảm bảo tiếp cận được nguồn gen của nước ngoài để chủ động nguồn giống vật nuôi cho chăn nuôi.

Cần xây dựng tốt chiến lược sản phẩm

Đối với Dự thảo Luật Trồng trọt, theo Tờ trình của Chính phủ, để khắc phục những bất cập, hạn chế, đồng thời nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển trồng trọt, xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, việc xây dựng, trình ban hành Luật Trồng trọt là hết sức cần thiết. 

Nhận định Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, việc xây dựng và ban hành Luật Trồng trọt là cần thiết; hồ sự dự án luật cũng đã tương đối đầy đủ, song Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đề nghị cần tiếp tục rà soát phạm vi điều chỉnh của luật, tránh sự chồng chéo, hoặc quá rộng, dẫn đến khó áp dụng trong thực tế.

Ông Phan Thanh Bình cũng bày tỏ đồng tình với ý kiến phát biểu của nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cần có những quy định liên quan đến chiến lược phát triển trồng trọt, hướng mạnh tới phát phát triển bền vững, phát triển xanh, phát triển nông nghiệp sạch. Cùng với đó, cần có các quy định cụ thể trong bảo tồn các nguồn gen, nguồn giống quý của cây trồng Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, Dự thảo Luật có 82 điều nhưng có đến 40 điều giao cho Chính phủ hướng dẫn, như thế là quá nhiều. Do đó, ông Tỵ đề nghị trong Luật cần cụ thể càng nhiều càng tốt để các quy định nhanh chóng được áp dụng trong cuộc sống. Theo ông Đỗ Bá Tỵ, trong Luật cần xây dựng chiến lược về quy hoạch phát triển đầu ra của các sản phẩm cây trồng, bởi hiện nay người dân trồng trọt tự phát là phổ biến. Chính vì thế người dân luôn phải chạy theo thị trường, dẫn đến tình trạng năm nào cũng phải “giải cứu”, hết su hào, khoai tây rồi củ cải…

“Tôi đi tỉnh Sơn La và chủ tịch tỉnh giới thiệu các sản phẩm từ chanh leo, nhãn… đều được quy hoạch rất cơ bản, sản phẩm đầu ra được nước ngoài thu mua hết”, ông Tỵ nói và nhấn mạnh, "chúng ta cần có chiến lược cụ thể để người dân bớt khổ".

Đọc thêm