Cảnh sát cơ động được nổ súng theo quy định của luật

(PLO) - Đây là một trong những quy định được Trung tướng Bùi Văn Nam - Thứ trưởng Bộ Công an thông tin tại buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Pháp lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ) do Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức vào hôm qua (17/3).
Cảnh sát cơ động được nổ súng theo quy định của luật
Cùng với đó là công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Pháp lệnh Trình tự thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND.
16 nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động
Cụ thể, theo Pháp lệnh CSCĐ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 23/12/2013, gồm 5 chương, 24 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2014, CSCĐ được sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật. 
Việc nổ súng của CSCĐ trong trường hợp xảy ra bạo loạn vũ trang, tụ tập đông người phá hoại an ninh được thực hiện theo quy định của luật. Việc sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, trang thiết bị đặc chủng chuyên dụng của CSCĐ thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.
Lực lượng CSCĐ sẽ có 16 nhiệm vụ, quyền hạn bao gồm tham mưu cho Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an về công tác vũ trang bảo vệ an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; thực hiện phương án tác chiến chống hoạt động phá hoại an ninh, bạo loạn vũ trang, khủng bố, bắt cóc con tin, trấn áp tội phạm có sử dụng vũ khí, giải tán các vụ gây rối, biểu tình trái pháp luật; tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội…
Ngoài chế độ chính sách chung đối với Công an nhân dân, CSCĐ còn được hưởng chính sách ưu đãi đặc thù theo tính chất, nhiệm vụ, địa bàn hoạt động. Sĩ quan CSCĐ công tác ổn định lâu dài ở địa bàn đóng quân độc lập được bố trí nhà ở công vụ. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tham gia phối hợp với CSCĐ  thực hiện nhiệm vụ cũng được xét khen thưởng; nếu bị thiệt hại về vật chất, sẽ được bồi thường; trường hợp bị thương hoặc hy sinh thì được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
Công khai, dân chủ trong áp dụng các biện pháp xử lý hành chính
Cũng trong buổi họp báo, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn đã giới thiệu về Pháp lệnh Trình tự thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND. Pháp lệnh gồm 5 chương, 42 điều, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 20/1/2014 và có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Theo đó, thời hạn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính là 15 ngày, kể từ ngày Tòa án thụ lý hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền; đối với vụ việc phức tạp, thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày. Kể từ ngày nhận được thông báo thụ lý cho đến thời điểm Tòa án mở phiên họp, người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị có quyền cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án đã thụ lý. Việc cung cấp tài liệu, chứng cứ có thể được thực hiện tại Tòa án hoặc gửi qua bưu điện.
Phó Chánh án Nguyễn Sơn nhấn mạnh, Pháp lệnh đã tăng cường tính công khai, minh bạch, công bằng, dân chủ trong quá trình xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; đồng thời bảo đảm các quyền cơ bản của công dân, quyền con người, đặc biệt là quyền của người chưa thành niên trong quá trình xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.

Đọc thêm