Chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động

(PLO) - Ngày 9/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam theo Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Chính phủ và Tổng LĐLĐVN thực hiện khá tốt Quy chế phối hợp trong năm qua. Vì vậy, đã khuyến khích và đóng góp nhiều ý kiến, sáng kiến hiệu quả, giải quyết được nhiều vấn đề nóng bỏng, gây bức xúc cho công nhân, góp phần vào việc giữ vững ổn định, trật tự xã hội. Thủ tướng đề nghị tiếp tục triển khai tích cực các nội dung phối hợp giữa hai bên, nhất là việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. 

Xây dựng thiết chế văn hóa thể thao ở 15 địa phương trọng điểm

Bày tỏ sự băn khoăn về việc một số thiết chế văn hóa, nhà ở, nhà trẻ cho con em công nhân ở nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế còn thiếu, Thủ tướng cho rằng tình trạng công nhân chưa có chỗ sinh hoạt tối thiểu về văn hóa còn diễn ra ở nhiều, tình trạng nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn lớn. Từ vấn đề trên, Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Tổng Liên đoàn về việc hỗ trợ triển khai đề án xây dựng các thiết chế phục vụ nhu cầu của công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (nhà ở, siêu thị công đoàn, nhà trẻ, nhà văn hóa, trung tâm trợ giúp pháp lý…). 

Thủ tướng đồng ý chủ trương xây dựng thiết chế văn hóa thể thao ở 15 địa phương trọng điểm; giao Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi UBND các tỉnh đề nghị hỗ trợ về đất đai; hỗ trợ về thuế; huy động kinh phí từ các nguồn để tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn tham gia xây dựng nhà ở tập thể, nhà giá rẻ cho công nhân, trước hết, triển khai tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung đông công nhân như ở Hà Nội, Bắc Ninh, Đồng Nai, TP HCM.... 

Sớm trình dự thảo Luật Tiền lương tối thiểu

Thủ tướng cũng giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trình dự thảo Luật Tiền lương tối thiểu để Chính phủ trình Quốc hội đề nghị sớm đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp gần nhất. Đối với xác định lộ trình tiền lương tối thiểu, theo quy định tại Điều 91 Bộ luật Lao động, việc điều chỉnh tiền lương hàng năm phụ thuộc vào GDP, CPI và tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, hiện nay việc xác định lộ trình tiền lương tối thiểu vẫn đang tích cực nghiên cứu triển khai. 

Cho rằng Tổng LĐLĐVN cần chủ động đề xuất kịp thời các nguyện vọng chính đáng của người lao động để Chính phủ có biện pháp giải quyết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các tổ chức công đoàn cần quan tâm đào tạo, nâng cao tay nghề cho công nhân để có năng suất lao động tốt hơn, từ đó, có thu nhập cao hơn; tiếp tục phát huy vai trò tích cực trong việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật và động viên công nhân, viên chức, người lao động thi đua lao động, sản xuất, tạo ra một khí thế lao động mới, góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng đổi mới phương thức quản lý, điều hành tổ chức công đoàn...

Chú trọng vấn đề phụ nữ khởi nghiệp

Cùng ngày, làm việc với TƯ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả công tác của Hội và mong muốn Hội tiếp tục đổi mới hoạt động, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, không hành chính hóa hoạt động của các cấp hội. 

Thủ tướng đề nghị Hội cần quan tâm hơn nữa đến phụ nữ nghèo, đồng bào dân tộc, nữ công nhân ở các khu công nghiệp, khu kinh tế và trẻ em gái; chú trọng vấn đề phụ nữ khởi nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, nhất là hỗ trợ phát triển kinh tế, ủy thác, tín chấp, tài chính vi mô, thực hành tiết kiệm, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; thể hiện rõ nét hơn vai trò của phụ nữ trong việc xây dựng nông thôn mới. 

Với mục tiêu Chính phủ đưa ra là trên 90% dân số tham gia bảo hiểm y tế vào năm 2020, Thủ tướng mong muốn Hội tích cực vận động người dân tham gia, qua đó, giúp người dân, nhất là phụ nữ, giảm bớt gánh nặng do ốm đau, bệnh tật. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cũng phải phối hợp chặt chẽ với các cấp hội phụ nữ để tạo điều kiện phát huy vai trò của Hội trong việc triển khai thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội. Hội cũng cần tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, đặc biệt là góp ý kiến về chính sách, pháp luật để bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và trẻ em.  

Đọc thêm