Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua 'góc máy' nhiếp ảnh gia

(PLO) - Xưa nay, viết bài hay chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 4/10/2013) vừa dễ lại vừa khó. Dễ bởi Đại tướng là nhà quân sự lỗi lạc, một vị tướng huyền thoại. Bản thân Đại tướng sức hấp dẫn của ông đã đủ “bảo lãnh” cho bức ảnh rồi. 
Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua 'góc máy' nhiếp ảnh gia

Thế nhưng, khi đứng trước Đại tướng để bấm máy, người nghệ sĩ lại thấy khó vô cùng bởi ông là con người huyền thoại. Ông có mặt trong tâm hồn, trong trái tim của nhân dân, trong mỗi chúng ta có một chân dung về Võ Nguyên Giáp. Người nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) đã vượt qua ranh giới ấy như thế nào để ghi lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp về Đại tướng? Đại tá, NSNA Trần Hồng may mắn có được hạnh phúc ấy trong cuộc đời cầm máy của mình.

1. Vào những ngày đầu của thập kỉ 70 thế kỉ trước, nhà báo – NSNA Trần Hồng hướng ống kính máy ảnh vào vị chỉ huy tối cao tác nghiệp với tư cách phóng viên, khoảnh khắc lần đầu tiên đứng trước vị tướng huyền thoại ấy, Trần Hồng còn nhớ như in những cảm xúc “Trước khi gặp ông để xin chụp ảnh thì tôi gặp Đại tá Nguyễn Huyên...thì thấy ông đi ngang, hỏi “Cậu ở đâu đến?”...

Ông nhìn tôi bằng ánh nhìn vừa dò xét vừa âu yếm như một người ông nhìn đứa cháu, như một lãnh tụ nhìn một thường dân, ...ánh mắt của ông vui dần lên, ông nói với thư kí Nguyễn Huyên “em để cậu phóng viên này vào gặp tôi bất kì lúc nào...” , đấy là cái cầu bắc tôi đến gần nhất và nhanh nhất để được tiếp cận với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Sáng sớm hôm sau tôi vào căn nhà số 30 Hoàng Diệu...tôi mừng vô cùng và cả ngày hôm đó không ăn cơm, từ 5 rưỡi sáng tôi chụp đến tối...có một sự giao cảm tuyệt đối, khoảng cách giữa tôi với Đại tướng quá gần, vừa run rẩy vì cảm động quá, sung sướng quá.. đó là ngày tuyệt vời nhất của tôi”.

NSNA Trần Hồng vẫn tự nhận mình là người chụp không giỏi nhưng ông lại thấy mình may mắn vô cùng khi được Đại tướng ưu ái, cho ông một đặc quyền là có thể chụp Đại tướng bất cứ lúc nào. Dường như khoảng cách giữa ông và người anh cả của QĐNDVN đã quá gần để ghi lại tất cả những khoảnh khắc tuyệt vời về Đại tướng. Cuộc triển lãm ảnh đầu tiên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào tháng 12/1992, ông vui sướng vô cùng khi Đại tướng đến xem và đồng tình.

Ông nhớ lại “Tôi nghĩ trước tiên là ông có một sự đồng cảm với tôi, vì có mấy lần ông hỏi tôi “Trần Hồng ơi sao cậu lại chụp tớ nhiều thế? Tôi trả lời “Thưa Đại tướng, cớ gì Đại tướng lại cho tôi chụp Đại tướng nhiều thế vì tôi không phải là người chụp ảnh giỏi?” thì tôi thấy ông dành cho tôi một nụ cười và ánh mắt rất đẹp.Tôi biết đấy là một sự đồng tình. Tháng 12/1992, khi tôi tổ chức triển lãm đầu tiên tại 45 Tràng Tiền, ông đến xem rất lâu, gần một tiếng sau... lần ấy, tôi thấy, thực sự ông rất vui... “ranh” theo tiếng Quảng Bình là một lời khen”.

Tác phẩm của NSNA Trần Hồng
Tác phẩm của NSNA Trần Hồng

Mùa đông năm 1994, nhà báo Trần Hồng vinh dự được đi cùng Đại tướng trở lại Cao Bằng, quê hương cách mạng, nơi đây Đại tướng đã cùng đồng bào trải qua bao gian khổ, hi sinh. Trở về Cao Bằng với Đại tướng như về nhà, nơi ông được nhân dân hết lòng yêu thương, kính trọng, đồng bào gọi ông là “ông nội ”.

Trần Hồng đã kịp ghi lại những hình ảnh vô cùng xúc động, đó là Đại tướng run run cầm chiếc khèn, một nhạc cụ của dân tộc Mông, hay như khoảnh khắc Đại tướng tần ngần đứng rất lâu mới cầm bút ghi những dòng cảm tưởng. Và thật xúc động trước bức ảnh Đại tướng hành quân vào rừng sâu trong một đêm mưa tầm tã, dường như ông muốn trở về với Cao Bằng những ngày gian khổ cháo bẹ rau măng thuở nào. Những bức ảnh cảm động  được ghi lại bằng tất cả cảm xúc dâng trào trong tâm hồn người nghệ sĩ.

2. Trở lại Điện Biên 50 năm sau ngày chiến thắng, tháng 4/2004, Đại tướng thăm lại chiến trường xưa, gặp lại đồng bào Tây Bắc với bao tình cảm trìu mến, yêu thương, gắn bó. Trần Hồng vui sướng  kịp ghi lại hình ảnh Đại tướng đứng dưới hầm quân sự, trước sa bàn tác chiến.

Vẻ đẹp bình dị của Đại tướng được Trần Hồng thu vào ống kính bằng tất cả sự dung dị đời thường, giản dị đến vô cùng. Trần Hồng không còn nhận ra trước mặt mình là một vị tướng oai nghiêm mà đó là một ông nông dân hiền lành, đôn hậu.

Căn nhà 30 Hoàng Diệu là nơi Trần Hồng lui tới rất nhiều lần để chụp ảnh Đại tướng, ông kể có những lần thấy Đại tướng sức khỏe không tốt vì Người làm việc quá sức, ông xót xa lắm, bao lần nâng máy lên lại hạ xuống. Có những lúc, sau khi hạ máy, mắt ông nhòa đi, đó là những giây phút ông chứng kiến Đại tướng lặng im ngồi trong phòng làm việc, Đại tướng đang trăn trở việc nước, việc dân luôn canh cánh trong lòng.

Khoảng cách gần gũi giữa ông và Đại tướng như thế nên ông kịp bấm máy ghi lại tất cả những giây phút cảm động và sâu sắc ấy. Như con ngắm cha, như cháu ngắm ông. Đó là cái nhìn của người thân trong một gia đình ấm cúng. Thật xúc động trước những bức ảnh đời thường trong ngôi nhà Đại tướng, ông bà dùng bữa cơm đạm bạc, chỉ có hai quả trứng luộc lăn qua lăn lại, bà gắp cho ông, ông đẩy quả trứng sang bà, nói “ Em ăn đi, cứ gắp cho anh nhiều thế!”.

Tác phẩm của NSNA Trần Hồng
Tác phẩm của NSNA Trần Hồng

Người chụp bức ảnh này chỉ nghe được trọn vẹn giọng nói thương yêu, trìu mến, nhanh tay bấm được bức ảnh rồi mắt chớp chớp lệ nhòa. Rất nhiều, rất nhiều những khoảnh khắc đời thường ấm cúng, giản dị khác mà Trần Hồng may mắn ghi lại, như ông chơi với cháu, ông tập thiền mỗi sáng, ông tưới cây, chăm hoa, hay ông đánh đàn piano cho vợ nghe...

NSNA Trần Hồng chia sẻ khoảnh khắc Đại tướng xem lại những bức ảnh của mình:“Ông xem rất say sưa, không biết có cái gì say sưa hơn nữa không, ông xem có những cái, khi thì ông cười, khi thì ông rất buồn...ông xem say sưa từ 7 rưỡi đến 11 rưỡi...xem xong rồi ông chỉ vào một cái ghế...ông bắt đầu mở piano ra...không có hạnh phúc nào hơn, tôi ao ước từ lâu lắm rồi...ông đánh, bà đứng bên cạnh, tôi chụp đến 3 cuộn liền...tai tôi đâu có nghe cái gì.. tôi không biết ông đang đánh cái gì nữa cơ”.

Đấy là lời chia sẻ vô cùng trung thực của người cầm máy, ông không nghe Đại tướng đánh bản nhạc gì, ông đang tập trung thu vào hết khuôn hình sắc thái, cử chỉ, thần sắc của Đại tướng khi những ngón tay Người đang lướt trên bàn phím, khoảnh khắc ấy mà Trần Hồng chụp hết 3 cuộn phim, chỉ để lấy một tấm hình. Cái tâm với nghề đã làm nên một chân dung người nghệ sĩ tài hoa và trung thực.

Có hạnh phúc nào hơn khi ông được Đại tướng đề tặng những dòng chữ tâm tình sau bức ảnh ông chụp: “Những tấm ảnh như thơ, như nhạc, qua những hình ảnh ghi lại, người xem rất xúc động với những tình cảm, những nỗi đau thương và những niềm vui. Qua những con mắt làm cho người xem nhớ mãi. Chúc Trần Hồng, người nghệ sĩ – chiến sĩ có những tác phẩm lớn ”. Cả cuộc đời cầm máy, ông không nghĩ mình lại  được Đại tướng thấu hiểu và ghi nhận như vậy.

1559 ngày Đại tướng nằm điều dưỡng ở bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Trần Hồng mỗi lần đến thăm và đôi tay ông lại run run bấm máy, ông kể rằng có những lúc không thể chụp, chỉ lặng nhìn Đại tướng và cứ thế, nước mắt lại trào dâng. Đó là những hình ảnh không bao giờ ông quên được. Hình ảnh Đại tướng đã găm vào trái tim ông bằng tất cả sự thành kính vừa trang nghiêm vừa gần gũi vô cùng.

Với hàng ngàn bức ảnh chụp về Đại tướng từ những ngày đầu tác giả mới vào nghề, những ngày tháng theo chân Người đi công tác đến những khoảnh khắc ông được gần Đại tướng trong suốt hơn 3 năm ở bệnh viện, và đặc biệt là hình ảnh khi chiếc linh xa đưa linh cữu Người trở về số nhà 30 Hoàng Diệu lần cuối trước khi về quê mẹ Quảng Bình nghỉ giấc ngàn thu, tác giả Trần Hồng đã ghi lại tất cả bằng lòng biết ơn vô hạn, bằng niềm tiếc thương và kính yêu sâu sắc.

Đọc thêm