Chẳng lẽ chỉ 'nhận trách nhiệm' và 'xin lỗi' là xong?

(PLO) - Hoạt động chất vấn tại Quốc hội không chỉ làm sôi động không khí nghị trường mà còn được rất nhiều người dân theo dõi, chờ đợi những vấn đề “nóng” trong xã hội được giải đáp thỏa đáng.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải trả lời chất vấn (Ảnh TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải trả lời chất vấn (Ảnh TTXVN)

Giao thông Vận tải là lĩnh vực có rất nhiều sự cố xảy ra thời gian gần đây khiến mọi người lo âu cũng như có những tồn tại từ rất lâu vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng, các ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội phần lớn là “trúng” với tình hình thời sự, ý nguyện của dân. Thế nhưng câu trả lời của Bộ trưởng thì không được như mọi người mong đợi.

Bị chất vấn dồn dập, Bộ trưởng liên tục “nhận trách nhiệm” nhưng các giải pháp cụ thể thì không thấy, trách nhiệm thế nào cũng không rõ. Ngoài chuyện “nhận trách nhiệm” thì Bộ trưởng cũng nhiều lần nhắc lại từ “xin lỗi”. Tuy nhiên, điều này không đáp ứng được những yêu cầu từ người hỏi cũng như hàng triệu người dân quan tâm theo dõi phiên chất vấn này qua phương tiện truyền thông.

Có những chuyện đơn giản, có vẻ ngô nghê như “thu giá” thay cho “thu phí” mà cũng mất quá nhiều thời gian tranh luận cả ở nghị trường cũng như trên các diễn đàn. Vấn đề này Chủ tịch Quốc hội cho ý kiến ngay, rất ngắn gọn là cứ gọi là “Trạm thu phí” nếu Bộ Giao thông Vận tải không nghĩ ra cái tên gì khác. 

Một điều nữa dư luận đặc biệt quan tâm và được Bộ trưởng Giao thông nhắc đến nhiều lần trong phiên chất vấn như là một phương châm khi tiến hành các dự án BOT là “đảm bảo lợi ích hài hòa của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp”. Thế nhưng trên thực tế chưa thấy cái gì đảm bảo cho sự hài hòa ấy, chỉ có đối tượng thứ ba, sau cùng được nhắc đến là có lợi ích mà thôi. Nếu có sự hài hòa, ví dụ như đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, thì đâu có tình trạng như BOT Cai Lậy và một số trạm thu phí khác.

Có một vấn đề rất đáng để hỏi nhưng các đại biểu đã quên và Chủ tịch Quốc hội đã nhắc: Kỳ họp thứ tư Quốc hội đã phê chuẩn 15 ngàn tỷ từ tiền trái phiếu và dành 7.000 tỷ trong số đó cho đường sắt, đến nay, việc triển khai sử dụng số tiền đó rất chậm. Vậy đâu phải Đường sắt Việt Nam không được quan tâm hay “tham mưu kém” mà có thể đúng như một đại biểu đặt vấn đề “phải chăng đầu tư đường sắt thì ít mang lại lợi ích cho các nhóm hơn?”.

Đây quả là vấn đề cần mổ xẻ sâu sắc hơn, chứ chỉ đưa ra cái “tâm” của mình để chứng minh “đường sắt cũng như đường bộ” là không đủ sức thuyết phục.

Đọc thêm