Chánh án TAND TC nói về oan án ở Bắc Giang

(PLO) - Vụ án Nguyễn Thanh Chấn, cùng vấn đề án oan đã được QH đưa ra chất vấn người đứng đầu ngành tòa án trong phiên chất vấn của QH sáng nay (21/11)
Chánh án TAND TC nói về oan án ở Bắc Giang
Theo Chánh án TAND TC Trương Hòa Bình, khi viện trưởng VKSND tối cao có kháng nghị tái thẩm đối với bản án hình sự phúc thẩm trong vụ của ông Chấn. Tòa án NDTC đã xét xử tái thẩm. Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao đã chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng, hủy án điều tra lại. Hiện nay các thủ tục tố tụng đang được tiến hành để VKS thực hiện điều tra lại. 
“Các ĐBQH rất quan tâm, cử tri cả nước cũng rất quan tâm đến câu hỏi là có oan sai hay không? Chắc các vị đại biểu cũng đã suy nghĩ có câu hỏi khác nhau.” – Người đứng đầu ngành Tòa án nói. 
Ông cũng cho biết: Xin báo cáo là trong những năm gần đây, số lượng vụ án hình sự rất lớn. Việc điều tra, vạch trần tội phạm rất khói khăn vất vả. Có những vụ việc cán bộ công an đã phải hy sinh. Công tố, thẩm phán, điều tra cũng phải gặp nhiều khó khăn, áp lực, đe dọa… khi làm việc. 
Ông khẳng định: Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán… đều là những người có trình độ, là cán bộ tin cậy của Đảng, Nhà nước,  nhân dân trong mặt trận đấu tranh bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý, bảo vệ chế độ. Họ đã thực hiện tốt công việc được giao. Tuy nhiên, một số trường hợp vẫn có sai sót.
“Gần đây, dự luận cho rằng vụ án ông Chấn là oan sai, có ép cung, nhục hình. Chúng tôi cho rằng việc oan sai là khó tránh khỏi, Tuy nhiên, để sảy ra oan sai, nhất là oan, oan đối với những người bị buộc tội ở mức án cao nhất là không thể chấp nhận.”  - ông nói.
Nhưng quan điểm của người đứng đầu ngành tòa án, lúc này chưa thể kết luận được là có oan, có ép cung hay không. “Việc có xác định có oan hay không phải theo quy định pháp luật rất chặt chẽ. Những người có trách nhiệm phải xem xét lời kêu oan. Nếu để xẩy ra oan sai là nỗi thống khổ của người dân. Bị thiệt hại về nhân phẩm, danh dự, ảnh hưởng cả dòng tộc, của họ. Vì thế phải xem xét cẩn trọng, thấu đáo, nhưng phải đúng Pháp luật.” ông nói.
Chánh án Trần Hòa Bình mong các ĐB QH chờ đợi các cơ quan có thẩm quyền. “Các cơ quan này, những người đứng đầu ngành này sẽ chịu trách nhiệm trước QH, trước nhân dân.” ông khẳng định.
Ông cũng nhấn mạnh rằng việc xem xét sẽ kỹ lưỡng ở từng giai đoạn. Kiểm sát, Luật sư, Điều tra, đều có trách nhiệm trong việc xem xét có oan, có bức cung không. 
Chánh án TAND TC cũng trần tình: “Đối với tòa án, các HĐXX dựa trên hồ sơ, chứng cứ, tòa án thụ lý và giải quyết vụ án theo đúng quy định pháp luật. Nếu hồ sơ đã khép kín, Tòa án xử lý theo hồ sơ. Việc tòa án phát hiện có ép cung hay không là rất khó. Phải có yêu cầu từ bị cáo, từ luật sư hay từ kiểm sát thì HĐXX mới biết để xem xét.” 
Tuy nhiên ông cũng một lần nữa cho biết với trách nhiệm của HĐXX, dù không phát hiện ra ép cung, nhưng để xảy ra oan sai là điều không chấp nhận. Điều này đòi hỏi sự tinh thông, nhạy bén, bản lĩnh của thẩm phán, của cán bộ tòa án. Cán bộ Tòa án cần phải “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”.
Việc không thể nóng vội khẳng định oan sai hay ép cung cũng là bởi nó không chỉ tác động đến  người bị kết án, mà còn liên quan đến tinh thần, ý chí của cán bộ làm công tác tố tụng. 
"Không thể làm chùn bước những người đang làm nhiệm vụ hết sức khó khăn, gian khổ, hết sức nguy hiểm. Nếu thực sự có oan sai trong từng giai đoạn xét xử, tùy theo từng giai đoạn, từng vụ việc, thuộc trách nhiệm cơ quan nào, người đứng đầu cũng có trách nhiệm.” – ông nói.
Về vụ án Lê Bá Mai mà một đại biểu đã đưa câu hỏi chất vấn: Lúc tuyên có tội, lúc tuyên vô tội, vậy Chánh án có chỉ đạo giám đốc thẩm vụ án này không? 
Chánh án TAND TC Trương Hòa Bình cho biết vụ án đã  có sơ thẩm, phúc thẩm, kháng nghị và phúc thẩm lại. Bản án cuối cùng tuyên Lê Bá Mai phạm tội. Đây là quyết định của một tòa án có thẩm quyền. Chánh án tôn trọng phán quyết của HĐXX. 
Còn trách nhiệm xem xét đơn kêu oan và việc thực hiện giám đốc việc xét xử, các cơ quan chức năng của tòa án phải thực hiện, đây là trách nhiệm của Hội đồng thẩm phán tòa án. Đồng thời cũng có trách nhiệm của ngành kiểm sát.
“Chúng tôi sẽ rất là thận trọng, khách quan trong việc xem xét lại vụ án này với tinh thần cao nhất. Vì bản án đã có hiệu lực pháp luật, nếu có đơn kêu oan,  chúng tôi sẽ xem xét lại theo đúng quy trình pháp luật.” – ông nói.
Theo ĐB Lê Thị Nga, án oan sai đang khiến dư luận rất bức xúc. Chánh án cần rà soát lại những vụ kêu oán, đặc biệt là những vụ án tử. Tránh trường hợp đã được giải oan thì cũng đã bị thi hành án. 
Chiều nay, còn kkoảng 45 phút để Chánh án tiếp tục trả lời chất vấn. Tiếp đó, Viện trưởng VKS NDTC, Bộ trưởng Bộ Công an cũng sẽ phát biểu về những vấn đề liên quan đến công việc của ngành mình phụ trách mà các ĐB đã đặt câu hỏi.  Sau đó, kết thúc phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 6, QH khóa XIII, Thủ tướng CP Nguyễn Tấn Dũng sẽ phát biểu và làm rõ thêm một số vấn đề. Đồng thời trực tiếp trả lời chất vấn của các ĐBQH. Phiên làm việc sẽ bắt đầu từ lúc 13h50 phút. Và sẽ tiếp tục được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Đọc thêm