Chỉ chấp nhận những dự án có đầy đủ hồ sơ và thuyết minh rõ ràng

(PLO) - Tại phiên họp thứ 50 mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 để Quốc hội khóa XIV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ nhất tới đây. 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp thứ 50, Ủy ban Thường vụ 
Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp thứ 50, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Một số quy định vẫn chưa phản ánh đầy đủ, sát thực nhu cầu cuộc sống

Tờ trình dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 cho biết: Tổng số các dự án thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XIII là 158 dự án, gồm dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, 136 dự án luật, bộ luật, 3 dự thảo nghị quyết của Quốc hội, 15 dự án pháp lệnh và 3 dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). 

Đề nghị vẫn áp dụng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008

Theo đề nghị của Chính phủ và Ủy ban Pháp luật thì việc soạn thảo, thẩm định các dự án luật, pháp lệnh được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 được thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2008. Lý do là Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/7/2016) quy định: luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH trước khi đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh phải lập đề nghị xây dựng văn bản, trong đó phải thực hiện một số nhiệm vụ như: tổng kết thi hành pháp luật, đánh giá tác động của chính sách, thẩm định chính sách, thông qua chính sách…

Tuy nhiên, theo quy định của Luật năm 2008 và Luật năm 2004 thì những công việc này được tiến hành trong quá trình soạn thảo văn bản. Trong khi đó, các dự án luật, pháp lệnh được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 được lập đề nghị xây dựng theo quy định của Luật năm 2008. Do vậy, kể từ ngày 01/7/2016, nếu áp dụng quy định mới của Luật năm 2015 cho việc soạn thảo, trình các dự án, dự thảo văn bản nêu trên sẽ gây khó khăn, lúng túng cho cơ quan chủ trì soạn thảo và có thể làm chậm tiến độ soạn thảo dự án, dự thảo văn bản.

Trong nhiệm kỳ khóa XIII, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 2013, 107 luật, bộ luật, 1 nghị quyết; UBTVQH đã thông qua 9 pháp lệnh và 03 nghị quyết; hầu hết các dự án còn lại đã được đưa vào Chương trình năm 2016 và được đề nghị đưa vào Chương trình năm 2017. 

Ý kiến phát biểu tại phiên họp đều nhất trí đánh giá, trong nhiệm kỳ khóa XIII, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã tập trung, nỗ lực thực hiện chức năng lập hiến, lập pháp và cơ bản hoàn thành nhiệm vụ đã đặt ra.

Thể chế hóa đường lối của Đảng, cùng với việc thông qua Hiến pháp năm 2013, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều luật, bộ luật nhằm cụ thể hóa Hiến pháp, cơ bản hoàn thiện hệ thống pháp luật trên các lĩnh vực, nhất là các luật về tổ chức bộ máy nhà nước, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động lập pháp vẫn còn những hạn chế chậm được khắc phục, cụ thể là: Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn phải điều chỉnh thường xuyên; số lượng các dự án còn nhiều, không tương xứng với năng lực, tổ chức, bộ máy; quy định trong một số đạo luật chưa phản ánh đầy đủ, sát thực nhu cầu cuộc sống, vẫn mang tính nguyên tắc chung, nên hiệu quả điều chỉnh, tính khả thi chưa cao; việc triển khai thực hiện luật còn phải phụ thuộc vào văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành... 

Ưu tiên dự án Luật nhằm tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp 2013

Nhiều ý kiến tại phiên họp cho rằng cần ưu tiên đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 các dự án luật, pháp lệnh nhằm thể chế hoá kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng.

Đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 các dự án luật, pháp lệnh nhằm tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp; thực hiện các cam kết quốc tế, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân. Chỉ đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 những dự án có đầy đủ hồ sơ theo quy định; thuyết minh rõ ràng về mục đích, sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và các nội dung cơ bản theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đồng thời, xác định rõ thứ tự ưu tiên của các dự án luật cần ban hành và quyết tâm tập trung thực hiện, bảo đảm tiến độ, tránh tình trạng phải điều chỉnh Chương trình... 

Liên quan đến dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, đa số ý kiến phát biểu tại cuộc họp đều nhất trí bổ sung vào Chương trình năm 2016 các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, gồm: Nghị quyết của Quốc hội về bổ sung miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 2 theo quy trình tại một kỳ họp); Luật Quy hoạch (cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2); Pháp lệnh Án phí, lệ phí Tòa án (trình UBTVQH tháng 11/2016). Đồng thời, nhất trí rút 5 dự án ra khỏi Chương trình năm 2016 là: Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); Luật Chứng thực; Luật Biểu tình; Luật về máu và tế bào gốc; Luật Quốc phòng (sửa đổi).

Riêng đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về đầu tư, kinh doanh, UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị và báo cáo UBTVQH về nội dung của dự án Luật ngay sau khi kết thúc Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIV để UBTVQH xem xét. Nếu thấy thực sự cần thiết và hồ sơ đã chuẩn bị kỹ thì UBTVQH sẽ quyết định việc bổ sung vào Chương trình năm 2016, trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2.

Về Chương trình năm 2017, các đại biểu tham dự Phiên họp cơ bản nhất trí với dự thảo Nghị quyết do Ủy ban Pháp luật chuẩn bị liên quan đến dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Theo đó, một số dự án luật do Chính phủ đề xuất sẽ không được đưa vào Chương trình năm 2017 như Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Biểu tình; Luật về máu và tế bào gốc; Luật Thư viện; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thanh niên; Luật Bảo vệ thông tin cá nhân; Luật Dân số; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật Dân tộc... Riêng đối với dự án Luật Dân tộc thì “dự án luật này đã được đưa vào Chương trình nhiều nhiệm kỳ nhưng đến nay vẫn chưa xác định rõ phạm vi và đối tượng điều chỉnh. Vì vậy, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị và sẽ trình Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khi đủ điều kiện theo quy định”. 

Đối với dự án Luật Dân số, Luật Thư viện, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thanh niên, UBTVQH cho rằng, đây là các dự án đã được đưa vào Chương trình từ lâu; tuy nhiên, quá trình chuẩn bị cho thấy, các dự án luật này có phạm vi điều chỉnh rộng, nhiều vấn đề phức tạp, ý kiến còn khác nhau, có vấn đề liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực nên cần có nhiều thời gian để nghiên cứu làm rõ. 

“Lùi” dự án Luật Biểu tình vì cần thời gian nghiên cứu, tổng kết thực tiễn

Tờ trình dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và nêu rõ, dự án Luật Biểu tình đã được đưa vào Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII để kịp thời thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, do đây là dự án Luật phức tạp, cần có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, nên đã lùi thời gian trình dự án Luật này. 

Đến nay, Chính phủ đề nghị đưa vào Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 và thông qua tại Kỳ họp thứ 4, nhưng qua quá trình chuẩn bị cho thấy nhiều vấn đề quan trọng trong dự án vẫn còn có ý kiến khác nhau; hồ sơ của dự án chưa đầy đủ. Do đó, chưa đủ cơ sở để báo cáo Quốc hội đưa dự án này vào Chương trình.

Đọc thêm