Chỉ giữ nguyên 4 sở, sáp nhập các sở, ngành còn lại cấp tỉnh?

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đề xuất, chỉ có 4 sở, ngành được giữ nguyên, các sở, ngành, cơ quan tham mưu giúp việc khác đều nằm trong diện có thể sáp nhập lại với nhau, hoặc hợp nhất với các cơ quan của Đảng.
Chỉ giữ nguyên 4 sở, sáp nhập các sở, ngành còn lại cấp tỉnh?

Cụ thể, Bộ Nội vụ đề xuất, 17 sở đang tổ chức thống nhất trong cả nước hiện nay chia thành 3 nhóm, gồm: Nhóm 1, các sở được tổ chức thống nhất trên phạm vi cả nước, nhằm bảo đảm giữ ổn định và phát huy hiệu quả của mô hình tổ chức sở quản lý đa ngành, đa lĩnh vực hoặc sở tham mưu quản lý chuyên ngành chuyên sâu có tính ổn định cao, gồm 4 sở: Tư pháp; Tài nguyên và Môi trường; Lao động – Thương binh và Xã hội; Y tế.

Nhóm 2, các sở được quy định theo hướng giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định giữ ổn định hoặc hợp nhất, gồm 10 sở: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Giao thông vận tải; Xây dựng; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương; Giáo dục và Đào tạo; Khoa học và Công nghệ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch (hoặc Văn hóa, Thể thao); Thông tin và Truyền thông.

Nhóm 3, các sở giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định giữ ổn định hoặc thực hiện thí điểm hợp nhất theo Nghị quyết 18-NQ/TW và Nghị quyết 56/2017/QH14 gồm: Sở Nội vụ (thí điểm hợp nhất với Ban Tổ chức); Thanh tra tỉnh (thí điểm hợp nhất với Ủy ban Kiểm tra); Văn phòng UBND cấp tỉnh (thí điểm hợp nhất với Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh).

Đối với 4 sở đặc thù, chuyên ngành, không được tổ chức thống nhất giữa các địa phương gồm: Sở Quy hoạch – Kiến trúc thuộc UBND thành phố Hà Nội và TP HCM và 3 sở do Chính phủ quy định tiêu chí thành lập (Ban Dân tộc, Sở Ngoại vụ, Sở Du lịch) giao UBND cấp tỉnh trình Hội động nhân dân cùng cấp quyết định giữ ổn định hoặc sáp nhập; thành lập hoặc không thành lập (kể cả khi đáp ứng đủ các tiêu chí thành lập).

Với mục đích  sáp nhập để quản lý hiệu quả hơn, sau khi phân tích cơ sở của việc sáp nhập các sở, ngành, Bộ Nội vụ đề xuất hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính thành Sở Tài chính – Kế hoạch; hợp nhất Sở Giao thông vận tải với Sở Xây dựng thành Sở Giao thông vận tải – Xây dựng; hợp nhất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Sở Công Thương thành Sở Công nghiệp, Nông nghiệp và Thương mại…

Theo các phương án của Bộ Nội vụ, sau khi thực hiện việc hợp nhất (thí điểm hợp nhất), cả nước sẽ giảm 46 – 88 sở.

Đọc thêm