Chỉ khoảng 3% người bị nhũng nhiễu, đòi hối lộ tố giác

(PLO) - Mức độ chịu đựng sự vòi vĩnh của người dân tiếp tục gia tăng. Người bị vòi vĩnh đưa hối lộ có xu hướng không tố giác nếu số tiền chưa đến 25,6 triệu đồng, cao hơn mức trung bình của khảo sát năm 2015 (23,7 triệu đồng).
Công bố Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI)
Công bố Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI)

Phát hiện nghiên cứu từ khảo sát Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2016 chính thức được công bố sáng nay (4/4).

Trong đó, huy động sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định ở cấp cơ sở, trách nhiệm giải trình của chính quyền với người dân và kiểm soát tham nhũng trong khu vực công tiếp tục là điểm yếu còn tồn đọng trong quản trị công.

Người dân hài lòng hơn với dịch vụ y tế và giáo dục

PAPI 2016 đánh giá, dịch vụ hành chính công từng bước được cải thiện, có xu hướng tích cực. Trong sáu chỉ số nội dung, chỉ số cung ứng dịch vụ công tăng mạnh nhất ở 35 tỉnh thành so với năm 2011.

Hà Nội: 6 năm liên tiếp có điểm thấp nhất về kiểm soát tham nhũng trong khu vực công

Kết quả tổng hợp cấp tỉnh năm 2016 cho thấy, các tỉnh/thành phố Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Đà Nẵng vẫn duy trì vị trí của mình trong nhóm đạt điểm cao nhất qua 6 năm liên tiếp, từ 2011 đến 2016. 

Các tỉnh trong nhóm điểm thấp nhất tập trung phần lớn ở khu vực miền núi phía Bắc và cực Nam. Yên Bái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang và Lai Châu có tên trong nhóm đạt điểm thấp nhất cùng với Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh và Kiên Giang.

Đối với Bình Dương, 2016 là năm thứ hai liên tiếp người dân địa phương đánh giá chưa cao về hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công.

Năm 2016, Hà Nội vẫn thuộc nhóm đạt điểm thấp nhất trong 6 năm liên tiếp về kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và nằm trong nhóm 5 tỉnh có điểm thấp nhất về trách nhiệm giải trình với người dân.

Chất lượng bệnh viện công tuyến huyện/quận được người dân chấm điểm cao hơn, song đánh giá của người sử dụng dịch vụ này giữa các tỉnh, thành phố có mức chênh lệch lớn.

Một xu hướng tích cực ghi nhận được trong năm 2016 đó là số người cho rằng cần phải đưa hối lộ để tiếp cận dịch vụ y tế công cộng cấp quận/huyện giảm từ 43% năm 2015 xuống 39% năm 2016.

Ở hơn một nửa tỉnh, TP, tỷ lệ người dân đồng tình với nhận định tích cực “không có hiện tượng vòi vĩnh từ cán bộ y tế bệnh viện tuyến huyện/quận” chỉ trong khoảng 27% đến 51% (tăng nhẹ so với năm 2015 là 48%) cho thấy, việc người dân phải chi trả ngoài quy định khi sử dụng dịch vụ bệnh viện tuyến huyện/quận vẫn còn  khá phổ biến.

Mặc dù ghi nhận những đánh giá tích cực của người dân về giáo dục công, nhưng vấn đề “bồi dưỡng” giáo viên tiểu học công lập vẫn là thách thức lớn ở nhiều tỉnh, TP. Ở một nửa các tỉnh, TP, tỷ lệ người dân cho biết không phải chi thêm tiền để con em mình được quan tâm hơn dao động từ 22% đến 62%.

Người dân nhìn chung hài lòng hơn với các thủ tục đăng ký cấp giấy phép xây dựng và dịch vụ hành chính cấp xã/phường cho giấy tờ tùy thân. Dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đạt điểm thấp nhất trong số bốn loại dịch vụ hành chính công PAPI đo lường.

Quyết tâm tố cáo tham nhũng “ổn định” ở mức thấp

Chỉ số kiểm soát tham nhũng khu vực công năm 2016 có xu hướng giảm điểm. Tỉ lệ người dân cho biết họ phải chi “lót tay” cho công chức để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tiếp tục tăng lên trong năm 2016.

Chỉ có 46% người được hỏi trên phạm vi toàn quốc cho rằng không cần phải “lót tay” nhưng vẫn làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây là tỷ lệ thấp nhất trong 6 năm qua.

Bên cạnh đó, khoảng 54% số người dân cho rằng cần phải đưa hối lộ mới xin được việc làm trong khu vực nhà nước, cao hơn tỉ lệ 51% của năm 2015 và 46% của năm 2011.

Trách nhiệm giải trình với người dân còn hạn chế

Năm 2016, khoảng 22% người trả lời trên cả nước cho biết họ tìm gặp trưởng thôn/tổ trưởng dân phố khi có bức xúc với gia đình, hàng xóm hoặc cán bộ chính quyền (tăng khoảng 3% so với năm 2015).

Tỷ lệ này dao động từ 4% ở Thái Bình đến 51% ở Quảng Nam.

Có tới 85% số người đã tìm gặp trưởng thôn/tổ trưởng dân phố đánh giá những cuộc gặp đó đem lại kết quả.

Kết quả khảo sát còn cho thấy, hiện trạng vòi vĩnh trong khu vực công ngày càng phổ biến trong khi quyết tâm của người dân tố cáo tham nhũng, vòi vĩnh của cán bộ nhà nước “ổn định” ở mức thấp: chỉ khoảng 3% người bị nhũng nhiễu, đòi hối lộ đã tố giác.

Mức độ chịu đựng sự vòi vĩnh của người dân tiếp tục gia tăng. Người bị vòi vĩnh đưa hối lộ có xu hướng không tố giác nếu số tiền chưa đến 25,6 triệu đồng, cao hơn mức trung bình của khảo sát năm 2015 (23,7 triệu đồng).

Tỉ lệ người dân cho rằng cán bộ chính quyền địa phương biển thủ công quỹ cũng tăng. Kết quả khảo sát năm 2016 chỉ ra tình trạng người dân ít lạc quan hơn trong đánh giá về hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương so với kết quả 5 năm trước.

Tuyển dụng vào khu vực công vẫn theo “chủ nghĩa vị thân” 

Hiện trạng “vị thân” khi tuyển dụng nhân lực vào khu vực công ngày càng trở nên trầm trọng. Phát hiện nghiên cứu PAPI 6 năm qua khẳng định lo ngại của người dân về vấn nạn của “chủ nghĩa vị thân” và quan hệ cá nhân trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công.

Theo báo cáo PAPI 2016, mục tiêu “công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công” rất khó đạt được khi thân quen và lót tay vẫn là yếu tố quyết định sự thành công của một cá nhân khi xin việc vào khu vực công.

Năm 2016, chỉ khoảng 15% số người trả lời ở Thái Nguyên cho rằng không cần phải đưa “lót tay” để xin việc trong khu vực công. Còn ở Trà Vinh, tỷ  lệ này là 66% - cao nhất trong cả nước.

"Giảm thiểu tình trạng thân quen trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công là cơ hội để bộ máy công vụ hướng tới hiệu quả kiến tạo, phát triển theo như cam kết của Chính phủ nhiệm kỳ hiện nay, góp phần hiện thực hóa yêu cầu về việc đưa ra khỏi bộ mấy những người đi lên bằng “quan hệ vị thân” - báo cáo PAPI 2016 nhận định.

Theo Báo cáo PAPI 2016, để tăng cường kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, trước mắt cần đảm bảo công bằng trong tuyển dụng công chức, viên chức.

Giám sát và giảm thiểu các hành vi nhận tiền ngoài quy định khi cung ứng dịch vụ công, ngăn chặn cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tư lợi qua các hành vi như vòi vĩnh khi làm thủ tục hành chính cho người dân, sử dụng công quỹ vào mục đích cá nhân và nhận “lót tay” trong tuyển dụng nhân sự vào khu vực công.

“Việc huy động người dân và toàn xã hội vào phòng chống tham nhũng cần có sự vào cuộc của cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và giới báo chí. Đồng thời, các cơ chế bảo vệ người tố cáo cần được thực thi đầy đủ và hiệu quả để người dân có động lực tham gia phòng, chống tham nhũng” - Báo cáo PAPI 2016 lưu ý.

Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam, nhận xét: “Kết quả khảo sát PAPI 2016 cho thấy một bức tranh đa chiều. Một mặt, cung ứng dịch vụ công được cải thiện bền vững trong suốt sáu năm qua. Mặt khác, hầu hết các tỉnh thành có thể làm tốt hơn để cải thiện năng lực và thái độ của công chức, viên chức; tăng tính minh bạch, khả năng phản hồi và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước”.

Đọc thêm