Chiến thắng Hàm Rồng - bản hùng ca vang mãi

(PLO) - Cách đây tròn 50 năm, không quân Mỹ đã điên cuồng tấn công vào Hàm Rồng và các khu vực trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa. Trong cuộc quyết chiến ngày 3 và 4/4/1965, quân và dân Thanh Hóa anh hùng đã làm nên chiến thắng lẫy lừng, bảo vệ cầu Hàm Rồng an toàn, làm nức lòng nhân dân cả nước.
Trận địa pháo cao xạ bảo vệ Hàm Rồng
Trận địa pháo cao xạ bảo vệ Hàm Rồng
Bị thất bại ở chiến trường miền Nam, cuối năm 1964, đầu năm 1965 đế quốc Mỹ vạch kế hoạch ném bom miền Bắc, xác định từ Hà Nội vào đường mòn Hồ Chí Minh có 60 điểm tắc, trong đó Hàm Rồng được xem là “điểm tắc lý tưởng”, là “đầu mút của khu vực cán xoong”. Phá sập cầu Hàm Rồng, Mỹ sẽ cắt đứt được mạch máu giao thông Bắc - Nam, đồng thời phá hoại nền kinh tế Thanh Hóa, làm suy yếu vai trò của hậu phương đối với tiền tuyến miền Nam. 
Do vậy, việc đánh phá Hàm Rồng được Nhà Trắng và Lầu Năm Góc chọn là mục tiêu quan trọng nhất trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất.
Trận đụng đầu lịch sử
Do vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, các tỉnh thuộc khu IV (cũ) khi bước vào thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đã trở thành địa bàn chiến lược vô cùng quan trọng. Làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa tháng 12 năm 1967, đồng chí Lê Duẩn khẳng định: “Nếu như Quân khu IV là quan trọng thì Thanh Hóa là quan trọng nhất bởi vì Thanh Hóa là hậu phương trực tiếp của mặt trận Bình - Trị - Thiên và Lào”. 
Nhận rõ bản chất của đế quốc Mỹ, Đảng ta đã dự kiến khả năng chúng sẽ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc và đã chuẩn bị sẵn sàng để đánh chúng.
Với âm mưu cắt đứt sự chi viện Bắc - Nam, cô lập Hàm Rồng và tập trung đánh dứt điểm Hàm Rồng, vào 8 giờ 45 phút ngày 3/4/1965, 16 chiếc máy bay đầu tiên của Mỹ ném bom vào địa phận Thanh Hoá với một loạt địa điểm đánh phá như cầu Đò Lèn (Hà Trung), cầu Cun (Nông Cống), ga Văn Trai (Tĩnh Gia)... 
Nhưng chưa đầy 1 giờ sau, cụm hoả lực phía Bắc cầu Hàm Rồng đã bắn rơi chiếc máy bay trinh sát khi còn cách cầu Tào Xuyên 3km. Đây là chiếc máy bay Mỹ bị quân dân Hàm Rồng bắn rơi đầu tiên, mở đầu trang sử Hàm Rồng quyết thắng.
13 giờ ngày 3/4, cuộc tấn công của đế quốc Mỹ vào khu vực Hàm Rồng bắt đầu. Từng tốp máy bay phản lực hiện đại đủ các loại F105, F8, RF101... lao vào đánh cầu Hàm Rồng liên tục trong 2 giờ 36 phút. Bầu trời Hàm Rồng vang rền tiếng gầm rú của máy bay giặc, mặt đất rung chuyển bởi những loạt bom hạng nặng của kẻ thù dồn dập dội xuống. 
Ngay trong ngày đầu tiên, Mỹ đã huy động 102 lần tốp máy bay, 360 lần chiếc máy bay và mở 14 đợt tấn công nhưng vẫn không thực hiện được ý đồ “nuốt trôi cầu Hàm Rồng ngay”.
Cơ động bắn máy bay địch trên vùng biển cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa
Cơ động bắn máy bay địch trên vùng biển cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa 
Sẵn sàng đánh địch
Quân, dân Hàm Rồng - Nam Ngạn - Yên Vực dũng cảm bám chắc trận địa với ý chí quyết chiến quyết thắng. Hàng chục khẩu súng cao xạ của bộ đội chủ lực ở các trận địa Đồng Đá, Yên Vực, Nam Bình, Cồn Đu (bờ Bắc), đồi C4, Đám Cháy, Tàu thuyền, đồi Không tên (bờ Nam) và hàng trăm khẩu súng trung liên, súng trường của tự vệ các xí nghiệp Lò cao, Phân lân, Máy xanh, Máy điện..., các tay súng dân quân các xã Hoằng Long, Hoằng Lý, Hoằng Anh, Nam Ngạn... hợp đồng nổ súng tạo thành nhiều tầng đạn, lưới lửa bủa vây đội hình máy bay Mỹ khiến chúng phải nối nhau bỏ chạy.
Phán đoán địch tiếp tục đánh phá Hàm Rồng, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam điều động ba đại đội pháo cao xạ 57 ly của Trung đoàn 234, Sư đoàn 350, Bộ Tư lệnh Phòng không đang chiến đấu tại Nghệ An tăng cường gấp cho Hàm Rồng. 
Trên 2.000 nam nữ dân quân, tự vệ xung quanh khu vực Hàm Rồng và trên 1.000 cán bộ, công nhân ngành Giao thông Vận tải gấp rút khắc phục hậu quả do địch gây ra và tiếp tục bổ sung mọi mặt cho cuộc chiến đấu mới: chuyển đạn, san lấp hố bom, thông đường, đào đắp tu sửa công sự, giúp bộ đội, ngụy trang lau chùi pháo... Tất cả sẵn sàng tiêu diệt giặc Mỹ.
7 giờ 30 phút ngày 4/4/1965, nhiều tốp máy bay địch tiến vào vùng trời Thanh Hoá và phát hiện lực lượng pháo của Trung đoàn 234 đang trên đường từ Nghệ An vào Thanh Hoá, chúng đã tập trung đánh phá khu vực bến phà Ghép (Tĩnh Gia) nhằm ngăn không cho xe pháo của ta qua sông. Ngay lập tức, các đại đội 2, 4, 5 và khẩu đội 14 ly 5 cùng quân dân các xã Hải Ninh, Tân Dân, Hải An, Hải Châu (Tĩnh Gia)... đã bắn rơi 3 chiếc F105 và bắt sống một tên giặc lái.
Cay cú trước thất bại sáng 4/4, đúng 10 giờ, từ nhiều hướng (sân bay Cồ Rạt - Thái Lan, sân bay Đà Nẵng, các tàu sân bay thuộc Hạm đội 7 ngoài biển), giặc Mỹ thay nhau bổ nhào, dội bom vào khu vực Hàm Rồng. 
Bằng nhiều phương án tác chiến, lực lượng phòng không Hàm Rồng - Nam Ngạn - Yên Vực đã sử dụng pháo cao xạ 57 ly của Trung đoàn 234 chặn đánh vòng ngoài trên nhiều tầng, nhiều hướng, ở mọi độ cao... làm cho đội hình chiến đấu của máy bay giặc Mỹ rối loạn và không thể công kích mục tiêu như dự định của chúng. 
Những chiếc nào lọt vào gần cầu lập tức bị các trận địa cao xạ trên đồi Không tên, đồi Ba cây thông, núi Ngọc, núi Rồng nổ súng tan xác. Hoảng hốt trước sự đánh trả mãnh liệt của quân ta, giặc Mỹ đành bay vút lên cao. 
Giữa lúc đó, Không quân Việt Nam được lệnh cất cánh phối hợp với các lực lượng Hàm Rồng. 11 giờ trưa, sau 11 đợt công kích, 40 lần bổ nhào bắn phá, máy bay Mỹ vẫn không thể “đánh sập cầu Hàm Rồng trong chớp nhoáng” lại hứng chịu nhiều thương vong buộc địch phải kết thúc trận đánh buổi sáng sớm hơn dự kiến.
Đến chiều 4/4, các tốp máy bay Mỹ tiếp tục đánh từ hướng Tây Nam với hy vọng lợi dụng ánh sáng mặt trời tấn công liên tục. Tốp này ném bom xong lượn vòng lên cao tiếp tục hút hoả lực mặt đất để tốp khác vào đánh, chúng còn nghi binh bằng đường bay ngoắt ngoéo... 
Nhưng quân, dân Hàm Rồng - Nam Ngạn - Yên Vực vẫn tỉnh táo, hiên ngang đáp trả bằng những đường đạn chính xác, những lưới lửa chăng dày, nhiều tầng, nhiều hướng khiến giặc lái hoảng hồn phải ném bom bừa bãi rồi tháo chạy. Đến 16 giờ, trận chiến đấu kết thúc.
Nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển vác trên vai hai hòm đạn pháo cao xạ nặng 98kg, gấp đôi trọng lượng cơ thể
Nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển vác trên vai hai hòm đạn pháo cao xạ
nặng 98kg, gấp đôi trọng lượng cơ thể
Vang mãi bản hùng ca
Chỉ trong 2 ngày 3 và 4/4/1965, quân Mỹ đã sử dụng 174 lần tốp, 454 lần chiếc máy bay, ném xuống địa bàn tỉnh Thanh Hoá 627 quả bom phá, 58 quả bom nổ chậm (gồm các loại từ 500 đến 1.000kg), hàng trăm tên lửa, rốc-két vào các khu vực trọng điểm của Thanh Hoá. Riêng khu vực Hàm Rồng - Nam Ngạn - Yên Vực, địch bổ nhào 85 lần, cắt bom bắn phá 80 lần, ném 350 quả bom, bắn 149 quả đạn rốc-két. 
Có thể khẳng định đây là lần đầu tiên kể từ khi mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc, đế quốc Mỹ tổ chức một trận đánh với quy mô lớn nhất và mức độ ác liệt nhất. Sau 2 ngày chiến đấu kiên cường, Thanh Hoá đã bắn rơi 47 máy bay giặc Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái, bảo vệ an toàn cầu Hàm Rồng khiến dư luận nước Mỹ xôn xao, bạn bè yêu chuộng công lý và hòa bình trên toàn thế giới khâm phục.
Từ trong khói lửa ác liệt của Hàm Rồng anh hùng, đã có nhiều tấm gương chiến đấu kiên cường, anh dũng. Giữa lúc bom đạn địch đang dội xuống dày đặc, dân quân Yên Vực (Hoằng Long) vẫn chèo thuyền vượt sông Mã chở đạn dược cho bộ đội cao xạ. Nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển vượt đạn bom vác 98kg đạn, nặng gấp đôi trọng lượng cơ thể mình tiếp cho bộ đội. 
6 nữ đồng chí trong tổ cứu thương của Nhà máy Điện Hàm Rồng luôn có mặt bên mâm pháo băng bó cho thương binh, tiếp đạn cho bộ đội. Các cụ già Nam Ngạn vẫn nổi lửa nấu cơm, canh, cả nhà sư chùa Mật Đa cũng tiếp tế, cứu thương cho bộ đội...
Cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất của đế quốc Mỹ kéo dài 4 năm với hơn 1.000 ngày đêm xung trận. Trên mảnh đất Hàm Rồng lịch sử, mỗi ngọn núi, dòng sông, cánh đồng, nhà máy, mỗi xóm làng thân yêu đều là mục tiêu đánh phá của kẻ thù. 
Tiếp đó, trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của Mỹ (từ ngày 26/12/1971 đến 15/1/1973), đế quốc Mỹ đã sử dụng những phương tiện chiến tranh hiện đại từ máy bay chiến lược B52 đến tên lửa Tà-lốc, bom xuyên, bom la-de... tập trung rải xuống Hàm Rồng. 
Qua 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, riêng quân và dân Hàm Rồng đã bắn rơi 117 máy bay, tiêu diệt, bắt sống nhiều giặc lái Mỹ, bảo vệ cầu bảo đảm giao thông thông suốt, đẩy mạnh sản xuất góp phần xứng đáng cùng quân, dân cả nước đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn./.

Đọc thêm