Chính khách thế giới ngạc nhiên trước sự đoàn kết của tôn giáo Việt

(PLO) - Khi thấy một tùy viên chính trị của một sứ quán rất ngạc nhiên khi chứng kiến lễ ký kết của 40 tôn giáo của Việt Nam,  Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nói: “Rất đáng tiếc hôm nay ngài mới biết, ở nước chúng tôi, các tôn giáo đã ngồi lại với nhau từ lâu rồi”.
Ông Nguyễn Thiện Nhân thăm Trường Trung học phổ thông Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) nhân dịp 20/11/2015
Ông Nguyễn Thiện Nhân thăm Trường Trung học phổ thông Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) nhân dịp 20/11/2015
Trước thềm xuân mới Bính Thân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ về những dấu ấn công tác trong thời gian qua cũng như những kỳ vọng để đưa đất nước phát triển bền vững trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Năm qua, bản thân ông và các vị lãnh đạo Mặt trận trong Đoàn Chủ tịch đi cơ sở nhiều để có cái nhìn về thực tiễn sát hơn, khách quan hơn, đồng thời tiếp thu được những đóng  góp, gợi ý của người dân. 
Thông qua các cuộc tiếp xúc với nhân dân, ông nhận thấy nhân dân rất phấn khởi khi đời sống ngày càng được cải thiện, lạm phát chưa bao giờ thấp như năm nay. 
Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô của Việt Nam phát triển ổn định, trong khi ở các nước khác luôn có sự bất ổn, xung đột về tôn giáo, sắc tộc và khủng bố… Kết quả đó có từ chủ trương của Đảng và Nhà nước, đồng thời có sự tham gia, đóng góp ý kiến của chính nhân dân. 
Đầu tháng 12 vừa qua, Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam phối hợp với 40 tôn giáo, lần đầu tiên tổ chức hội nghị các tôn giáo chung tay bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hình ảnh đại diện của 40 tôn giáo cùng ngồi lại với nhau để ký cam kết chung là hình ảnh rất đẹp - ở các nước khác, các tôn giáo không thể cùng ngồi với nhau được. 
Khi thấy một tùy viên chính trị của một sứ quán rất ngạc nhiên khi chứng kiến lễ ký kết của 40 tôn giáo của Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nhân đã nói: “Rất đáng tiếc hôm nay ngài mới biết, ở nước chúng tôi, các tôn giáo đã ngồi lại với nhau từ lâu rồi”.
Về nội dung MTTQ Việt Nam sẽ làm gì với những trường hợp tham gia ứng cử mà cử tri thấy không đủ thuyết phục, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Nếu bầu cử mà 5 chọn 3 hoặc 3 chọn 2 thì chắc chắn sẽ  có một người bà con thấy không thuyết phục bằng người khác. Chuyện bầu có số dư và có người nhân dân thấy không thuyết phục là bình thường, nhưng vai trò của Mặt trận là tổ chức cho các ứng cử viên tiếp xúc với cử tri để giới thiệu về mình. MTTQ Việt Nam cam kết thực hiện đúng luật pháp, tạo điều kiện dân chủ để người dân quyết định quyền lựa chọn của mình.
Nói về vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, năm 2015, hoạt động giám sát đã có tiến bộ và đạt được kết quả bước đầu. 8 chương trình giám sát thực chất là 1+7, tức là một nội dung làm đến kết quả cuối cùng và hoàn thành nhiệm vụ mà Thủ tướng giao, đó là tổng rà soát chính sách người có công với cách mạng. 
MTTQ làm trong 2 năm (2014-2015) và đã hoàn thành đầy đủ, đúng thời hạn. Hơn 2 triệu đối tượng có danh sách đã rà soát hết và trả lời được các câu hỏi: bao nhiêu phần trăm đang hưởng đúng, hưởng đủ (đó là 95,75%); bao nhiêu phần trăm hưởng đúng mà còn thiếu (đó là 4,16%) và bao nhiêu phần trăm có lẽ là hưởng chưa đúng (0,09%). 
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, năm 2015 mới đánh giá sự hài lòng của người dân ở 10 tỉnh, thành phố trên 6 dịch vụ công, năm 2016 MTTQ Việt Nam sẽ cùng Bộ Nội vụ làm tiếp. Đặc biệt, nếu năm 2015 mới đánh giá sự hài lòng của người dân qua giấy thì năm tới sẽ làm thí điểm qua điện thoại di động. 
Ngoài ra, trong năm 2016 Mặt trận sẽ làm thêm một nội dung mới, đó là vận động nhân dân thực hiện và giám sát việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (từ khâu sản xuất đến nơi chế biến và tiêu dùng). Đây là việc làm khó nhưng với kinh nghiệm của 8 nội dung giám sát vừa qua, Mặt trận đang xây dựng đề án để cùng Chính phủ triển khai.
Theo Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam, có một nguồn tài nguyên không cạn kiệt của đất nước ta chính là gần 100 triệu người dân với khả năng sáng tạo ngày càng nâng cao. Hiện Việt Nam đã hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới nhưng nguồn lực trên dường như vẫn chưa phát huy đầy đủ.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, khi bàn về vấn đề phát triển 5 năm, 10 năm, điều các địa phương lo lắng nhất chính là sợ thiếu tiền - ít người nói sợ thiếu nhân lực không có trình độ; thứ 2 là lo thiếu đất để đầu tư. Để phát triển lâu dài theo nguyên tắc nguồn lực phải tăng thì phát triển mới tăng thêm, suy cho cùng, nguồn lực chính là những tri thức mới ứng dụng vào quản lý sản xuất và lao động tăng thêm trong quá trình sản xuất. 
Ông Nguyễn Thiện Nhân trăn trở, rất nhiều nước trên thế giới đang rất lo lắng vấn đề thiếu lao động, vì mức sinh  của họ quá ít, nhưng mức sinh của Việt Nam đã tạo điều kiện cho lực lượng lao động Việt Nam về lâu dài cân bằng. Lao động Việt Nam có truyền thống sáng tạo, cộng với đào tạo ngày càng nâng cao thì khả năng sáng tạo sẽ nâng cao hơn nữa. 
Theo thống kê gần đây của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thì cường độ kinh tế của Việt Nam đứng hàng thứ 7, nhưng năng lực sáng tạo quốc gia của Việt Nam được xếp hạng thứ 4 trong 10 nước ESEAN. Như vậy lợi thế của Việt Nam là sáng tạo. 
“Bước vào hội nhập thì sáng tạo là công cụ quan trọng nhất để chúng ta phát triển và làm chủ đất nước. Tôi muốn gửi gắm rằng, trong thời cơ và thách thức bây giờ, chúng ta có một nguồn lực rất quan trọng, đó là con người với văn hóa của bốn nghìn năm, với sức mạnh đại đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng với đường lối mà Đại hội XII của Đảng sắp thông qua, tôi tin rằng chúng ta sẽ tạo được bước đột phá trong phát huy sức sáng tạo của con người để tận dụng thời cơ, đưa đất nước phát triển”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Đọc thêm