Chính phủ nghe báo cáo tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước

(PLVN) - Tại phiên họp thường kỳ tháng 2/2021 của Chính phủ diễn ra sáng nay (2/3), các thành viên Chính phủ sẽ thảo luận về các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu quan trọng nhất hiện nay là phòng chống hiệu quả dịch, bảo đảm sức khỏe, tính mạng người dân và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội.
Chính phủ nghe báo cáo tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước tại phiên họp thường kỳ tháng 2/2021. Ảnh minh hoạ
Chính phủ nghe báo cáo tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước tại phiên họp thường kỳ tháng 2/2021. Ảnh minh hoạ

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ sẽ nghe, thảo luận về các nội dung: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 và tình hình triển khai kế hoạch năm 2021;

Kết quả thực hiện điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Trung ương năm 2020 giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, về việc tiếp tục sử dụng số vốn còn lại chưa giải ngân và chưa phân bổ để thực hiện các dự án đầu tư cơ quan đại diện ở nước ngoài trong giai đoạn 2021-2025, báo cáo tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước…

Bbáo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết tháng 2/2021.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, mặc dù trong tháng có kỳ nghỉ Tết kéo dài và dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế-xã hội có bước chuyển biến tích cực.

Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 2 tháng đầu năm 2021 giảm 0,15% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 0,64%. Tuy nhiên, CPI tháng 2/2021 tăng 1,5% so với tháng trước, đây là mức cao nhất của chỉ số giá tháng Hai trong 8 năm gần đây và tăng 1,56% so với tháng 12/2020.

Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng cao. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm nay ước tính đạt 95,8 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 48,6 tỷ USD, tăng 23,2%; nhập khẩu đạt 47,3 tỷ USD, tăng 25,9%. Cán cân thương mại hàng hóa 2 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 1,3 tỷ USD.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục có chuyển biến tích cực, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4% (cùng kỳ tăng 7,1%). Nhiều sản phẩm tăng mạnh như tivi các loại tăng 61,5%; linh kiện điện thoại tăng 55,7%; thép cán tăng 47,3%...

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong tháng 2/2021 diễn biến tương đối thuận lợi. Công tác trồng rừng và triển khai “Tết trồng cây” đầu Xuân được tổ chức thiết thực tại nhiều địa phương.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 5,49% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,52% (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,4%).

Tình hình đăng ký doanh nghiệp có nhiều tín hiệu tích cực trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Cả nước có 18.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn đăng ký là 334,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 172,8 nghìn lao động, tăng 4% về số doanh nghiệp, tăng 52,2% vốn đăng ký.

Đọc thêm