Chống tham nhũng cần cơ quan độc lập, có thực quyền

(PLO) - Chiều qua (29/10), thảo luận tại Tổ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật, về công tác phòng, chống tham nhũng… nhiều Đại biểu Quốc hội thẳng thắn cho rằng, không thể nói chung chung mãi rằng công tác phòng, chống tham nhũng đã có “kết quả bước đầu, tích cực”  trong khi Đảng, Nhà nước, Quốc hội đều nhận định rằng tình hình tham nhũng là nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sự tồn vong của chế độ. 
Chống tham nhũng cần cơ quan độc lập, có thực quyền
“Không hy vọng gì việc tự thân chống tham nhũng”
Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho biết, nhiều năm nay, Chính phủ đều khẳng định quyết tâm chính trị rất cao, đã huy động mọi lực lượng vào công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, Đại biểu Nga khẳng định: “Nếu đã đánh giá tham nhũng là nghiêm trọng thì kết quả đạt được như báo cáo của Chính phủ là không tương xứng. Không thể nói mãi với nhân dân là công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được kết quả bước đầu, tích cực, mà phải là những con số cụ thể”. 
Phân tích về những nguyên nhân dẫn tới kết quả không được như mong muốn của công tác này, Đại biểu Lê Thị Nga cho rằng: “Chúng ta quy trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, tức là hy vọng vào việc tự thân chống tham nhũng. Tuy nhiên, 10 năm nay Chính phủ đánh giá việc tự phát hiện tham nhũng là khâu yếu. Nếu đã đánh giá là khâu yếu thì không thể nói việc quy trách nhiệm người đứng đầu là có hiệu quả”. 
Đại biểu Nga cũng chỉ ra những bất cập trong việc giao cho Thanh tra thực hiện công tác này, bởi: “Thanh tra được ví như tai, mắt, chân tay của thủ trưởng, giờ lại giao tai mắt đi phát hiện những sai phạm của thủ trưởng thì làm sao mà chống được tham nhũng”.  Để công tác phòng, chống tham  nhũng thực sự hiệu quả, Đại biểu Lê Thị Nga khẳng định: “Chúng ta còn thiếu một cơ quan độc lập, đủ quyền lực để làm việc này”. 
Đồng tình với ý kiến của Đại biểu Nga, Đại biểu Hà Công Long (Gia Lai) nêu ví dụ về một trường hợp có biểu hiện người chống tham nhũng bị trù dập cùng lo ngại nếu cứ để như thế thì “ai dám đấu tranh nữa” và kết luận: “Nếu không có một cơ quan có thẩm quyền xử lý việc này một cách khách quan, công tâm, độc lập thì khó có thể có giải pháp nào hiệu quả đối với công tác phòng, chống tham nhũng”. 
Lo ngại việc người dân vi phạm vì “tự xử”
Thảo luận về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, nhiều Đại biểu Quốc hội nhận định: trong tình hình kinh tế, xã hội có nhiều khó khăn như hiện nay, việc kiềm chế tội phạm, giữ được ổn định trật tự an toàn xã hội là một nỗ lực lớn của các cơ quan chức năng. 
Tuy nhiên, Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) rất băn khoăn việc các báo cáo của Chính phủ hầu như không đề cập, phân tích về tình trạng ngày càng gia tăng hiện tượng người dân vi phạm pháp luật do manh động, tự xử. “Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này, có thể một bộ phận là do bị lôi kéo, kích động, nhưng không thể không kể tới việc người dân mất niềm tin vào cách giải quyết của chính quyền. Báo cáo của Chính phủ cần phải làm rõ”. 
Các Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.Hồ Chí Minh), Phạm Đức Châu (Quảng Trị) và nhiều Đại biểu khác cũng bày tỏ lo ngại về hiện tượng một bộ phận người dân vi phạm pháp luật do tự xử, do không tin tưởng vào cách giải quyết của các cơ quan chức năng hay do sự chậm trễ của chính quyền. 
Lấy ví dụ về việc Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi phải trực tiếp đi thuyết phục hàng ngàn người dân Quảng Ngãi tập trung phản đối tàu nạo vét thông luồng do nhầm tưởng đây là tàu khai thác cát trái phép, Đại biểu Phạm Đức Châu  nhấn mạnh: “Nhà nước phải lo giải quyết chứ không thể để dân tự xử, dân vi phạm là rất nguy hiểm”. 
Lại đề nghị sửa Luật về tử hình bằng tiêm thuốc độc? 
Theo báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, hiện cả nước còn 684  bị án tử hình đang chờ được thi hành án, trong đó có 682 người thuộc trách nhiệm của cơ quan thi hành án của Bộ Công an và 2 trường hợp thuộc trách nhiệm cơ quan thi hành án của Quân đội. 
Dù hình thức tử hình bằng tiêm thuốc độc thay cho xử bắn được nêu trong Luật Thi hành án hình sự đã có hiệu lực từ cách đây 2 năm (năm 2011) nhưng do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc không nhập được thuốc ngoại, nên hàng trăm tử tù đã phải sống trong cảnh chờ thi hành án. Điều này không những gây quá tải cho các cơ sở giam giữ mà còn tạo ra không khí căng thẳng cho cả tử tù, người quản lý và thân nhân các bên liên quan. 
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đề nghị: “Quốc hội có thể phải cân nhắc, quy định trở lại hình thức tử hình bằng xử bắn để vừa đỡ tốn kém, vừa đỡ khó khăn, áp lực như hiện nay”. Trong khi đó, Đại biểu Vũ Xuân Trường (Nam Định) cho rằng việc xây dựng các địa điểm thi hành án tử hình bằng thuốc độc rất tốn kém, còn Đại biểu Đặng Công Lý (Bình Định) lại đề nghị: “Quốc hội phải có ý kiến và làm gấp đi vì tử tù cũng muốn được chết”. 
Theo Chương trình, hôm nay (30/10), Quốc hội sẽ nghe Chính phủ trình bày báo cáo quy hoạch tổng thể về thủy điện, về chủ trương xây dựng đường Hồ Chí Minh và thảo luận về Luật Đấu thầu.

Đọc thêm