Chủ động và quyết tâm tạo sức bật cho nền kinh tế

(PLO) - Để tận dụng được cơ hội và vượt lên những thách thức trong cạnh tranh quốc tế, Chính phủ Việt Nam luôn chủ động và quyết tâm trong hành động nhằm tạo ra sức bật cho nền kinh tế. Một trong những việc đó là cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị.

Đó là một trong những nhận định của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Hội thảo “Việt Nam: Nắm bắt cơ hội của các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới” do Bộ Công Thương phối hợp cùng Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức hôm qua (15/6).

Cơ hội luôn đi kèm thách thức

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc đàm phán và ký kết các FTA trong thời gian qua, bao gồm cả những FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định FTA với Liên minh Châu Âu (EVFTA) không chỉ nhằm mục tiêu mở cửa thị trường mà còn là các bước đi khẳng định cam kết hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới của Việt Nam, là bước đi quan trọng tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Bên cạnh những cơ hội đáng kể đó, các FTA cũng sẽ đặt ra không ít thách thức cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước.

Là một trong 12 nền kinh tế trong vành đai Thái Bình Dương vừa đạt được thỏa thuận về TPP – Hiệp định thương mại toàn diện nhất từng có trong 2 thập kỷ qua, Việt Nam đang đứng trước vận hội lớn là khai thác tối đa lợi ích do các FTA này mang lại về thương mại, đầu tư, tăng trưởng, tạo việc làm, tiếp cận thị trường rộng lớn, thậm chí còn quan trọng hơn là về mặt thúc đẩy cải cách trong nước.

Tuy nhiên, các hiệp định này cũng đi kèm một số thách thức nếu không cam kết một cách thận trọng thì các lợi ích sẽ bị bỏ lỡ. Vấn đề cốt lõi trong khai thác hiệp định thương mại là khâu thực hiện. Trong bối cảnh một nền kinh tế quá độ như Việt Nam thì giữa cam kết quốc tế và luật pháp trong nước vẫn còn tồn tại những khoảng cách lớn, đây chính là một thách thức đặc biệt, Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Victoria Kwakwa nhận định.

Hội nhập quốc tế song hành cùng cải cách pháp luật

Song hành cùng quá trình hội nhập quốc tế là những nỗ lực cải cách pháp luật và tư pháp xuất phát từ nhu cầu phát triển nội tại của đất nước. Nhiều cam kết của Việt Nam trong EVFTA và đặc biệt là TPP đã vượt các quy  định pháp luật hiện hành của Việt Nam, do đó cần đưa ra được phương án hoàn thiện pháp luât khả thi, phù hợp và đảm bảo thực hiện tốt các cam kết của Việt Nam với quốc tế cũng như tận dụng được cơ hội mà các hiệp định này đem lại.

Cho đến nay, Việt Nam chưa bị các nước khởi kiện về việc ban hành văn bản pháp luật vi phạm các cam kết quốc tế của mình, tuy nhiên trong thời gian tới vẫn cần tiếp tục tập trung thời gian, nguồn lực để đảm bảo cho công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo tiến độ và chất lượng. Cùng với đó, Việt Nam cũng cần chú trọng tăng cường công tác thực thi pháp luật đảm bảo tuân thủ các cam kết để đạt được mục tiêu đặt ra và tận dụng tốt mọi cơ hội mà các FTA đem lại cho sự phát triển của đất nước. Nhiệm vụ này cũng phù hợp với việc chuyển hướng Chiến lược xây dựng pháp luật sang hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật.

Ngoài ra, EVFTA còn đặt ra thách thức không nhỏ với nước ta trong việc triển khai cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư của Hiệp định, một cơ chế chưa từng có trong lịch sử. Để duy trì thiết chế này, các bên phải chuẩn bị về nhân sự để giới thiệu người làm trọng tài viên tại các thiết chế này. 

Nhằm thực thi TPP và EVFTA một cách hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định cần thực hiện tốt các kế hoạch về mặt đối ngoại, về tổ chức thực thi trong nước đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến trên toàn quốc cho tất cả các đối tượng liên quan bao gồm các cơ quan nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. 

Đọc thêm