Chủ tịch nước đề nghị QH phê chuẩn Công ước về người khuyết tật

(PLO) - Sáng nay, Chủ tịch nước đã có tờ trình QH về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật. Việc phê chuẩn Công ước Quyền của người khuyết tật sẽ là một cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển vì lợi ích dành cho người khuyết tật. 
 
Chủ tịch nước đề nghị QH phê chuẩn Công ước về người khuyết tật
Trước đó, ngày 21/4/2014, Chính phủ có Tờ trình số 102/TTr-CP đề nghị Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật. 
Theo Tờ trình của Chủ tịch nước, Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật là Công ước quốc tế toàn diện nhất về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật. 
Công ước Quyền của người khuyết tật là một điều ước quốc tế về nhân quyền. Công ước xác định các quyền của người khuyết tật và nghĩa vụ của các quốc gia tham gia Công ước nhằm bảo vệ và đẩy mạnh các quyền này. 
Việc phê chuẩn Công ước vào thời điểm hiện nay của Nhà nước ta là rất quan trọng, nhằm thực hiện đúng cam kết của quốc gia, tạo cơ sở cho việc tăng cường đối thoại về nhân quyền và trao đổi với các nước, các tổ chức quốc tế về nhân quyền. 
Việc phê chuẩn Công ước Quyền của người khuyết tật sẽ là một cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển vì lợi ích dành cho người khuyết tật. 
Đây cũng là một trong những căn cứ pháp lý để Việt Nam khẳng định quan điểm của mình đối với thế giới trong lĩnh vực người khuyết tật nói riêng và nhân quyền nói chung, có ý nghĩa quan trọng khi Việt Nam đã trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016. 
Khi phê chuẩn Công ước Quyền của người khuyết tật, Chính phủ kiến nghị không bảo lưu điều khoản nào của Công ước và kiến nghị nên tuyên bố như sau: "Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích của người khuyết tật phù hợp với pháp luật trên tất cả các lĩnh vực bình đẳng như người không có khuyết tật". 
Được biết, Việt Nam đã ký Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật vào ngày 22/10/2007. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, do hệ thống pháp luật Việt Nam về người khuyết tật còn một số hạn chế nhất định, đặc biệt là Pháp lệnh về Người tàn tật năm 1998 nên cần có thời gian để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Công ước Quyền của người khuyết tật. Đến nay, hệ thống pháp luật về người khuyết tật của nước ta đã tương đối hoàn thiện và cơ bản phù hợp với Công ước. 
Theo quy định  của Công ước Quyền của người khuyết tật về việc chấp nhận ràng buộc, Công ước này phải được các quốc gia ký kết phê chuẩn. Vì vậy, căn cứ vào Điều 30 và Điều 32 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xin kiến nghị Chính phủ trình Chủ tịch nước phê chuẩn Công ước Quyền của người khuyết tật tại thời điểm hiện nay (năm 2014). 
Chính phủ cũng cho biết về cơ bản, pháp luật Việt Nam tương thích với các quy định của Công ước Quyền của người khuyết tật. Tuy nhiên, để đảm bảo thực thi đầy đủ Công ước Quyền của người khuyết tật vào thực tiễn, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện một số vấn đề như: 
Thống nhất sử dụng thuật ngữ “khuyết tật” trong toàn hệ thống pháp luật để phù hợp với khái niệm người khuyết tật quy định tại Điều 1 và Điều 2 của Công ước; Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện lộ trình cải tạo nhà chung cư, trụ sở làm việc, công trình công cộng theo quy định tại Luật Người khuyết tật để phù hợp với quy định tại Điều 9 của Công ước; Tăng cường hơn nữa việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với cán bộ, giáo viên, giảng viên tham gia giáo dục hoà nhập, giáo dục bán hoà nhập người khuyết tật;  Nghiên cứu có chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với người khuyết tật nặng trong khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe.
Việt Nam cũng cần nghiên cứu mở rộng việc miễn trừ lệ phí đăng ký khai sinh cho trẻ em khuyết tật để cải thiện tình hình đăng ký khai sinh cho trẻ em khuyết tật; Nghiên cứu quy định về việc tuyển dụng người khuyết tật vào khu vực công và bảo đảm có sự điều chỉnh hợp lý tại nơi làm việc để tạo điều kiện cho người khuyết tật làm việc.... để đảm bảo thực thi đầy đủ Công ước Quyền của người khuyết tật./.

Đọc thêm