Chủ tịch tỉnh ra tay, “xe Vua” không còn đất sống

(PLO) - Qua 15 ngày triển khai trên công tác kiểm soát trọng tải phương tiện vận tải đường bộ, vẫn còn xuất hiện những tập đoàn “xe vua” ung dung “thoát” trạm.  Trung tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATXH cho rằng, nếu Chủ tịch tỉnh ra tay, “xe vua” cũng không còn đất sống.
Xe tải nuối đuôi nhau nằm chờ để vượt trạm cân
Xe tải nuối đuôi nhau nằm chờ để vượt trạm cân
Sáng qua (17/4), trong buổi chức sơ kết, đánh giá tình hình triển khai, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định, việc thực hiện kiểm soát tải trọng xe sẽ được làm kiên quyết, thường xuyên, liên tục và rộng khắp; duy trì kiểm soát tải trọng xe liên tục 24/24h trong ngày, suốt bảy ngày trong tuần và kiên quyết duy trì công tác cho đến khi chấm dứt được tình trạng xe quá tải trên toàn quốc.
Có hiện tượng “xe vua”?
Quyết tâm của “tư lệnh” ngành giao thông thì như vậy nhưng thực tế việc triển khai kiểm soát tải trọng xe trong những ngày vừa qua lại xuất hiện nhiều tồn tại mà đa số lại xuất phát từ nguyên nhân chủ quan. 
Điều này khiến nhiều đại biểu nghi vấn, với hiện tượng xe “thoát” trạm cân phải chăng đang có những “tập đoàn xe vua” mà quan chức địa phương hoặc người trong lực lượng làm nhiệm vụ có cổ phần?
Tại nhiều địa phương, Cảnh sát Giao thông (CSGT) lại thiếu mặn mà với công tác kiểm tra tải trọng. Từ những chi tiết nhỏ nhặt như: gây khó khăn trong đăng ký xe ô tô của trạm; không bố trí lực lượng CSGT phối hợp hoặc chỉ phối hợp mang tính hình thức, đối phó, chỉ làm trong giờ hành chính, còn buổi trưa, buổi tối không làm…
Chạy đúng tải, không đủ tiền làm “luật”
“Chỉ một đoạn đường khoảng 100km từ Hải Phòng về đến Hà Nội mà có đến gần chục trạm CGST. Chưa nói đến lực lượng TTGT chạy lưu động dọc tuyến đường qua địa bàn các tỉnh. Nếu không chạy quá tải thì sẽ không đủ tiền nộp “mãi lộ”. Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân C.P.CTN.
Đặc biệt, tính đến ngày 15/4 thì vẫn còn 11 địa phương chưa đưa bộ cân lưu động vào sử dụng, một số địa phương chỉ hoạt động hưởng ứng ngày ra quân (1/4).
Một số nơi lại triển khai ở hệ thống đường có lưu lượng xe quá tải thấp, chưa quyết liệt trên các quốc lộ trọng điểm. Ngay cả trên quốc lộ 1 thì cũng chỉ có 15/30 địa phương triển khai trạm kiểm tra tải trọng xe.
Ngoài ra, một số địa phương cũng chưa đưa trạm kiểm soát tải trọng xe vào hoạt động liên tục. Việc này làm xuất hiện tình trạng xe quá tải dừng đỗ ở mỗi phía của trạm cân hàng trăm chiếc. 
Khi trạm nghỉ thì các xe ồ ạt chạy gây ùn tắc giao thông và mất ATGT. Điều này cho thấy, lực lượng CSGT chỉ xử lý xe quá tải với lỗi đỗ, dừng rồi cho đi mà không xử lý vi phạm quá tải.
Bộ cân gần hai tỷ, nhiều lỗi, kỵ mưa
Bộ GTVT đã chỉ định thầu cho Công ty Hanel cung cấp 67 bộ cân với giá trị hơn 1,9 tỷ đồng/ bộ (bao gồm xe ô tô, bộ cân, máy phát điện dự phòng…)
Trước việc “chỉ định thầu” này, đã xuất hiện một số ý kiến cho rằng việc sản xuất, láp ráp các thiết bị của trạm cân có dấu hiệu không minh bạch, thiết bị đều của Trung Quốc…Được yêu cầu trả lời về thắc mắc này, ông Nguyễn Quốc Bình, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Hanel cho biết, bộ cân đã được sản xuất, lắp ráp theo thiết kế đã được Tổng cục Đo lường chất lượng phê duyệt; từng bộ cân được kiểm định trước khi bàn giao.
Ông Bình thừa nhận, từ khi triển khai đã xảy ra 33 sự cố của trạm cân liên quan đến camera, đèn led, hết pin, cháy cầu chì hoặc do phá hoại. Nguyên nhân sự cố này chủ yếu là do người sử dụng không tuân thủ đúng khuyến cáo và chưa thực hiện đúng hướng dẫn….
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số địa phương thì khi thực hiện bộ cân này vẫn có sai số giữa các lần cân và sai số so với trạm cân tĩnh. Ngoài ra, có một bất cập là bộ cân này không thể hoạt động khi trời mưa.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng cho hay nếu chưa xác định rõ thì tạm thời chưa xử phạt vì đã xử phạt phải đảm bảo nghiêm minh và công bằng. 
 Trước một số kiến nghị của một số địa phương, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay, đối với những xe chở nông sản của bà con nông dân đi tiêu thụ thì trước mắt, chỉ xử phạt mà không bắt buộc hạ tải. Còn đối với hàng hóa là hàng tươi sống, xi măng tươi, xi măng rời…, thì Bộ sẽ phối hợp với các nghành chức năng cho ý kiến xử lý.
Nếu chạy đúng tải, việc gì phải “mãi lộ”?
Thanh tra Giao thông (TTGT) nhận “mãi lộ” là có nhưng ngược lại nếu không chở quá tải, quá khổ thì việc gì phải “mãi lộ”? Bộ GTVT sẽ tiếp thu ý kiến đó và sẽ nghiêm minh xử lý, nghiêm túc đưa ra những giải pháp đồng bộ nhằm ngăn chặn tình trạng trên. Một vấn đề nữa, phải đặt ngược lại, nếu không chở quá tải,không vi phạm luật giao thông thì chẳng vô cớ lực lượng CSGT và TTGT không có lí do gì mà dừng xe xử phạt? Với tinh thần cầu thị, Bộ GTVT luôn tiếp thu phản ánh về những tồn tại bất cập từ phía nhân dân và cơ quan báo chí, tuy nhiên rất mong sự phản ánh trung thực từ hai chiều nhằm chống tiêu cực trong lực lượng TTGT, phản ánh đúng vấn đề.Tôi xin hứa sẽ xử lý rất nghiêm với những trường hợp tiêu cực”. Bộ trưởng Bộ GTVT, Đinh La Thăng.

Đọc thêm