Chủ tịch xã “phân thân” ở bãi biển, phòng thi và câu chuyện bằng giả của cán bộ

(PLO) - Theo ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng QH, cần phải làm rõ vụ việc báo chí nêu về một vị chủ tịch xã “phân thân” vừa đi nghỉ mát, vừa có mặt ở phòng thi chính. Nếu là sự thật, cần cách chức cá nhân đó.
Chủ tịch xã “phân thân” ở bãi biển, phòng thi và câu chuyện bằng giả của cán bộ
- Tình trạng cán bộ thuê người thi hộ, học hộ để chuẩn hóa bằng cấp đang làm giảm niềm tin của người dân vào cơ quan công quyền. Mới đây nhất, báo chí đã phát hiện việc một vị chủ tịch UBND xã Uy Nỗ (huyên Đông Anh, Hà Nội) “phân thân” vừa đi nghỉ mát, vừa có mặt ở phòng thi. Ông nhận định về vấn đề này như thế nào?
- Ông Lê Như Tiến:  Không phải bây giờ mà từ khá lâu rồi, cứ mỗi đợt chuẩn bị tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiêm hay chuẩn bị đại hội các cấp, việc chạy bằng, thi hộ thậm chí không thi mà chạy bằng, có những trường hợp học giả có bằng thật, có trường hợp học giả, bằng giả hay có những trường hợp không học mà nhờ người thi hộ mà PV vừa nói. Rất nhiều dạng khác nhau, khi còn quá coi trọng về bằng cấp. 
Chúng ta phải xác định năng lực thực tế như thế nào, bằng cấp cũng chỉ một tiêu chí, nhưng không phải tiêu chí duy nhất. Vừa rồi, có một số người tự xưng danh đi học, tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài nhưng trên thực tế họ không tham gia học mà chỉ nộp tiền và ghi danh thôi. 
Ở đây thì ghi danh thôi nhưng sau một thời gian cũng có bằng cấp ở nước ngoài. Đó là bằng từ những công xưởng sản xuất bằng giả họ làm nên. Đó là vừa kiến thức giả, vừa bằng giả. Còn có những trường hợp như PV nói là bằng thật nhưng kiến thức giả bằng việc thuê người đi thi hộ, học hộ. Điều này, gióng lên hồi chuông cảnh báo là khi mà tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm mà quá coi trọng bằng cấp thì người ta sẽ cố có những bằng cấp họ cần bằng mọi giá.
Ở đây, cần phải có cơ quan kiểm định xem bằng đó có thật không. Mà kể cả bằng thật, thì còn phải xem kiến thức có giả không vì không đi học, không đi thi thì làm gì có kiến thức thật. Vì thế, không gì hơn, bằng chính năng lực thực tế mà ở các nước người ta bao giờ cũng làm bài text cụ thể, phỏng vấn xem năng lực của cán bộ thế nào. Thậm chí, các nước còn đưa ra các phương án để người dự tuyển trình bày phương án của người ta. Nếu được như thế thì mới tốt hơn.
- Nếu cán bộ đang đương chức mà phát hiện thuê người học hộ, thi hộ để có bằng cấp thì xử lý như thế nào, thưa ông?
- Ông Lê Như Tiến: Tôi nghĩ nếu phát hiện ra trường hợp này thì phải xử lý nghiêm theo Luật cán bộ, công chức và Luật Giáo dục. Luật giáo dục đã nói rõ, học phải thi thì mời được cấp bằng, chứng chỉ. Thế mà không học, không thi mà vẫn có bằng thì là vi phạm. Trường hợp này vừa vi phạm Luật cán bộ, công chức, vừa vi phạm quy định của Luật Giáo dục. Cán bộ công chức mà vi phạm như thế thì phải xử lý, mà tốt nhất là không để giữ vị trí đó nữa.
- Thực tế, hiện nay cũng có tình trạng các trường đại học mở các hệ đào tạo từ xa chỉ vì mục đích thu tiền mà không quan tâm đến chất lượng đào tạo, cũng như quản lý các học viên. Điều này cũng “mở đường” cho tình trạng học hộ, thi hộ?
- Ông Lê Như Tiến: Đúng vậy. Đây là một nguyên nhân từ phía các cơ sở đào tạo. Các cơ sở tạo mở ra rất nhiều và không kiểm soát được học viên của mình, như PV nói rất đúng, chủ yếu nhăm nhe là để thu tiền. Còn người đi học không học mà chỉ ghi danh với nộp tiền đầy đủ. Với tình trạng như thế thì chắc chắn không bảo đảm chất lượng đào tạo. Điều này cũng cảnh báo các cơ sở đào tạo. 
Nhưng quan trọng nữa là cảnh báo các cơ quan quản lý nhà nước cần phải có trách nhiệm hơn trong việc thanh tra, kiểm tra kịp thời uống nắn khi phát hiện những hiện tượng đó. Cùng với đó, nếu phát hiện ra những người có bằng mà không đi học, không đi thi thì hủy ngay bằng đó.
- Ngoài giải pháp tăng cường thanh tra, kiểm tra, có ý kiến cho rằng đã đến lúc phải quy hoạch xắp xếp lại việc đào tạo từ xa từ đầu nguồn. Ý kiến của ông như thế nào?
- Ông Lê Như Tiến: Qui hoạch, chuẩn hóa lại các cơ sở đào tạo là cần thiết vì hiện nhiều cơ sở đào tạo, đặc biệt liên kết nhưng không kiểm soát được chất lượng từ đội ngũ quản lý đến đội ngũ giáo viên. Không thể tỉnh nào cũng có cơ sở đào tạo theo phương thức đào tạo từ xa như thế, rõ ràng là chưa đáp ứng yêu cầu về nhân lực trình độ cao như hiện nay.
- Ông quan tâm nhiều và đã chất vấn Phó Thủ tướng về vấn đề tình trạng “cán bộ cắp ô”, đề án tinh giản biên chế 1 quá trình dài không giảm mà vẫn tăng…. theo ông, hiện cần giải pháp gì để chấn chỉnh?
- Ông Lê Như Tiến:  Nếu để hiện tượng như vậy thì gần như không có tác dụng trong bộ máy nhà nước thì thà tinh giản đi nhưng tinh giản như thế nào là vấn đề, có giải pháp đi kèm là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cần có lộ trình, thời gian thực hiện, mục tiêu là bao nhiêu, nếu chỉ nói chung chung thì không biết đến bao giờ mới tinh giản được.
- Cảm ơn ông!

Đọc thêm