Chu Vĩnh Khang: Con đường sụp đổ của một quyền lực

(PLO) - Thứ Sáu tuần trước (5/12/2014), các nhà chức trách Trung Quốc công bố một thông tin dù không bất ngờ nhưng vẫn gây rúng động: Chu Vĩnh Khang, cựu uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị đã bị bắt vì các cáo buộc từ đưa hối lộ đến “quan hệ ngoài luồng” với nhiều phụ nữ và làm lộ các bí mật nhà nước.

Chu là quan chức cấp cao nhất ngã ngựa trong chiến dịch chống tham nhũng bắt đầu từ cuối năm 2012 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình.
Hãy cùng PLVN nhìn lại những nấc thang đi tới quyền lực và sự sụp đổ của một “ông trùm” đã từng nắm giữ cả hệ thống công an, an ninh nhà nước, toà án và viện kiểm sát trong tay.
Những năm đầu đời
 
Cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc Chu Vĩnh Khang.
 Cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc Chu Vĩnh Khang.

Chu Vĩnh Khang sinh tháng 12/1942 trong một gia đình nghèo ở một làng hẻo lánh phía đông Trung Quốc. Ông ta là con cả trong một gia đình có ba anh em trai. Bố làm nghề bắt lươn.

Chu là một sinh viên chăm chỉ và đạt được thành tích học tập xuất sắc. Năm 1961, Chu thi đỗ vào Học viện Dầu khí Bắc Kinh, nay là Đại học Dầu khí Trung Quốc, theo học ngành khai thác dầu mỏ. Ông là đứa con duy nhất trong nhà đi học đại học.

Năm 1967, Chu được phái tới làm việc tại mỏ dầu Đại Khánh, đông bắc Trung Quốc, nơi ông này bắt đầu từng bước leo lên các nấc thang quyền lực.

Đến giữa những năm 80, Chu Vĩnh Khang được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Khai thác dầu khí Liêu Hà và là thị trưởng thành phố Panjin, tỉnh Liêu Ninh, trước khi được điều về giữ chức Thứ trưởng Bộ Dầu khí ở Bắc Kinh.

Lên đỉnh cao quyền lực

Tại Bắc Kinh, Chu được điều về làm việc tại Tập đoàn dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC). Chu đã làm việc tại doanh nghiệp nhà nước đầy quyền lực này suốt một thập niên và trong hai năm cuối ở đây, ông ta đã leo lên cương vị người đứng đầu.

Sau một thời gian ngắn giữ chức Bộ trưởng Bộ Đất đai và Tài nguyên, Chu được đề bạt làm Bí thư Tỉnh uỷ Tứ Xuyên, một tỉnh đông dân ở tây nam Trung Quốc.

Chỉ trong ba năm ở Tứ Xuyên, Chu Vĩnh Khang đã xây dựng được một cơ sở quyền lực vững chắc với những người được Chu bảo trợ.

Năm 2002, Chu trở lại Bắc Kinh, được bầu vào Bộ Chính trị và trở thành Bộ trưởng Bộ Công an. 5 năm sau đó, Chu Vĩnh Khang đã vươn tới đỉnh cao nhất trong sự nghiệp chính trị của mình khi giành được một ghế trong chín ghế của Ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực tối cao của Trung Quốc.

Ông Chu được xem là "ông trùm" ngành an ninh Trung Quốc, từng là Chủ nhiệm ủy ban Chính pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
 Ông Chu được xem là "ông trùm" ngành an ninh Trung Quốc, từng là Chủ nhiệm ủy ban Chính pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Chu được biết tới như ông trùm ngành an ninh, nhân vật quyền lực thứ ba trong Đảng Cộng sản Trung Quốc cho tới tận khi nghỉ hưu vào năm 2012.

Chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” của ông Tập

Ngay sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 11/2012, ông Tập đã phát động một chiến dịch mạnh tay trấn áp tham nhũng.

Người đứng đầu Trung Quốc cảnh báo rằng chống tham nhũng đã trở thành vấn đề sống còn đối với sự tồn vong của đảng cầm quyền, bởi tham nhũng đã làm xói mòn nghiêm trọng lòng tin của dân chúng vào đảng, thách thức tính chính danh của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ông Tập đã thề sẽ truy đuổi cả “hổ” và “ruồi”, tức là đồng thời nhắm tới cả các quan chức cấp cao và quan chức cấp thấp.

Năm nay, chiến dịch này cũng bắt đầu truy vết “các con cáo”, tức các quan chức tham nhũng đã chuồn ra nước ngoài, mang theo tài sản ăn hối lộ.
Nhiều nhân vật của công chúng bắt đầu đồn đoán chiến dịch sẽ nhắm vào những quan chức cấp cao nhất – cụ thể là những uỷ viên thường trực Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn chưa ám chỉ đến một vị lãnh đạo cấp cao nào, vì luật lệ bất thành văn lâu nay trong Đảng nhằm bảo vệ sự thống nhất trong Đảng.

Sự sụp đổ của Chu Vĩnh Khang

Chu chính thức nghỉ hưu tháng 11/2012 tại Đại hội Đảng lần thứ 18. Đây cũng là đại hội đã đưa ông Tập lên vị trí Tổng bí thư đảng trong một cuộc chuyển giao quyền lực mười năm một lần.

Chỉ 18 ngày sau khi đại hội Đảng kết thúc, Lý Xuân Thành, phó Bí thư tỉnh uỷ Tứ Xuyên, một trong những tay chân thân tín của Chu, bị điều tra vì tội tham ô.

Sự kiện này làm dấy lên những đồn đoán rằng Chu Vĩnh Khang sẽ là mục tiêu kế tiếp.

Trong vài tháng tiếp đó, nhiều đệ tử trung thành của Chu ở Tứ Xuyên và trong ngành dầu khí đã ngã ngựa hàng loạt do các cáo buộc tham nhũng.

Chu Vĩnh Khang (trái) và cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai, người đã bị Trung Quốc tuyên án vì tham nhũng. Ông Bạc vẫn được xem là đồng minh chính trị thân cận của ông Chu.
 Chu Vĩnh Khang (trái) và cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai, người đã bị Trung Quốc tuyên án vì tham nhũng. Ông Bạc vẫn được xem là đồng minh chính trị thân cận của ông Chu.

Lần cuối cùng Chu Vĩnh Khang xuất hiện trước công chúng là tháng 10/2013. Lãnh đạo Đảng Trung Quốc đã phát động cuộc điều tra chính thức đối với Chu vào tháng 12/2013, mặc dù tin tức về cuộc điều tra không hề được công khai.

Báo chí cho hay họ hàng của Chu Vĩnh Khang đã bị các nhân viên điều tra tham nhũng đưa đi. Các bản tin cũng cho hay ngày càng nhiều tay chân của Chu bị điều tra về tội tham nhũng.

Vào tháng 7 năm nay, các nhà chức trách chính thức nêu cáo buộc chống lại Chu và đặt nhiều đệ tử của ông này vào tầm ngắm. Và đến nửa đêm ngày Thứ Sáu tuần trước (5/12/2014), Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc đã khai trừ Chu ra khỏi đảng và các công tố viên tuyên bố Chu đã bị bắt giam, chính thức khởi động tiến trình pháp lý chống lại ông trùm công an một thời.

Điều gì đang chờ đợi Chu Vĩnh Khang?

Các nhà chức trách đã cáo buộc Chu nhận hối lộ tiền, quà biếu… với số lượng lớn, dính líu vào các mối quan hệ bất chính với nhiều phụ nữ và làm lộ bí mật nhà nước. Ông này chắc chắn sẽ bị truy tố, xét xử và kết án.

Các nhà phân tích cho rằng án tù chung thân hoặc tử hình nhưng được hoãn thi hành án 2 năm sẽ là mức án đối với ông Chu Vĩnh Khang (giữa).
 Các nhà phân tích cho rằng án tù chung thân hoặc tử hình nhưng được hoãn thi hành án 2 năm sẽ là mức án đối với ông Chu Vĩnh Khang (giữa).
Có một dòng trong thông báo chính thức nói rằng các nhà điều tra đã tìm ra một số chứng cứ phạm tội khác, ngụ ý rằng các công tố viên có thể thương lượng với Chu để áp đặt một án tử hình treo (tuyên án tử hình, được hoãn thi hành án 2 năm), tuỳ thuộc vào mức độ hợp tác của Chu.
Hiện vẫn chưa rõ liệu phiên toà xử Chu sẽ được công khai đến mức nào.

Một số nhà phân tích lưu ý rằng, với cáo buộc làm lộ các bí mật nhà nước, rất có thể các nhà chức trách có cớ để xử kín, tránh khả năng làm lộ một số chuyện nội bộ không mấy hay ho ở cấp cao nhất của đảng.

Theo các nhà phân tích, Chu có thể sẽ nhận án tử hình treo hoặc án tù chung thân. Án tử hình treo thường được giảm xuống thành án tù chung thân.

Đọc thêm