Chưa yên tâm về cơ chế bảo vệ người tố cáo

(PLO) - Thảo luận về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) tại Quốc hội chiều qua (16/6), nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) băn khoăn khi việc tố cáo có thể gây nguy hiểm tới bản thân người tố cáo và gia đình của họ nhưng “còn chưa yên tâm” về cơ chế bảo vệ người tố cáo và người thân của họ trong dự thảo Luật.
Chưa yên tâm về cơ chế bảo vệ người tố cáo

Phải xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan

Theo ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Ninh Thuận), dự thảo Luật quy định người tố cáo và người thân của người tố cáo được quyền yêu cầu người giải quyết tố cáo, cơ quan công an nơi họ cư trú, học tập, làm việc phải áp dụng các biện pháp bảo vệ họ, nhưng trong thực tế rất khó thực hiện. Bởi, trong trường hợp này, cơ quan giải quyết tố cáo hay cơ quan công an phải xác minh xem yêu cầu bảo vệ của họ có căn cứ hay không nhưng luật lại không quy định rõ cơ quan nào sẽ ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ. 

Trong khi đó, ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) chỉ ra rằng nội dung bảo vệ người tố cáo có liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước của nhiều cơ quan. Do vậy để đảm bảo các quy định chặt chẽ, khả thi thì phải xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan nhà nước, từng cơ quan trong việc bảo vệ người tố cáo; xác định rõ trình tự, thủ tục để người tố cáo thực hiện quyền yêu cầu cơ quan nhà nước bảo vệ. Đặc biệt, ĐB đề nghị làm rõ các biện pháp để cơ quan nhà nước áp dụng bảo vệ người tố cáo, nhân thân người tố cáo, đồng thời quy định rõ các điều kiện đảm bảo để bảo vệ người tố cáo cũng như xử lý các hành vi vi phạm trong bảo vệ người tố cáo, nhất là trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng. 

Liên quan đến một khía cạnh khác trong việc bảo vệ người tố cáo, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Ninh Thuận) đề nghị quy định những biện pháp cụ thể hơn về giữ bí mật thông tin cho người tố cáo, nhất là trong trường hợp người tố cáo gửi đơn tố cáo đến không đúng người hay cơ quan có thẩm quyền giải quyết vấn đề tố cáo.

Còn ĐB Điếu Huỳnh Sang (Bình Phước) đề nghị quy định rõ trách nhiệm cá nhân của các tổ chức tiếp nhận đơn thư tố cáo trong việc bảo vệ thông tin người tố cáo. Vì theo ĐB, do mô hình cơ quan, tổ chức tiếp nhận, xử lý đơn thư, giải quyết tố cáo thường là các tập thể với nhiều bộ phận khác nhau nên nếu không quy định cụ thể trách nhiệm cá nhân của những người có liên quan đến quá trình tiếp nhận, xử lý và giải quyết tố cáo thì khó thực hiện được.

Liên quan đến các hình thức tố cáo, một số ĐB lo ngại nguồn thông tin tiếp nhận được sẽ chưa toàn diện, chưa đáp ứng tính kịp thời, công tác quản lý nói chung cũng như việc xử lý, ngăn chặn các sai phạm do cán bộ, công chức gây ra sẽ bị hạn chế nếu không chấp nhận những hình thức tố cáo phổ biến trong giao dịch hiện nay như fax, email.

Đồng thời với việc nên thừa nhận nhiều hình thức tố cáo, ĐB Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) nhận định: “Đã ở thế kỷ 21 rồi, cách mạng công nghệ lần thứ 4 rồi mà vẫn chỉ quy định tố cáo bằng đơn và trực tiếp thì rất lạc hậu so với nhân loại mấy nghìn năm trước”. Nhiều ĐB cũng bày tỏ đồng tình với đề xuất này để tránh vô hình trung hạn chế quyền của công dân trong việc thực hiện quyền tố cáo cũng như gây suy nghĩ cho rằng có tư tưởng “không quản được thì cấm”.

Nhất trí không xem xét tố cáo nặc danh nhưng ĐB Phạm Đình Cúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng với những đơn tố cáo nặc danh nhưng có gửi theo bằng chứng thì cơ quan có thẩm quyền phải tổ chức xác minh để tránh bỏ lọt tội phạm. Tuy nhiên, ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) lại ủng hộ ý kiến của ban soạn thảo, theo đó quy định không giải quyết tố cáo nặc danh vì nếu quy định sẽ không thể giải quyết hết, trong khi lại không đề cao trách nhiệm của người tố cáo, không có căn cứ để xác định trách nhiệm của người tố cáo sai.

Theo giải trình của Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, cơ quan soạn thảo sẽ bổ sung việc xem xét giải quyết tố cáo đối với các hình thức thư điện tử và các hình thức đơn thư điện tử khác có ghi tên rõ ràng. Đối với đơn thư tố cáo nặc danh sẽ được xem xét xử lý theo trình tự khác.

Đưa nợ công về một đầu mối để thống nhất quản lý

Đó là quan điểm của nhiều ĐBQH khi thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) sáng 16/6. Theo ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ): “Không thể chối cãi là một đầu mối sẽ tốt hơn, thuận lợi hơn ba đầu mối vì gắn được trách nhiệm vay, trách nhiệm phân bổ, trách nhiệm sử dụng với trách nhiệm cân đối nguồn và trách nhiệm trong thất thoát, lãng phí”. Bên cạnh đó, khi gộp bộ phận quản lý nợ công của nhiều cơ quan về một cơ quan sẽ giảm được biên chế, tăng tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức.

Ngoài ra, gom quản lý nợ công về một đầu mối sẽ tăng niềm tin và giảm phiền hà cho người cho vay, do chỉ phải làm việc với một đầu mối, từ đó mang lại những lợi ích từ chi phí vay và điều kiện vay. 

Bày tỏ trăn trở về việc nợ công tăng cao, áp lực trả nợ lớn, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho rằng nợ công phải được công khai và cập nhật liên tục. Nợ công và đầu tư công có gắn kết chặt chẽ với nhau, đầu tư hiệu quả thì mới kéo giảm được nợ công. Đầu tư phải có trọng điểm, hiệu quả, lợi ích và có tính lan tỏa.

Để đảm bảo quản lý nợ công, ĐB Ngân đề nghị phải tăng cường giám sát doanh nghiệp nhà nước. “Cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước. Nhưng vừa qua cứ doanh nghiệp nhà nước mà lời thì ta làm trước, dẫn đến thất thoát, trong khi vấn đề tồn đọng nhất mà chúng ta phải tập trung đó là các doanh nghiệp yếu kém, phá sản, đắp chiếu phải giải quyết”. 

Đọc thêm