Chuẩn mực và trách nhiệm trên mạng xã hội là đạo đức nhà báo

(PLO) - Ngoài những nền tảng chuẩn mực cơ bản, 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp còn nhấn mạnh tới trách nhiệm của nhà báo trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sự kiện Hội Nhà báo Việt Nam công bố 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo cách đây ít lâu đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ dư luận và người trong nghề. Theo đó, từ ngày 1/1/2017, Luật Báo chí 2016 sẽ bắt đầu có hiệu lực và quy định đạo đức người làm báo đã bổ sung, sửa đổi cũng sẽ được thực thi cùng lúc với Luật Báo chí. 

Những “vết đen” làm suy thoái lòng tin 

Thời gian qua, làng báo có không ít sự kiện buồn, trong đó đáng nhớ gần đây là việc Bộ Thông tin và Truyền thông kiên quyết xử lý nhiều tờ báo vi phạm, kỷ luật, thu nhiều thẻ nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Điều này cho thấy đã và đang có một bộ phận nhà báo cố tình bỏ quên lương tâm và trách nhiệm của người cầm bút. Dù đây chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng rõ ràng nó đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến những nhà báo hoạt động chân chính, gây ra “vết đen” làm suy thoái lòng tin trong công tác truyền thông.

Nhằm đáp ứng với tình hình mới của đời sống xã hội và đời sống báo chí, trên cơ sở thực hiện Điều 8 của Luật Báo chí 2016, Hội Nhà báo Việt Nam đã chủ trương xây dựng Bộ Quy định đạo đức nghề nghiệp mới sao cho phù hợp với Hiến pháp 2013, “bắt nhịp” cùng Luật Báo chí 2016. Sau nhiều lần lấy ý kiến đánh giá, thảo luận, đặc biệt là tại Hội nghị lần thứ 5 -  Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam (khoá X) các nhà báo đã đánh giá cao và thống nhất tuyệt đối về những nội dung đã được đưa ra trong quy định 10 điều đạo đức nghề nghiệp. Dẫn như vậy để thấy rằng, việc ban hành Bộ Quy định đạo đức là hết sức cấp bách và cần thiết.

So với các quy ước được ban hành trước đây, lần này Bộ Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo tập trung nhiều điểm mới, mang hơi thở thời đại. Rõ nhất là Điều 5 của Bộ Quy định về việc “chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác”. Trước đây, nhiều thông tin chưa được kiểm chứng như: ăn bưởi gây ung thư, trứng có HIV, dùng chổi quét để giả rau sạch… đã gây rối loạn đời sống xã hội. Để khắc phục hạn chế này, Quy định đạo đức người làm báo Điều 5 đã nêu rõ về “chuẩn mực” và “trách nhiệm” khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác. Đây là điểm mới, rất cần thiết. Nó sẽ thúc đẩy nhà báo hướng tới và bảo vệ những giá trị có tính phổ quát, nền tảng nhân văn phát sinh trên mạng xã hội. 

Ở một khía cạnh khác, có quan điểm trái chiều cho rằng, việc quy định hướng ứng xử của nhà báo trên mạng xã hội đã gián tiếp hạn chế quyền tự do ngôn luận. Nói cách khác, với quy định này, phát ngôn của nhà báo trên mạng xã hội cũng phải chịu sự điều chỉnh khắt khe theo các quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Phản bác quan điểm này, trả lời báo chí trước đó, ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Quy định này hoàn toàn không hạn chế quyền tự do ngôn luận của nhà báo mà còn khuyến khích các nhà báo tích cực tham gia mạng xã hội với tinh thần nghiêm túc, đấu tranh với cái ác, xấu, bất công, thiếu chuẩn mực trong xã hội. 

Ông Lợi cũng nhấn mạnh rằng, quy định đạo đức nghề nghiệp dựa trên nền tảng rất chung đó là các giá trị đã được xã hội thừa nhận. Với tiêu chí “chuẩn mực” và “trách nhiệm” trên mạng xã hội đã góp phần chỉ ra rõ ràng cái gì trong xã hội tất cả đều thừa nhận là đúng hoặc không đúng thì những người làm báo cũng phải nhận thức rõ được điều đó để không những bản thân mình nhận thức đúng mà còn định hướng dư luận xã hội. 

Lý giải quan điểm này trên khía cạnh luật pháp, một luật sư cho biết, hiện nay, pháp luật không cấm việc chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Người dùng mạng được tự do chia sẻ thông tin cho người khác, đưa ra những suy nghĩ, quan điểm cá nhân về bất kì vấn đề nào. Song, việc chia sẻ cần phải được chọn lọc, cân nhắc. Hành vi vô ý chia sẻ thông tin sai lệch sẽ khó bị xử phạt. Tuy nhiên, nếu người dùng mạng xã hội cố ý chia sẻ những thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức thì sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm. Cụ thể, theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP, hành vi tung tin sai sự thật gây hoang mang trong xã hội vi phạm quy định pháp luật về thông tin trên mạng, có thể bị xử phạt từ 10 đến 15 triệu đồng điểm a khoản 3 Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP.

Cần rèn luyện đạo đức từ gốc

Ngẫm cho cùng, báo là nghề đặc thù. Nhà báo phải luôn giữ tâm nghề, tự đổi mới chính mình nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh, trung thực, khách quan phục vụ kịp thời quyền lợi của công chúng. Duy trì “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” để làm được những điều này cần sự vào cuộc và rèn luyện đạo đức từ gốc. Hay nói cách khác, nền móng đạo đức muốn được xây vững chắc phải bắt đầu bằng việc trau dồi từ các cơ sở đào tạo báo chí. 

Một thực tế hiện nay là, số nhà báo được đào tạo bài bản, năng lực tác nghiệp chuyên nghiệp hầu hết đều đầu quân cho những cơ quan báo chí có uy tín, kể cả các cơ quan báo chí của nước ngoài thường trú tại Việt Nam. Và những cơ quan báo chí sử dụng đội ngũ nhà báo được đào tạo chuyên nghiệp thường ít phải xử lý các vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp do phóng viên của mình gây ra.

Dù vậy, vẫn tồn tại “bức tranh” trái ngược là số ít toà soạn tuyển chọn phóng viên đại trà, rồi tự huấn luyện để phục vụ nhu cầu về một mặt nào đó như quảng cáo, bảo trợ truyền thông… Với cách phát triển “đốt cháy giai đoạn” như trên, tòa soạn vô tình đã trao vào tay của những người không được trang bị tri thức, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp công cụ truyền thông quan trọng. Và sẽ thực sự nguy hiểm nếu trao nhầm cho các đối tượng hoạt động báo chí với mục đích vụ lợi.

Khách quan nhìn nhận, hiện các cơ sở đào tạo về báo chí đều đưa các môn học liên quan đến đạo đức nghề nghiệp vào giảng dạy. Ví dụ dễ thấy nhất là các môn học như: Lý thuyết truyền thông, Cơ sở lý luận báo chí, Lao động nhà báo, Tác phẩm báo chí… Các môn học chuyên về kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp này là cần thiết. Nó tạo ra nền tảng vững chắc để hoạt động báo chí bớt dần những vi phạm. 

Bất cứ thời điểm nào, niềm tin của công chúng đối với nghề báo, nhà báo cũng hết sức quan trọng. Bởi vậy, đạo đức luôn là vấn đề cốt lõi, sống còn của người làm báo. Thế nên, khi làm nghề, bất cứ ai cũng phải nêu cao được đạo đức nghề nghiệp. Duy trì điều này cũng là thực hiện trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, bảo đảm thông tin cho nhân dân, đáp ứng nhu cầu thời sự, nhân văn.

10 quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 1/1/2017)

1.Trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân; góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

2.Nghiêm chỉnh thực hiện Hiến pháp, Luật Báo chí, Luật Bản quyền và các quy định của pháp luật. Thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; nội quy, quy chế của cơ quan báo chí nơi công tác.

3.Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi. Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc.

4.Nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người. Không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.

5.Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.

6.Bảo vệ bí mật quốc gia, bí mật nguồn tin theo quy định của pháp luật.

7.Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.

8.Tích cực học tập, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, ngoại ngữ, phấn đấu vì một nền báo chí dân chủ, chuyên nghiệp và hiện đại.

9.Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; Bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

10.Những người làm báo Việt Nam cam kết thực hiện những quy định trên, đó là bổn phận và nguyên tắc hành nghề, là lương tâm và trách nhiệm của người làm báo.

Đọc thêm