Chuỗi hoạt động chào mừng Quốc lễ Giỗ Tổ tại TP HCM

(PLVN) - Thông qua một cuộc triển lãm thông tin về Khu tưởng niệm các Vua Hùng tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP HCM, nhiều bạn trẻ đã được biết đến các hoạt động của Khu tưởng niệm cũng như những thông tin thú vị khác về lịch sử các Vua Hùng.
Khu tưởng niệm các Vua Hùng nằm trong khuôn viên Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc (quận 9, TP HCM).
Khu tưởng niệm các Vua Hùng nằm trong khuôn viên Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc (quận 9, TP HCM).

Hàng loạt sự kiện  

Mới đây, TP HCM đã tổ chức Triển lãm Khu tưởng niệm các Vua Hùng (diễn ra từ ngày 5-15/4) tại Nhà văn hóa Thanh niên, nhân kỉ niệm 5 năm hoạt động Khu Tưởng niệm các vua Hùng. Đây cũng là hoạt động trong chuỗi những hoạt động nhằm chào mừng quốc lễ Giỗ Tổ Vua Hùng, mang lại nhiều hào hứng cho người dân TP, đặc biệt là giới trẻ.

Tại cuộc Triển lãm, Ban tổ chức đã giới thiệu hơn 70 hình ảnh về quá trình hình thành và xây dựng Khu tưởng niệm các Vua Hùng cùng các sự kiện, lễ hội diễn ra tại đây trong hơn 5 năm qua. Gồm: Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm, lễ dâng cúng bánh Tét, lễ hội Xuân phương Nam do Thành ủy, Ủy ban nhân dân, Uỷ ban MTTQ tổ chức cùng các hoạt động đội nhóm, câu lạc bộ, sinh hoạt hội trại…

Buổi triển lãm cũng giúp cho người dân và giới trẻ có thêm rất nhiều thông tin thú vị về Khu tưởng niệm các Vua Hùng. Đó là kiến trúc đặc sắc, độc đáo với nhiều khu chức năng: Nhà văn bia, đường tre... Trong đó, Nhà văn bia tọa lạc ở đoạn giữa từ cổng khu tưởng niệm đến đền thờ chính. Nội dung văn bia ca ngợi công đức của tổ tiên, nói lên nguyện vọng của người con phương Nam luôn hướng về nguồn và niềm tự hào lịch sử, truyền thống đấu tranh của dân tộc.

Khu tưởng niệm các Vua Hùng cũng là nơi để các cán bộ viên chức, sinh viên học sinh đến thăm quan, tìm hiểu, học tập truyền thống lịch sử văn hóa dân tộc, thắp hương thành kính trước Quốc tổ Hùng Vương.

Khu tưởng niệm các Vua Hùng nằm trong khuôn viên Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc (quận 9, TP HCM), đã được đưa vào phục vụ nhân dân TP HCM và các tỉnh lân cận từ Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương mồng 10 tháng 3 năm Kỷ Sửu (tức ngày 4/4/2009). Trong các năm qua, Ban quản lý Khu Tưởng niệm các Vua Hùng đã tổ chức thành công các lễ hội và sự kiện lớn như: Lễ hội Tết Nguyên đán; Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương; các ngày vía Nhân thần, Nhiên thần; các ngày lễ kỷ niệm 30/4, 01/5, 19/5, 2/9, 1/6…

Năm nay, chương trình Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2019 tại Khu Tưởng niệm các Vua Hùng sẽ diễn ra hàng loạt sự kiện gồm: Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Hội trại Tự hào nòi giống Tiên Rồng, trò chơi dân gian, hội sách, biểu diễn võ thuật, múa rối... với quy mô và hình thức đặc sắc.

Cơ hội tìm hiểu nguồn cội, tổ tiên

Trở lại với triển lãm Khu tưởng niệm các Vua Hùng tại Nhà văn hóa Thanh niên, đây cũng là một hoạt động hết sức hữu ích nhằm giới thiệu Khu tưởng niệm đến với giới trẻ.

Có mặt tại buổi triển lãm, Võ Thị Trang, sinh viên Đại học Văn Lang chia sẻ: “Trước đây em chỉ biết thông tin có Khu tưởng niệm các Vua Hùng ở TP nhưng chưa bao giờ đến. Do có tham gia sinh hoạt tại NVH nên em tình cờ biết đến buổi triển

lãm, từ đó hiểu được hoạt động thú vị của Khu tưởng niệm. Từ đó em và các bạn trong đội của mình có mong muốn Lễ Giỗ Tổ này sẽ đến tham gia các chương trình thú vị sẽ diễn ra sắp tới”.

Phạm Thị Thảo Nguyên, 25 tuổi, nhân viên kế toán công ty Join Việt Nam hào hứng: “Em nghĩ, là người Việt thì nên có sự tìm hiểu về nguồn cội, tổ tiên. Việt Nam có lịch sử dựng nước và giữ nước lâu đời. Tuy nhiên, về sau, một số người trẻ không quan tâm nhiều đến lịch sử dân tộc mà hầu như chỉ để ý đến các vấn đề đời sống hàng ngày.

Chính vì vậy những công trình như Khu tưởng niệm sẽ là những điểm đến hữu ích cho giới trẻ tham quan, tìm hiểu về lịch sử dân tộc, đồng thời khơi gợi niềm tự hào dân tộc trong lòng giới trẻ. Giới trẻ tụi em không phải không quan tâm đến lịch sử dân tộc, chỉ là không có cơ hội để tìm hiểu, tiếp xúc mà thôi”.

Theo đại diện NVH Thanh niên, thời gian diễn ra triển lãm, khá đông bạn trẻ đến tham quan và tỏ ra hào hứng với những nội dung triển lãm. 

“Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu; thể hiện rõ lòng tôn kính tổ tiên… Đặc biệt, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn thể hiện sự liên kết chặt chẽ giữa giá trị tâm linh của cả một dân tộc với những giá trị khoa học, điều đó đã minh chứng cho sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt Nam trong dòng chảy đương đại.

Đó là đánh giá của chuyên gia Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) về giá trị của Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam” mà Tổ chức này vinh danh vào ngày 6/12/2012.

Nét tiêu biểu và đậm đà bản sắc nhất của tín ngưỡng này là vào đúng ngày 10 tháng Ba (âm lịch) hằng năm, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được cử hành tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh (xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) và ở các địa phương khác trong cả nước.

Hiện cả nước có khoảng 1.417 di tích có thờ cúng Hùng Vương và các nhân vật thời Vua Hùng, riêng tỉnh Phú Thọ có gần 330 cơ sở. Bên cạnh đó, cộng đồng người Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới cũng thờ cúng Hùng Vương. 

Đọc thêm