Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới: Cần lùi thời điểm triển khai

(PLO) - Đề nghị trên được đưa ra hôm qua (13/10), tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khi cho ý kiến về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của QH về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới: Cần lùi thời điểm triển khai

Tiền đề quan trọng của công cuộc đổi mới

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ, thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của QH và Quyết định 404 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã tiến hành nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước có nền giáo dục phát triển; tổ chức nhiều hội thảo về xây dựng, biên soạn chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển năng lực học sinh...

Tuy nhiên, tiến độ thực hiện việc xây dựng, thẩm định, thực nghiệm và ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới (gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học) chưa bảo đảm theo lộ trình đặt ra tại Nghị quyết 88 và Quyết định 404. Nguyên nhân là do công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện có lúc còn lúng túng; quá trình dự thảo chương trình mới và lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân nảy sinh những quan điểm khác nhau, thậm chí trái chiều nên cần thêm thời gian để lắng nghe, chắt lọc, tiếp thu, đồng thời giải thích, tuyên truyền tạo sự đồng thuận của xã hội...

Với các lý do trên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kiến nghị Quốc hội cho phép sửa đổi, bổ sung các chính sách về nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong quá trình xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục nhằm tạo thuận lợi và động lực cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới. Cùng với đó, Quốc hội cần tăng cường giám sát UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT chuẩn bị và triển khai chương trình, sách giáo khoa mới, đặc biệt là xây dựng và thực hiện kế hoạch bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông; quy trình tuyển dụng, luân chuyển và điều động giáo viên và các chính sách tạo động lực cho giáo viên; kế hoạch đầu tư tăng cường cơ sở vật chất. “Đây là tiền đề quan trọng để công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông thành công”, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.

Cũng theo người đứng đầu ngành Giáo dục, Chính phủ đề nghị UBTVQH và QH xem xét, cho phép giãn tiến độ 1 năm; thời gian bắt đầu triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học trên phạm vi toàn quốc đối với cấp Tiểu học từ năm học 2019-2020, đối với cấp THCS từ năm học 2020-2021 và đối với cấp THPT từ năm học 2021-2022. 

“Theo phương án mới nêu trên sẽ có thêm thời gian dành cho việc biên soạn, thẩm định, thực nghiệm các chương trình môn học; biên soạn, thẩm định, thực nghiệm sách giáo khoa mới; bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên về phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo định hướng phát triển năng lực người học; đào tạo giáo viên dạy các môn học mới, chưa có trong chương trình hiện hành; rà soát, sắp xếp, điều chỉnh, bổ sung cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện có của các cơ sở giáo dục phổ thông; bảo đảm sự tham gia và cạnh tranh công bằng giữa các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa, góp phần thực hiện tốt chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa”, Bộ trưởng Nhạ lý giải.

Phải xác định rõ nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH cho rằng, do việc triển khai xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới và các điều kiện bảo đảm đã bị chậm nên kiến nghị về lùi thời điểm áp dụng chương trình mới là cần thiết để có đủ thời gian chuẩn bị, tạo sự đồng thuận trong xã hội khi triển khai đại trà. Nội dung này cũng đã được các đại biểu thành viên Ủy ban đặt ra tại các phiên làm việc với Bộ GD&ĐT tháng 5 và tháng 9/2017.

 “Tuy nhiên, đây là nội dung quan trọng, Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ và Bộ GD&ĐT cần đánh giá nghiêm túc những công việc đã thực hiện, xác định đầy đủ nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ so với kế hoạch ban đầu; tính toán kỹ lưỡng khối lượng công việc còn lại và thời gian cần thiết để thực hiện, có sự lưu tâm thỏa đáng đến khả năng đáp ứng (cả cấp trung ương và địa phương) cũng như những khó khăn, thách thức có thể ảnh hưởng đến kế hoạch thực hiện”, Báo cáo Thẩm tra nêu rõ.

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến thành viên UBTVQH cơ bản tán thành với kiến nghị của Chính phủ về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 cũng như việc đề nghị Chính phủ cần làm rõ, giải trình thêm một số nội dung về nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm tiến độ. Đặc biệt, phản ánh rõ những tác động sẽ có khi lùi 1 năm đối với ngân sách nhà nước. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, Chính phủ, Bộ GD&ĐT cần có thêm tờ trình riêng về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới. 

Đọc thêm