Chuyện bất ngờ trên đảo Trường Sa

(PLO) - Tôi và anh ôm nhau thật chặt, cái ôm của người hậu phương với những người lính nơi đảo xa. Anh dặn: “Qua thăm chị dặn chị cứ yên tâm em nhé! Anh sẽ hoàn thành nhiệm vụ để sớm về bên ba mẹ con”.
Giáp Tết Nhâm Thìn (2012), tôi nhận nhiệm vụ viết bài về hậu phương của một người lính đang công tác tại Trường Sa. Đó là tổ ấm của Thiếu tá hải quân Trương Phúc Hải (SN 1969, quê Hà Nam), cán bộ Quân chủng Hải quân, đang công tác tại đảo Trường Sa Đông, quần đảo Trường Sa. 
Thiếu tá hải quân Trương Phúc Hải
Thiếu tá hải quân Trương Phúc Hải
Niềm vui từ hậu phương
Trong căn nhà nhỏ chưa tới 10m2 tại khu tập thể E5 Thanh Xuân Bắc, tôi gặp chị Đường Thị Toàn (vợ anh Hải) cùng hai cháu Trương Thị Khánh Linh (SN 2000) và Trương Phúc Quốc Khánh (SN 2002). Hai cháu rất ngoan và học giỏi nên chị Toàn rất yên tâm công việc. Trong những lá thư chị gửi ra ngoài đảo xa, không thể thiếu những dòng chữ của con trẻ, thậm chí là những bài kiểm tra được điểm 9,10 của hai con. 
Chị Toàn cho hay, sau giờ làm nhiệm vụ, anh dành nhiều thời gian gọi điện về cho vợ và các con, kể chuyện biển đảo, kể những lần đi làm nhiệm vụ. Chính tình cảm nồng ấm ấy của anh đã tiếp thêm cho mẹ con chị Toàn nhiều động lực trong công việc và học tập.
Một thời gian sau, bất ngờ tôi được tòa soạn cử đi công tác tại quần đảo Trường Sa - một niềm vui không phải người làm báo nào cũng có… Tôi lên đường mà không hề biết rằng, có một sự bất ngờ đang đợi mình ở Trường Sa.
Mái ấm nhỏ của vợ chồng anh Hải-chị Toàn
Mái ấm nhỏ của vợ chồng anh Hải-chị Toàn
Bất ngờ nơi đảo xa
Giữa đảo Trường Sa Đông đầy nắng và gió của tháng 4/2012, tôi mải mê nhìn theo những khuôn mặt rạng rỡ của các anh lính hải quân đang chăm chú theo dõi một tiết mục văn nghệ. Từng nghe các anh chị đã đặt chân đến đây nói rằng “Trường Sa có bàng vuông rất quý vì chỉ ở đây mới có”, đang loay hoay nhìn những tán bàng vuông thì một sĩ quan Hải quân đến đưa cho tôi một gói nhỏ nói: “Tặng em món quà của Trường Sa”. 
Thật là “món quà” bất ngờ, một quả bàng vuông! Niềm vui khôn tả nhưng tôi thắc mắc, ai tặng mình bàng vuông trong khi đoàn đi rất đông người? Theo về đến phòng của anh, một chiến sĩ nói: “Anh tìm Thiếu tá Trương Phúc Hải à? Anh ấy hôm nay trực chiến nên chắc lát nữa mới về?”. Tôi chợt giật mình: “Đồng chí nói anh ấy tên là Trương Phúc Hải à? Ở đảo Trường Sa Đông có mấy sĩ quan hải quân tên như anh ấy?”. 
Người chiến sĩ trẻ cười tươi: “Chỉ có mình anh Hải tên như vậy thôi nhà báo ạ! Anh là người quen hay là người nhà của Thiếu tá Hải ạ?”. Tôi vui mừng, luống cuống: “Đúng rồi, vừa quen, vừa như người nhà vậy! Mình đã từng đến thăm chị và các cháu của anh ấy”. 
Tôi ngồi đợi anh về. Nhìn quanh phòng, chiếc giường đơn ngăn nắp, gọn gàng đúng với tác phong người lính, trên đầu giường là ảnh ba mẹ con chị Toàn, bên dưới bức ảnh là những dòng chữ ngay ngắn của Khánh Linh và Quốc Khánh gửi cho bố…
Gần một tiếng sau anh Hải hoàn thành ca trực. Gặp tôi, anh cười ngay: “Có phải em là Trìu không? Anh là Trương Phúc Hải, chồng của chị Toàn đây!”. Ngay sau cái gật đầu của tôi, anh ôm tôi thật chặt: “Thật là vui lắm! Em ra đây công tác mà anh như gặp người thân ra thăm mình vậy. Nhờ bài báo của em viết về ba mẹ con mà anh ở ngoài đảo xa cũng thấy ấm lòng khi biết tổ ấm nhỏ của mình nhận được sự quan tâm của mọi người”. 
Tác giả và Thiếu tá hải quân Trương Phúc Hải tại cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa Đông

Tác giả và Thiếu tá hải quân Trương Phúc Hải

tại cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa Đông 

Nói đoạn, anh đưa cho tôi bài báo viết về ba mẹ con chị Toàn được anh giữ cẩn thận trong tủ tài liệu của mình. “Thấy danh sách đoàn ra thăm có các nhà báo, lại thấy có tên em nên hôm nay anh đã cất công giờ nghỉ trưa tìm bằng được một quả bàng vuông tặng em. Anh tặng em vì sợ ca trực rơi vào lúc đoàn rời đảo”. 
Anh Hải đưa tôi đi một vòng thăm đảo Trường Sa Đông, giới thiệu cho tôi những giống đu đủ, rau cải và xà lách mà các anh mới trồng được, thứ thực phẩm tự túc mà các anh vất vả mới có được. Anh còn đưa tôi đi thăm các nơi trực của các cán bộ, chiến sĩ trên đảo. 
Trước khi ra về, anh nhờ tôi gửi quà cho hai con nhỏ, đó là một phần máu thịt của quần đảo Trường Sa, những viên đá san hô màu trắng, đỏ. Anh nghẹn ngào trước lúc chia tay: “Mình tặng cậu một chiếc khăn mùi xoa. Đó là món quà chị Toàn gói cho anh khi đi công tác”. 
Tôi mở chiếc khăn, trên đó nắn nót dòng chữ: “Quý tặng em Trìu nhân chuyến công tác ra Trường Sa Đông. Anh Trương Phúc Hải”. Cầm món quà nữa của anh mà nước mắt tôi chực trào. Tôi và anh ôm nhau thật chặt, cái ôm của người hậu phương với những người lính nơi đảo xa. Anh dặn: “Qua thăm chị dặn chị cứ yên tâm em nhé! Anh sẽ hoàn thành nhiệm vụ để sớm về bên ba mẹ con”.
Khi tàu Trường Sa 20 rời bến tàu đảo Trường Sa Đông, chúng tôi quyến luyến nhìn những người lính đảo ra tiễn đoàn, trong đó có người sĩ quan Trương Phúc Hải mà nước mắt cứ chảy dài. Chúc anh Hải cùng tất cả các anh chắc tay súng, vững niềm tin để bảo vệ từng tấc đất, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nơi hậu phương có tổ ấm của anh, có nhân dân luôn dõi theo, tin tưởng các anh sẽ hoàn thành nhiệm vụ…/.

Đọc thêm