Chuyên gia nói gì về Đề án đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo?

(PLO) -  Mục tiêu của Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng” (Đề án) là phát hiện người có đức, có tài để đóng góp sức lực, trí tuệ cho sự phát triển của đất nước; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ... Các chuyên gia trao đổi xung quanh Đề án này.
Thi tuyển cán bộ tại Quảng Ninh.
Thi tuyển cán bộ tại Quảng Ninh.

Dư luận hiện đang rất quan tâm tới Đề án nói trên, ông có suy nghĩ gì trước cách làm đổi mới này?

Các cơ quan Trung ương thực hiện thí điểm: Bộ Nội vụ; Bộ Tư pháp; Bộ Công Thương; Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế; Bộ Giao thông Vận tải; Ban Tổ chức Trung ương; Ban Kinh tế Trung ương; Tòa án nhân dân Tối cao; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Các tỉnh, thành thí điểm: Lào Cai; Hòa Bình; Sơn La; Quảng Ninh; Hải Phòng; Vĩnh Phúc; Hà Nội; Ninh Bình; Quảng Bình; Thừa Thiên - Huế; Đà Nẵng; Khánh Hòa; Ninh Thuận; Đắk Lắk; Lâm Đồng; Bình Dương; TP HCM; Bà Rịa - Vũng Tàu; Trà Vinh; Cần Thơ; Kiên Giang; Bến Tre.

- Ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội: Việc tổ chức thi tuyển người lãnh đạo cấp vụ, sở là tốt vì một mặt là phương pháp công khai, minh bạch, bảo đảm tính khách quan chọn người có năng lực; mặt khác tạo cho các ứng viên môi trường cạnh tranh trên cơ sở bản lĩnh và kinh nghiệm cá nhân. Giải pháp này vượt ra khỏi phạm vi “thính phòng” lâu nay của quy trình bổ nhiệm cán bộ. Giúp các cơ quan tổ chức vốn dễ bị chỉ đạo phải tuân theo một cách vô điều kiện có cơ hội tìm được cán bộ tốt thực hiện nhiệm vụ của họ.

Đối với những người có ý định, mong muốn cống hiến thực sự cho dân, cho nước sẽ có cơ hội thi triển tài năng, tạo nên sự linh hoạt thu hút người tài trong xã hội thay cho kiểu “xếp lốt”, kiểu gì cũng đến lượt, do đó thui chột ý chí phấn đấu và rèn luyện. Nay, khi chế độ thi tuyển ra đời sẽ buộc người trong cuộc phải hoặc cạnh tranh hoặc tự giác “lùi lại” phía sau nhường bước cho người thật sự tài năng đảm trách công vụ lãnh đạo.

Tuy nhiên, cần thiết kế đề thi phù hợp với nhiệm vụ, chức năng, điều kiện của cơ quan, tổ chức, địa phương; phải thiết lập được hội đồng với các thành viên có năng lực đánh giá khách quan, có chuyên môn phù hợp với lĩnh vực thi tuyển. Cũng phải mở cuộc thi công khai, có thể lấy phiếu khách quan của báo chí, người dự hoặc đưa trên mạng để tham khảo giống như bình chọn “quả bóng vàng”. Các phiếu đánh giá của thành viên hội đồng phải nêu rõ lý do lựa chọn trên cơ sở so sánh giữa các ứng viên.

Theo ông, thực hiện Đề án này có giải quyết được triệt để tình trạng “con quan thì lại làm quan” hoặc “cả họ làm quan” như trong thời gian qua? Để đạt được mục đích đặt ra, yếu tố quan trọng nhất là gì (sự công tâm, khách của các cơ quan có thẩm quyền trong thi tuyển hay công tác giám sát...)?

- Ông Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: Tôi cho rằng, nếu thực hiện tốt, nghiêm minh, công tâm, trách nhiệm việc thí điểm này thì sẽ giải quyết được triệt để tình trạng trên. Để đạt được mục đích đặt ra, yếu tố quan trọng nhất là con người thực thi công tác này và cả con người thực thi giám sát... Bởi lẽ, con người, cán bộ là gốc của mọi công việc; con người tốt thì công việc sẽ tốt.

- Ông Trương Hải Long, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức - Bộ Nội vụ: Việc đổi mới phương thức thi tuyển lãnh đạo về nguyên tắc là đảm bảo công khai, minh bạch. Đây cũng là một trong các giải pháp khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác cán bộ hiện nay.

Theo yêu cầu của Bộ Nội vụ thì khi thực hiện đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo, các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện thống nhất theo công văn hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, trước đây, một số đơn vị đã thực hiện thí điểm thi tuyển lãnh đạo, nhưng hoàn toàn chưa có văn bản quy định và hướng dẫn cụ thể. Vậy kết quả thi tuyển này có hợp pháp?

- Ông Đỗ Đức Hồng Hà: Trước đây một số đơn vị đã thực hiện thí điểm thi tuyển lãnh đạo và kết quả cơ bản là tốt. Tuy nhiên, nếu có văn bản này và thực hiện đúng thì kết quả chắc chắn sẽ tốt hơn.

- Ông Trương Hải Long: Việc thi tuyển lãnh đạo nêu trên không phải chủ trương hoàn toàn mới. Trước đây việc thực hiện thí điểm đổi mới phương thức thi tuyển lãnh đạo là để triển khai Nghị quyết Trung ương 9 khóa X, do vậy từng bộ, ngành, địa phương đã xây dựng đề án thí điểm của riêng mình căn cứ vào Nghị quyết về chiến lược cán bộ đến năm 2020. Nhưng qua quá trình triển khai, nhận thấy có sự chưa thống nhất, nên Bộ Chính trị giao cho Bộ Nội vụ và Ban tổ chức Trung ương xây dựng hướng dẫn chung trên toàn quốc. Bởi vậy công văn hướng dẫn của Bộ Nội vụ không hủy các quyết định đã được bổ nhiệm thông qua thi tuyển trước đây.

Trân trọng cám ơn các ông!

Đọc thêm