Chuyện ngập nước và nghịch lý rất Việt Nam

(PLO) - Tất nhiên đây không phải là câu chuyện ngập lụt ở Hà Nội hoặc triều cường ở thành phố Hồ Chí Minh. 
Chuyện ngập nước và nghịch lý rất Việt Nam

Sáng 27/5 vừa qua, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức đối thoại chính sách về khó khăn, thách thức trong thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước.

Ai cũng biết, một nội dung được nêu tại nghị quyết Đại hội Đảng XII là tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý nhà nước; sớm xoá bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ, UBND đối với vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp; thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN). 

Thực ra, vấn đề này văn kiện Đảng đã nói từ rất lâu, lần này nhắc lại nên cũng không phải lúc bàn chủ trương mà là bàn cách làm thế nào.

Đối thoại cho thấy, các ý kiến đều đồng ý phải có cơ quan chuyên trách, song khá nhiều ý kiến băn khoăn với đề xuất tại dự thảo về mô hình cơ quan chuyên trách là cơ quan thuộc Chính phủ, có tên gọi dự kiến là uỷ ban đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tóm lại là còn đang rất loanh quanh bởi không khéo xóa được “bộ chủ quản” thì lại sinh ra “bộ mới” bởi “hành chính hóa”, “nhà nước hóa” là “sở trường” đậm dấu ấn Việt Nam. Suy cho cùng, không ai là không quan tâm đến “hệ số lương”.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT xuất hiện tại đối thoại thì cơ quan này cần thuộc Chính phủ mới đủ tầm để quản lý lượng vốn và tài sản khổng lồ của Nhà nước, đều lên đến triệu tỷ, chiếm hơn 1/3 GDP của cả nước. Và theo ông, toàn là triệu tỷ cả thì không phải nhỏ, vì thế tầm của cơ quan đại diện chủ sở hữu phải xứng đáng. Nhưng, xứng đáng không có nghĩa là cứ ông nào thật to về đó là làm được, mà phải nằm ở chức năng, quyền hạn của cơ quan này.

Có một nghịch lý rất Việt Nam nữa là, chủ trương xóa bỏ cơ chế chủ quản cũng từng được thảo luận ở nhiều diễn đàn. Tuy nhiên, cơ chế đó không những chưa được gỡ bỏ, mà còn phát triển sang thêm một số lĩnh vực mới.

Thực tế cho chúng ta thấy, sở hữu nhà nước không phải là nguyên nhân quan trọng nhất làm giảm tính hiệu quả của DNNN mà cơ chế quản lý mới có vai trò quan trọng. Ta yếu về cơ chế quản lý. Vì vậy, cần thiết đẩy nhanh hơn nữa chương trình cải cách DNNN theo hướng xây dựng cơ chế quản lý hợp lý đối với DNNN. Mục tiêu cao nhất là vừa nâng cao được hiệu quả kinh doanh của DNNN, vừa tạo điều kiện cho các bộ, ngành tập trung hơn vào những công việc thích hợp với vai trò, chức năng của mình.

Không thể bàn lùi việc xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản DNNN vì như có người ví “nước đã đến chân”, tuy nhiên có thể nước đã ngập sâu hơn rồi.

Đọc thêm