Chuyện phẫu thuật cứu người trên đảo thời @

(PLO) - Không chỉ cán bộ, chiến sĩ mà ngư dân hoạt động trên biển, nhân dân sinh sống trên các đảo của quần đảo Trường Sa khi gặp vấn đề về sức khỏe, tai nạn, thương tích đều được các y, bác sĩ trên đảo tận tình cứu chữa. 10 năm qua, y học ngày càng hiện đại với những ca mổ trực tuyến, hơn 17.000 lượt người được các y, bác sĩ khám chữa bệnh, cấp cứu, hàng trăm mạng sống được giành giật từ tay tử thần.
Khánh thành bệnh xá hiện đại trên đảo Song Tử Tây.
Khánh thành bệnh xá hiện đại trên đảo Song Tử Tây.

Bệnh xá trên đảo ngày càng hiện đại 

Từ năm 1992, Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM) đã cử y, bác sĩ thành lập và duy trì Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn để chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân sinh sống, làm ăn trên vùng biển thuộc khu vực quần đảo Trường Sa.

Hiện nay, tất cả các đảo nổi, đảo chìm ở Trường Sa đều có các y, bác sĩ. Tuy nhiên, chỉ có các đảo nổi mới có bệnh xá. Các bệnh xá trên các đảo được xây dựng đơn sơ, chỉ là một dãy nhà cấp 4. Phòng khám cũng là phòng lưu bệnh, siêu âm, cấp phát thuốc. Mỗi bệnh xá thường chỉ có 2-4 bác sĩ. Về công tác ở Trường Sa, tất cả các bác sĩ chuyên khoa đều trở thành “đa khoa”. Bởi họ phải điều trị từ các bệnh thông thường cho đến các bệnh phức tạp như đau xương khớp, huyết áp, tim mạch và kể cả trực tiếp cầm dao mổ… 

Những năm gần đây, các bệnh xá được quan tâm đầu tư khá mạnh về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế. Quần đảo Trường Sa hiện có nhiều bệnh xá lớn trên các đảo Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Nam Yết, Sinh Tồn… với đội ngũ bác sĩ, y sĩ quân y từ 7 đến 8 người thuộc các bệnh viện quân y như: Bệnh viện 108, Bệnh viện 175, Bệnh viện 103, Bệnh viện 354 đảm nhiệm. Các bệnh xá đều được trang bị các thiết bị cơ bản như: siêu âm, điện tâm đồ, máy thở… Riêng bệnh xá Trường Sa lớn còn được đầu tư phòng phẫu thuật, các thiết bị chẩn đoán và điều trị khá hiện đại như máy siêu âm, máy chụp Xquang, máy điện tim...

 Bệnh xá hiện đại nhất quần đảo Trường Sa hiện nay là bệnh xá đảo Song Tử Tây được khởi công xây dựng từ tháng 8/2015 với tổng số tiền 28 tỷ đồng, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam huy động từ các công đoàn viên trong cả nước. Bệnh xá mới được xây dựng trong khuôn viên bệnh xá cũ, diện tích trên 1.000m2 với 4 phòng bệnh, 8 giường, 9 phòng chức năng khác như cấp cứu, X-quang, điện tim, siêu âm, mổ... 

Trước đây, việc cấp cứu nạn nhân vất vả vô cùng. Không chỉ hạn chế về cơ sở vật chất mà do tác động của biển, các thiết bị y tế thường bị hoen gỉ do muối mặn. Vì thế mới có chuyện, cách đây vài chục năm, bác sĩ ở đảo phải mổ những ca đau ruột thừa bằng lưỡi dao lam dưới ánh đèn đỏ quạch. Nay việc cấp cứu nạn nhân hiện đại rất nhiều. 

Bác sĩ trên đảo có thể mổ ruột thừa, điều trị chấn thương và một số bệnh nội, ngoại khoa, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho quân, dân trên đảo và bà con ngư dân. Ngoài ra, các bệnh xá này còn có nhiệm vụ tiếp nhận các ca bệnh ở các đảo cấp 2, cấp 3 và nhân dân, ngư dân gặp bệnh tật, tai nạn trong quá trình tham gia đánh bắt hải sản trong vùng biển quần đảo. 

Đầu năm 2012, một ngư dân ở đảo Đá Đông bị đau bụng quằn quại, Trạm Y tế đảo Đá Đông chẩn đoán bệnh nhân bị đau ruột thừa nên chuyển cấp cứu lên bệnh xá tuyến trên… Nhưng ngặt nỗi, ngoài kia biển động dữ dội, sóng to, gió lớn, tàu hải quân đậu bên ngoài ba lần thả ca nô chạy vào bờ đều bị sóng đánh lật, không thể tiếp cận với bệnh nhân. 

Thế nên người nhà đành buộc dây vào người bệnh nhân đưa lên tàu cá, chạy ra tiếp cận tàu hải quân. Sau đó, tàu chạy về đảo Trường Sa Đông, nơi có bệnh xá gần hơn nhưng ở đây không có cầu cảng. Tàu không cập cảng được đành phải chạy thẳng đến đảo Trường Sa Lớn vào lúc 3 giờ sáng, sau hơn 10 giờ chống chọi với sóng gió. Tuy nhiên, phải 3 tiếng đồng hồ sau, tức gần 6 giờ sáng các thủy thủ mới đưa được bệnh nhân vào bờ, chở tới bệnh xá. Kíp mổ do BS Hoàng Mạnh Hải thực hiện mất 2 giờ mới hoàn thành, cứu sống bệnh nhân. 

Mỗi năm, không tính các ca tiểu phẫu, đội ngũ y, bác sĩ trên quần đảo Trường Sa đã thực hiện dược gần 20 ca trung phẫu, đại phẫu. Trong đó có nhiều bệnh nguy hiểm như viêm ruột thừa, thủng dạ dày, bệnh phổi, chấn thương nặng. Với những ca khó, bác sĩ có thể hội chẩn trực tuyến với các bác sĩ hàng đầu tại các bệnh viện quân y lớn. Tại Bệnh xá đảo Song Tử Tây, Trường Sa Lớn và một số đảo lớn, hệ thống khám bệnh từ xa Telemedicine được lắp đặt với hỗ trợ kỹ thuật kịp thời từ đất liền. 

Bệnh viện Quân y 175 hỗ trợ các y, bác sỹ Bệnh xá Trường Sa Lớn qua hệ thống Telemedicine.
Bệnh viện Quân y 175 hỗ trợ các y, bác sỹ Bệnh xá Trường Sa Lớn qua hệ thống Telemedicine.

Hệ thống khám bệnh từ xa Telemedicine

Việc mổ cho bệnh nhân qua hệ thống khám bệnh từ xa Telemedicine tại các đảo được thực hiện từ năm 2014. Ngày 23/8/2014, Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn đã thực hiện ca phẫu thuật mổ ruột thừa cho anh Trương Văn Liêm (SN 1963, ở xã Tam Quang Nam, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) là ngư dân trên tàu cá BĐ 96587TS, đang khai thác thủy, hải sản tại ngư trường huyện đảo Trường Sa. 

Ca mổ được sự hỗ trợ của các y, bác sỹ Bệnh viện Quân Y 175 TP HCM qua hệ thống Telemedicine. Bệnh nhân có triệu chứng đau quặn bụng từ ngày 21/8. Do có các triệu chứng lâm sàng không rõ ràng, phải đến 8 giờ sáng ngày 23/8, bệnh nhân mới được tàu cá đưa đến bệnh xá đảo Trường Sa Lớn. Nhanh chóng tiếp nhận bệnh nhân, ê kíp mổ do Đại úy, thạc sĩ Huỳnh Thanh Bình - Trưởng Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn khi đó - trực tiếp chỉ huy và đứng mổ.

Ca mổ cần có sự hỗ trợ của các y, bác sỹ Bệnh viện Quân y 175 vì theo các bác sĩ từ bệnh xá Trường Sa Lớn, bệnh nhân Trương Văn Liêm bị ruột thừa quặt sau manh tràng. Các triệu chứng để chẩn đoán lâm sàng không rõ. Khi mổ thì phát hiện mủ và dịch tràn hoại tử phần thân và cuối đuôi, phần mạc nối lớn bao phủ đã chuyển sang thâm, đây là ca mổ khó.

Sau bé Nguyễn Ngọc Trường Xuân, bé Thái Bình Hải Thùy gần 1 tuổi là trường hợp thứ hai chào đời bằng phương pháp đẻ mổ trực tuyến ở đảo Trường Sa Lớn. Mẹ bé Hải Thùy - chị Nguyễn Bình Phương Ái - 29 tuổi, sinh con lần thứ ba, mang thai 39 tuần tuổi. Trước đó, chị Ái bị thai đa ối và có thể đối mặt với các nguy cơ như dây nhau quấn cổ hay nghẹt thai.

Vì thế, các bác sĩ đã đặc biệt theo dõi rồi xác định mổ chủ động. Chín y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 do Đại tá, Tiến sĩ Trần Lê Đồng - Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 làm Trưởng đoàn đã được máy bay đưa tới đảo Trường Sa Lớn thực hiện ca mổ hiếm thấy này. Ca mổ được truyền hình trực tiếp dưới sự chỉ đạo từ xa của Thiếu tướng, PGS Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Bệnh viện Quân y 175. 

Sự trợ giúp hết mình từ đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện Quân y 175 và sự bảo đảm đường truyền thông suốt 24/24 giờ của lực lượng chuyên dụng Bộ Tư lệnh Thông tin đã giúp những ca mổ trực tuyến phức tạp được thực hiện thành công ngay trên đảo. 11 giờ 48 phút trưa 1/12/2015, bé gái sơ sinh cân nặng 3,3kg đã cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui vỡ òa của gia đình và tập thể y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 và Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn. 

Trước đó, khi mới xuống máy bay, các bác sĩ đã bất ngờ nhận được tin báo nạn nhân Nguyễn Song Hào (28 tuổi, quê Nghệ An) đang làm công nhân xây dựng trên đảo bị đuối nước. 

Khoảng 9 giờ 35 ngày 1/12/2015, anh Hào ra bờ kè của đảo đứng ngắm sóng biển thì bất ngờ trượt chân ngã xuống nước. Chưa kịp phản ứng trước tình huống bất ngờ thì những con sóng lớn đã ập vào nhấn chìm nạn nhân. Nhiều người đã chạy ra ứng cứu nhưng do sóng lớn nên phải mất gần 10 phút sau, nhóm “cứu hộ” mới tìm thấy nạn nhân. 

Anh Hào được đưa lên bờ trong tình trạng cơ thể tím tái, bất động, ngưng tim, ngưng thở. Ngay lập tức nạn nhân được sơ cứu ấn tim, hà hơi, thổi ngạt tại chỗ. Nạn nhân sau đó được chuyển về bệnh xá. Các bác sĩ vừa rời máy bay đã hối hả cấp cứu, cứu sống nạn nhân.

Đọc thêm