Chuyện tế nhị cần góp ý cho tàu cá

(PLO) - Tàu cá không có nhà vệ sinh, tàu cá xả thải vô tội vạ trên biển đang là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm các cảng cá.
Tàu cá xả thải xuống cảng cá gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Tàu cá xả thải xuống cảng cá gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Mất tích vì tàu cá… không có nhà vệ sinh?

Ngày 17/7/2016, anh Trần Tấn Đạt (SN 1973, ở thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) - lao động trên tàu cá BTh 96876TS đã bất ngờ bị rơi xuống biển gần đảo Tư Chính thuộc quần đảo Trường Sa mất tích. Tàu cá BTh 96876TS có công suất 275 CV do ông Hồ Ngọc Hóa (SN 1988, thị xã La Gi) làm chủ, trên tàu có 9 lao động đang hành nghề câu khơi. 

Chiều 10/8/2016, tàu cá BTh 97597TS có 9 lao động, do ông Phạm Văn An (38 tuổi, trú tại xã Long Hải, huyện đảo Phú Quý)  làm thuyền trưởng trong lúc đang hành nghề trên vùng biển Bà Rịa  -Vũng Tàu, cách Vũng Tàu khoảng 92 hải lý về phía Đông Nam, thì 1 lao động trên tàu là anh Võ Văn Dũng (trú tại thôn Tân Hải, xã Long Hải, huyện đảo Phú Quý) bất ngờ bị rơi xuống biển. Xung quanh khu vực tàu cá BTh 97597TS khai thác có khoảng 9 - 10 tàu cá khác đang hỗ trợ tìm kiếm ngư dân Võ Văn Dũng nhưng vẫn không tìm thấy.

Ngày 9/9/2016, tàu cá BV 94228TS do bà Nguyễn Thị Mật (ở Bà Rịa - Vũng Tàu) làm chủ sở hữu đang đánh bắt tại vị trí cách Nam mũi Vũng Tàu khoảng 53 hải lý thì ngư dân Nguyễn Văn Thiền (SN 1973) bị rơi xuống biển mất tích. Các tàu cá đã tìm kiếm nhưng không tìm được nạn nhân. 

Trên đây là một số trường hợp ngư dân bị mất trên biển. Theo những ngư dân kỳ cựu thì lý do những ngư dân mất tích có thể do bị rơi xuống biển khi đi vệ sinh. 

Tàu cá đánh bắt xa bờ thường có ba loại tàu là: Tàu giã cào, tàu cá ngừ và tàu câu mực. Nếu như tàu cá nước ngoài có trọng tải của tàu từ 500 tấn đến 2.200 tấn, chiều dài khoảng 45m - 90m thì tàu cá Việt Nam có tải trọng nhỏ hơn nhiều, thường chỉ vài chục tấn, chiều dài tàu dài nhất cũng chỉ khoảng 30 mét. Chi phí đóng mới 1 con tàu vỏ thép với nhiều trang thiết bị thông tin liên lạc hiện đại mất khoảng 23 tỷ đồng, tàu gỗ kiên cố phải mất 7 - 10 tỷ đồng. Trong khi mỗi hộ ngư dân tối đa cũng chỉ được vay mấy trăm triệu đồng. Vì vậy, 99% tàu cá được đóng từ vật liệu gỗ, số tàu công suất thấp (dưới 90 mã lực) chiếm tới 2/3. 

Diện tích trên tàu chủ yếu để lưới, ngư cụ và hầm lạnh trữ hải sản đánh bắt được. Mỗi tàu cá khi ra biển phải chở theo nước ngọt sinh hoạt, dầu chạy tàu, gas, lương thực, thực phẩm…Với diện tích chật hẹp, các tàu cá nhỏ không có chỗ cho nhà vệ sinh.

Nhưng với tàu cá lớn, đặc biệt là tàu cá đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP hoàn toàn có thể thiết kế nhà vệ sinh nhưng rất ít chủ tàu chịu đóng toa lét. Thậm chí, có chủ tàu mua tàu cá có nhà vệ sinh, sử dụng được một thời gian chủ tàu liền đập bỏ với lý lẽ: Cứ xả thẳng xuống biển là xong, vừa sạch, vừa không tốn nước xả, vừa không phải dọn hầm phân. Có nhà vệ sinh trên tàu thì xui, đã vậy, khi về bến, các thuyền viên khác lại sang đi nhờ, gây bất tiện. Vậy là thủy thủ trên các tàu cá đồng loạt trở thành dân “cầu tõm”. 

Thôn Xuân Vinh, xã Hoài Hương, Hoài Nhơn, Bình Định năm nào cũng có người mất tích khi đi đánh bắt xa bờ. Thôn hiện có tới 10 người bị mất tích trên biển. Theo người dân, vì đói nghèo nên vào lúc nông nhàn, những nông dân của làng lại ra biển làm ngư dân. “Dân làm nghề nông không rành đi biển nên rớt xuống biển là chìm như hòn đá”, ông Biện Ngọc Quyết - Bí thư Đảng ủy xã cho biết. 

Mỗi chuyến đi biển kéo dài cả tháng trời. Để giải quyết vấn đề “đầu ra” trên tàu không dễ dàng gì. Ngư dân thường xuống đuôi tàu, ngồi vắt vẻo trên thành tàu “xả” xuống biển, trong khi xung quanh không có gì bấu víu. Đã vậy, nhiều ngư dân nửa đêm đang ngủ có nhu cầu “giải quyết nỗi buồn”, vậy là mắt nhắm, mắt mở leo lên thành tàu. Chuyện rủi ro ngã nhào xuống biển rất dễ xảy ra. Ngày biển động, sóng đánh cao hơn nóc tàu thì việc đi vệ sinh còn kinh hoàng hơn. Kể cả những ngư dân có kinh nghiệm đi biển sơ xuất cũng rơi xuống biển.  

Xả rác bừa bãi trên biển

Cả nước hiện có hơn 128.000 tàu cá với hơn 1 triệu lao động trên biển. Không chỉ đại, tiểu tiện xuống biển, các ngư dân còn xả thải xuống biển vô tội vạ từ rác thải sinh hoạt, cá chết, gây ô nhiễm môi trường. Giữa biển cả mênh mông, việc xả thải của tàu cá không có dấu hiệu rõ rệt.

Tuy nhiên, khi các tàu cá cập cảng, hàng trăm, hàng nghìn tàu cá đua nhau xả thải khiến các cảng cá, nơi neo đậu tàu cá bị ô nhiễm nghiêm trọng. Có thể nói, hầu hết các cảng cá trong toàn quốc đều ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Có thể kể các cảng cá La Gi (Bình Thuận), cảng cá Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng), cảng cá Tam Quan (Bình Định), cảng cá Lạng Bạch (Thanh Hóa), cảng cá Vĩnh Lương (Nha Trang)… tình hình ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. 

Quen với việc vứt rác ra biển, về cảng, ngư dân cũng luôn vứt các loại rác thải sinh hoạt, đá lạnh bẩn ướp cá tôm xuống nước. Có những lúc người dân còn đổ hàng tấn hải sản kém chất lượng ra cảng cá, nước rỉ từ hải sản càng khiến không khí nồng nặc mùi hôi thối, đặc biệt là vào những ngày nắng nóng. Các hộ dân thu mua phế thải hải sản đầu cá, đầu tôm phơi khắp mặt cảng với khối lượng lên đến hàng chục tấn, không những làm mất vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn làm phát tán mùi hôi, tanh nồng gây ảnh hưởng đến môi trường sống của các vùng phụ cận.

Các cơ sở chế biến hải sản thu mua, chuyển hải sản về cơ sở để sơ chế và chế biến thực hiện luôn công việc sơ chế tại chỗ. Và dĩ nhiên nước rửa, nội tạng… đều đổ xuống biển. Tàu không có nhà vệ sinh nên những người sống trên các phương tiện này thường xuyên phóng uế xuống mặt nước nơi neo đậu. Nước vệ sinh tàu cũng như dầu máy thải ra khiến môi trường xung quanh bị đe dọa. Nước tại các cảng cá chuyển thành màu đen kịt, bốc mùi nồng nặc. Các cảng cá đã và đang bị “bức tử” nhiều năm như thế.

Đọc thêm