CIA tham vọng “bẻ khóa” toàn cầu

(PLO) - Thay vì phương pháp "nhòm qua ổ khóa nhà hàng xóm" truyền thống, tân Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) John Brennan vừa công bố một loạt các giải pháp nhằm cải tổ tổ chức tình báo quyền lực này với tham vọng "bẻ khóa" toàn cầu.

Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) John Brennan.
Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) John Brennan.
Giám đốc CIA, ông John Brennan, ngày 6/3/2015 trước đội ngũ nhân viên CIA đã tuyên bố bắt đầu tiến hành một trong những cuộc cải tổ sâu rộng nhất trong lịch sử CIA.
Phát biểu trước các phóng viên, Giám đốc CIA cho biết, cuộc cải tổ có một trong các trọng tâm là đặc biệt chú trọng các hoạt động không gian mạng và ứng dụng các phát minh kỹ thuật số vào thu thập thông tin tình báo.
Phá bỏ bức tường truyền thống
Theo ông Brennan, tình báo Mỹ sẽ tập trung vào các chiến dịch trên không gian mạng, các công nghệ mới, cũng như sẽ thay đổi căn bản các nguyên tắc xử lý thông tin. Cuộc cải cách của Brennan hiện đã được gọi là quy mô nhất trong lịch sử CIA.
Khi công bố bắt đầu cuộc cải tổ quy mô lớn CIA, Giám đốc CIA giải thích việc làm này phải thực hiện là do nhu cầu giải quyết phạm vi các nhiệm vụ rộng lớn hơn, cũng như phải tiến kịp thời đại, tận dụng tất cả những thành tựu kỹ thuật mới nhất.
Dự đoán, cuộc cải cách của Brennan sẽ làm cho các cấp lãnh đạo CIA có trách nhiệm hơn, cũng như giúp nâng cao mạnh mẽ hiệu quả hoạt động của nhân viên CIA trên mạng toàn cầu.
CIA dự định tập trung các lực lượng chủ yếu của mình chính vào các chiến dịch trên không gian mạng. Họ kêu gọi các nhân viên tận dụng mọi thành tựu mới nhất trong lĩnh vực “cách mạng số”, những công nghệ sáng tạo tiên tiến nhất.
Trụ sở chính của CIA ở Langley, Virginia, cách thủ đô Washington, D.C vài dặm.
 Trụ sở chính của CIA ở Langley, Virginia, cách thủ đô Washington, D.C vài dặm.
Nhưng điểm mới chủ yếu của cuộc cải cách là việc tổ chức hoạt động chung của các cấp chỉ huy hoạt động tình báo và các nhà phân tích tình báo. Trước đây, hai nhóm chuyên gia này hoạt động độc lập, mà theo Brennan, như thế là không hiệu quả.
Nay họ sẽ được hợp nhất vào một đơn vị, mà đúng hơn là vào 10 “trung tâm hoạt động chuyên trách” (mission center), trong mỗi trung tâm có cả các nhân viên hoạt động và các nhà phân tích.
Theo kế hoạch của Brennan, CIA sẽ phá bỏ bức tường ngăn cách giữa khối hoạt động và khối phân tích tình báo, một hệ thống thường đòi hỏi các sĩ quan hoạt động (làm nhiệm vụ tuyển gián điệp, chỉ đạo các điệp vụ ngầm) và các chuyên gia phân tích (làm nhiệm vụ diễn dịch tin tức tình báo và viết báo cáo cho tổng thống và các cấp ra quyết định khác) làm việc với các ông sếp khác nhau, ở các văn phòng khác nhau.
Các trung tâm hoạt động chuyên trách sẽ đảm trách các mối đe dọa hay các địa bàn cụ thể. Cách tiếp cận này cũng là nhằm tránh sự mâu thuẫn, trùng chéo chức năng...
Các trung tâm này được tổ chức dựa trên mô hình Trung tâm chống khủng bố (CTC) của CIA được thành lập sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, nơi mà các vị chỉ huy hoạt động và các nhà phân tích đã cùng nhau làm việc từ lâu và cho thấy hiệu quả của cách tiếp cận này. Có nghĩa là việc phân tích và thu thập thông tin tình báo ở đó có liên hệ trực tiếp với việc tiến hành các điệp vụ mật.
Mỗi trung tâm sẽ do một trợ lý Giám đốc CIA lãnh đạo và ông này chịu trách nhiệm về toàn bộ nhiệm vụ tình báo trong thẩm quyền, bao gồm các điệp vụ ngầm, gián điệp, phân tích, liên lạc với đối tác nước ngoài và hậu cần.
Hệ thống các trạm tình báo (station) của CIA, mỗi trạm do một trạm trưởng đứng đầu, vẫn tồn tại. Phần lớn các trạm nằm trong các sứ quán Mỹ, và các sĩ quan hoạt động CIA khác nhau trong các sứ quán có thể làm các nhiệm vụ khác nhau, cho các trung tâm khác nhau.
Mặt trận không gian mạng
Còn để đối phó hiệu quả hơn với các mối đe dọa không gian mạng, CIA sẽ thành lập Cục Sáng tạo kỹ thuật số (Directorate of Digital Innovation) chuyên trách hoạt động tình báo mạng. Trên “mặt trận không gian mạng”, Cục Sáng tạo kỹ thuật số tập trung hoàn toàn vào việc khai thác các tiến bộ về công nghệ thông tin và viễn thông.
Giám đốc CIA John Brennan: “Ở giai đoạn hiện nay, không thể có sự phân biệt giữa các chuyên gia làm việc trong lĩnh vực IT và các tình báo viên thông thường”
 Giám đốc CIA John Brennan: “Ở giai đoạn hiện nay, không thể có sự phân biệt giữa các chuyên gia làm việc trong lĩnh vực IT và các tình báo viên thông thường” 
Cục này sẽ có vị thế ngang bằng với các đơn vị hoạt động và phân tích của CIA và sẽ chịu trách nhiệm về các nhiệm vụ từ tình báo mạng cho đến bảo đảm an ninh cho hệ thống thư điện tử nội bộ của CIA. Cục này sẽ phụ trách theo dõi các thành tựu trong lĩnh vực công nghệ không gian mạng và sử dụng chúng trong hoạt động của CIA. Đơn vị này sẽ có quy chế ngang bằng với 4 cục hiện có đã tồn tại nhiều năm trong cơ cấu của CIA.
Hiện nay, các vấn đề không gian mạng đang do một cơ quan tình báo Mỹ khác là Cục An ninh quốc gia NSA quản lý. Nhưng CIA không cho rằng, họ phải đứng ở một bên.
“Khả năng thực thi các chức trách về điệp báo và bảo vệ an ninh quốc gia trong thế giới số hiện đại đã trở nên phức tạp hơn. Bởi vậy, chúng ta, với tư cách cơ quan tình báo Trung ương, phải tin tưởng rằng, chúng ta có khả năng nắm vững mọi khía cạnh của môi trường số đó”, ông Brennan nói.
Ông Brennan tránh dùng từ “cyber” (không gian mạng) mà cơ quan tình báo điện tử chủ yếu của Mỹ NSA đã dùng. Giám đốc CIA nói rằng, nhiệm vụ điệp báo của CIA hiện nay gần như luôn có yếu tố kỹ thuật số, dù là đơn giản như tìm hiểu một đối tượng tiềm năng bằng cách đột nhập vào các cơ sở dữ liệu, và CIA cần phải tăng cường tập trung vào nó.
Như tờ Washington Post đưa tin trước đó, các thay đổi mà John Brennan đề xuất “phản ánh sự cương quyết của CIA đoạn tuyệt với những phương pháp lỗi thời và sử dụng những khả năng hiện đại trong tình báo trong bối cảnh sự phát triển bùng nổ của điện thoại thông minh, mạng xã hội và các công nghệ khác”.
“Ở giai đoạn hiện nay, không được có sự phân biệt giữa các chuyên gia làm việc trong lĩnh vực IT và các tình báo viên thông thường”, ông Brennan nói và cho biết thêm, sự chú ý đặc biệt phải được dành cho việc sử dụng các khả năng không gian mạng, cụ thể là để tuyển mộ các quan chức nước ngoài, nhận dạng mục tiêu cho máy bay không người lái tấn công hay để xâm nhập vào mạng lưới của tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo”.
"Kẻ đốt đền" Edward Snowden đã hé lộ cho nhiều người trên thế giới về hoạt động trắng trợn của tình báo Mỹ.
 "Kẻ đốt đền" Edward Snowden đã hé lộ cho nhiều người trên thế giới về hoạt động trắng trợn của tình báo Mỹ.
Theo dự báo của các nhà phân tích Mỹ, cuộc cải cách của CIA có thể dẫn đến sự thay đổi quy trình trách nhiệm của hơn 1.000 nhân viên, ra đời nhiều phòng ban mới và giải tán các phòng ban cũ.
Được thành lập năm 1947, CIA hiện có 4 cục chính. Sau khi cải tổ, 2 cục trong số đó sẽ giữ nguyên tên gọi là Cục Khoa học và công nghệ mà trong số các loại hình hoạt động, có nhiệm vụ sáng chế các thiết bị gián điệp, và Cục Bảo đảm phụ trách các nhiệm vụ hành chính và hậu cần.
Theo kế hoạch của Brennan, các phòng địa bàn tồn tại lâu đời phụ trách châu Phi, Trung Đông và các khu vực khác sẽ trở thành các trung tâm phụ trách các đia bàn tương ứng.
Cục Tin tức tình báo (Directorate of Intelligence) sẽ được đổi tên thành Cục Phân tích (Directorate of Analysis) mà theo giải thích của ông Brennan là phản ánh chức năng của nó là một trung tâm nghiệp vụ chuyên môn của CIA làm nhiệm vụ tổng hợp và phân tích thông tin từ các nguồn mật và công khai.
Cục Hoạt động mật quốc gia (National Clandestine Service) của CIA chuyên trách tuyển mộ và tiến hành các điệp vụ mật sẽ được đổi trở về tên Cục Hoạt động (Directorate of Operations).
Tuy nhiên, có tin cho rằng, theo kế hoạch cải tổ của John Brennan, Cục Tin tức tình báo chuyên trách phân tích và Cục Hoạt động mật quốc gia chuyên trách hoạt động tình báo sau khi được đổi tên sẽ thay đổi chức năng nhiệm vụ và sẽ hoạt động như chủ yếu như là nơi đào luyện tài năng, tuyển mộ và huấn luyện nhân lực cho các trung tâm mới.
Ông Brennan nói, các cục sẽ quản lý các nguồn nhân lực và đặt ra các tiêu chuẩn hoạt động, trong khi các trung tâm sẽ tiến hành các nhiệm vụ tình báo.
Kế hoạch cải tổ của Brennan có được nhiều sự ủng hộ, trong đó có Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper, tuy nhiên cũng có những phản đối mạnh.
Các quan chức CIA cho hay, những thay đổi mà Brennan đề xuất không đòi hỏi phải có sự chuẩn thuận của Quốc hội Mỹ và sẽ thực hiện trong khuôn khổ ngân sách hiện nay của CIA.
Tham vọng “bẻ khóa” toàn cầu
Ngoài ra, cũng phải thấy rằng, tình báo Mỹ muốn theo kịp thời đại không chỉ trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Vào giữa tháng 2/2015, có tin CIA tiếp tục mơ tưởng về vũ khí khí hậu. Nhà khoa học Mỹ Alan Roebuck đã tiết lộ các nỗ lực của các nhân viên CIA tìm hiểu xem ông có biết ai đó tìm cách kiểm soát khí hậu. Ngoài ra, họ còn quan tâm đến chuyện liệu các nỗ lực của Mỹ tác động vào khí hậu có giữ kín đối với các nước được không.
Tháng 12/2014, được biết các cơ quan tình báo Mỹ và 4 nước khác đang bẻ khóa các hệ thống mã hóa Internet trên khắp thế giới. Còn theo báo chí Đức, như vậy an toàn thông tin của người dùng bị đánh đòn kép bởi lẽ ngay cả các cơ quan tình báo cũng không bảo đảm được chuyện không để rò rỉ thông tin, dẫn đến các dữ liệu đó có thể lọt vào tay bọn khủng bố và tội phạm khác.

Tạp chí Đức Spiegel đã đăng tải một bài báo cho biết, theo các tài liệu do cựu nhân viên CIA và NSA Edward Snowdenn cung cấp, từ năm 2011, Mỹ đã có những nghiên cứu lớn về theo dõi người dùng Internet trên toàn cầu. Theo đó, “Liên minh 5 con mắt” (FiveEye) gồm các cơ quan tình báo 5 nước Anglo-Saxon là Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand đã đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng là bẻ khóa tất cả các hệ thống mã hóa Internet trên toàn thế giới.

Edward Snowden trong một lần hiếm hoi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình NBC. Hiện Snowden đang tị nạn tại Nga.
Edward Snowden trong một lần hiếm hoi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình NBC. Hiện Snowden đang tị nạn tại Nga.
Chính việc Edward Snowden phản thùng đã hé lộ cho nhiều người trên thế giới về hoạt động trắng trợn của tình báo Mỹ. Năm 2013, Snowden đã chuyển cho các tờ báo Washington Post và Guardian nhiều tài liệu mật về các chương trình theo dõi người dùng của các công ty Internet và viễn thông do FBI và NSA tiến hành.
Tin cho hay, các cơ quan tình báo Mỹ này đã mấy năm có quyền truy cập trực tiếp vào các máy chủ của các công ty Microsoft, Yahoo, Google, Facebook, Skype, YouTube, PalTalk, AOL và Apple, cũng như các đường điện thoại trên khắp thế giới.
Thông tin của Snowden đã gây ra tiếng vang xã hội chưa từng có. Và đến nay, đang phát lộ ngày một nhiều những thông tin mới về hoạt động theo dõi các nhà lãnh đạo thế giới, hay nghe lén điện thoại, xem trộm thư tín của người dân các nước.
Tháng 2/2015, hãng bảo mật nổi tiếng của Nga Kaspersky Lab đã khám phá lưới gián điệp mạng đã cài cắm mã độc vào ổ đĩa cứng máy tính ở mấy chục quốc gia. Các chuyên gia Nga đã gọi những tên tội phạm này là “những đối thủ mạnh nhất tại thời điểm hiện nay trong thế giới gián điệp mạng”.
Các chuyên gia nước ngoài nhận định, phần mềm này chính là của NSA. Người ta không có các bằng chứng trực tiếp, nhưng biết chính xác rằng, những kẻ lập ra lưới gián điệp mới có liên hệ mật thiết với những kẻ đã lập ra các nhóm gián điệp trước đó bị quy là của NSA.
Cơ cấu tổ chức mới của CIA sẽ gồm:
I - Văn phòng điều hành;
II - Một số cơ quan chức năng;
III - 10 trung tâm hoạt động tình báo chuyên trách các vấn đề, địa bàn riêng biệt;
IV - 5 cục chính:


1. Cục Sáng tạo kỹ thuật số (Directorate of Digital Innovation): là cục tình báo không gian mạng;
2. Cục Phân tích (Directorate of Analysis) chịu trách nhiệm nghiên cứu và phân tích tin tức tình báo từ tất cả các nguồn;
3. Cục Hoạt động (Directorate of Operations) làm nhiệm vụ thu thập tình báo và hành động ngầm;
4. Cục Bảo đảm (Directorate of Support);
5. Cục Khoa học và công nghệ (Directorate of Science and Technology).

Đọc thêm