Cơ hội để đề xuất đẩy mạnh phát triển văn hoá, con người Việt Nam

(PLVN) - Theo ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL cần nghiên cứu những vấn đề, hiện tượng mới nảy sinh trong đời sống văn hóa để rút kinh nghiệm, hỗ trợ nghiên cứu và định hướng. Đây là cơ hội để ngành văn hóa đề xuất đẩy mạnh hơn việc thực hiện Nghị quyết 33 trong giai đoạn sắp tới...
Đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận việc thực hiện Nghị quyết 33 còn một số bất cập.
Đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận việc thực hiện Nghị quyết 33 còn một số bất cập.

Ban Chỉ đạo Trung ương về xây dựng Dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” mới có buổi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL).

Tham dự buổi làm việc có ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện…

Lãnh đạo Bộ cho biết, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 33, tư tưởng, đạo đức và lối sống - lĩnh vực then chốt của văn hóa đã có những chuyển biến tích cực. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là cuộc vận động quần chúng tham gia xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh được mở rộng và đi vào chiều sâu.

Văn học, nghệ thuật đã nắm bắt được dòng mạch chính, có nhiều tác phẩm tốt trong tất cả các loại hình nghệ thuật. Hoạt động bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của dân tộc đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Hoạt động hợp tác quốc tế trở thành một trong những kênh quan trọng trong công tác đối ngoại của Nhà nước, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, nghệ thuật các dân tộc Việt Nam ra thế giới, đồng thời tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc để bắt kịp xu thế của thời đại.

Tuy nhiên, Bộ VHTTDL thẳng thắn nhìn nhận việc thực hiện Nghị quyết 33 còn nhiều bất cập, hạn chế nhất là về nhận thức, bố trí nguồn lực. “Kinh phí hạn hẹp khiến các đơn vị nghệ thuật biểu diễn rất khó khăn trong hoạt động, đặc biệt đối với nghệ thuật truyền thống. Khó đào tạo, tuyển chọn đội ngũ làm nghệ thuật truyền thống”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ nêu ví dụ.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Bộ VHTTDL cần nghiên cứu, thể hiện rõ tình hình thực tế, thực trạng văn hóa, xây dựng con người văn hóa, những kết quả đạt được và những thách thức cần tập trung giải quyết trong thời gian tới. “Muốn thực hiện tốt công tác này ngoài thay đổi nhận thức, cần chuyển đổi cả tư duy và cách làm...”, ông Đam nhấn mạnh.

Theo ông Đam, một số phong trào văn hóa sau một thời gian thực hiện đã bắt đầu giảm “sức sống”, có biểu hiện hình thức; một số tiêu chuẩn hướng dẫn từ trên xuống còn mang tính cào bằng, không còn phù hợp, lãng phí. Báo cáo cũng cần thể hiện rõ nét hơn về vai trò của tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống văn hóa.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ cần làm rõ, sâu sắc hơn việc áp dụng công nghệ mới vào hoạt động văn hóa để có thể làm tốt hơn việc sơ kết và triển khai Nghị quyết số 33 trong thời gian  tới.

Kết luận cuộc họp, đồng chí Võ Văn Thưởng đánh giá các ý kiến đã đặt ra nhiều vấn đề tiếp tục nghiên cứu, bổ sung cho báo cáo của Bộ. Quan trọng hơn là cùng suy nghĩ để góp phần cho Ban Chỉ đạo có Đề án tốt trình cho Ban Bí thư chuẩn bị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW.

Khẳng định việc xây dựng văn hóa và con người Việt Nam có ý nghĩa và vị trí rất quan trọng trong tiến trình cách mạng Việt Nam. Văn hóa là nền tảng tinh thần, xây dựng văn hóa là tạo ra sức mạnh nội sinh để đất nước phát triển, ông Thưởng khẳng định: Bộ VHTTDL có vai trò quan trọng, được giao quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Tuy nhiên, so với yêu cầu ngày càng cao của việc xây dựng văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu xây dựng bền vững đất nước, còn nhiều vấn đề Bộ cần phải làm tốt hơn, làm mạnh hơn, hiệu quả hơn.  

Đặt câu hỏi văn hóa đã được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội chưa, ông Thưởng nêu rõ, đây cũng là một vấn đề cần được các cấp, các ngành quan tâm.

Ở góc độ ngành VHTTDL cần cố gắng trong một số lĩnh vực quản lý như: Chất lượng, hiệu quả hoạt động của văn hóa, văn nghệ; các lễ hội truyền thống vẫn bộc lộ nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu; công nghiệp văn hóa, công nghiệp điện ảnh…

“Chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cũng chưa cao. Quản lý di tích, di sản có lúc, có nơi cũng còn bị vi phạm, xâm hại, kể cả những Di sản được UNESCO xếp hạng. Xã hội hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ chưa có hiệu quả cao...”, ông Thưởng nhận xét.

Cùng đó, Bộ cần nghiên cứu những vấn đề, hiện tượng mới nảy sinh trong đời sống văn hóa để rút kinh nghiệm, hỗ trợ nghiên cứu và định hướng. Ông Thưởng nhấn mạnh: Đây là cơ hội để ngành văn hóa đề xuất đẩy mạnh hơn việc thực hiện Nghị quyết 33 trong giai đoạn sắp tới, cũng như đưa vào văn kiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước để triển khai trong thời gian sắp tới.

Đọc thêm