Có nên lo lắng khi chỉ số giá tiêu dùng tăng cao nhất trong 6 năm?

(PLO) -Mới đây, Tổng cục thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2018 tăng 0,55% so với tháng trước. Đây là mức tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây. Trong khi mục tiêu Quốc hội đề ra đảm bảo tốc độ tăng khoảng 4% năm 2018. Vậy điều này có đáng lo ngại cho nền kinh tế?

Bên lề kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, PLVN có cuộc trao đổi nhanh với ĐBQH Hoàng Văn Cường- Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Hiệu phó trường ĐH kinh tế Quốc dân.

ĐBQH Hoàng Văn Cường- Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội
ĐBQH Hoàng Văn Cường- Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội

- Theo ông yếu tố cơ bản nào khiến chỉ số CPI tháng 5/2018 tăng mạnh như vậy?

- Chỉ số CPI của tháng 5 cao nhất so với nhiều năm nay, do những yếu tố tác động khách quan, như giá dầu tăng, đây là yếu tố không thể cưỡng lại sự tăng giá. Giá dầu là yếu tố cơ bản, điển hình nhất, tác động đẩy làm tăng một loạt giá mặt hàng khác. Yếu tố này không phải do khả năng điều hành. Nếu từ nay tới cuối năm vẫn diễn biến trong tình trạng như vậy, tức giá dầu cứ tăng thì khả năng kìm tăng giá các mặt hàng vô cùng khó.

Yếu tố thứ 2 là tăng trưởng kinh tế năm 2018 tốt, chúng ta đều nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng tương đối tốt. Các yếu tố tác động ngược hầu như không đáng kể. Tăng trưởng kinh tế tốt thì lượng tiền bơm vào thị trường tăng, giải ngân vốn đầu tư công đòi hỏi nhiều, việc huy động vốn xã hội tăng, lượng tiền sử dụng nhiều đồng nghĩa tổng cầu thị trường tăng. Từ đó kéo theo giá hàng hóa tiêu dùng có xu hướng tăng lên. Đây là xu hướng tất yếu, thường thì tăng trưởng nhanh kéo theo chỉ số CPI tăng. Rõ ràng sản xuất ra nhiều, thu nhập lớn hơn thì tiều dùng lớn hơn.

Ngoài ra các hàng hóa khác như dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện đều nằm trong kiểm soát của Chính phủ, tôi nghĩ Chính phủ kiểm soát được, năm trong sự điều hành nên không phải lo ngại.

- Ông nghĩ thế nào về tác động từ yếu tố nước ngoài, ví dụ như việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) điều chỉnh chính sách tiền tệ?

- Việc điều chỉnh chính sách của Fed có ảnh hưởng tới Việt Nam nhưng không quá nhiều, năm trong khả năng kiểm soát của nhà nước. Tôi cho rằng, ngân hàng Việt Nam trong những năm vừa qua tôi có bản lĩnh rất tốt, đó là không “đô la hóa” nên không bị ảnh hưởng bởi tỷ giá đô la với VNĐ. Nếu huy động đồng đô la, người dân tích trữ đô la thì mới ảnh hưởng lớn.

- Trong bối cảnh như thế theo ông nên cẩn trọng điều gì?

- Khi nhu cầu về tiền tăng lên do nhu cầu phát triển, nhu cầu đầu tư tăng thì quan trọng nhất là công tác điều hành tiền tệ của Ngân hàng nhà nước (NHNN) như thế nào?

Nếu không kiểm soát tốt mà để vốn tín dụng rơi vào một khu vực nóng như bất động sản, cổ phiếu sẽ dẫn đến tình trạng khan hiếm tiền. Ví dụ như chứng khoán bỗng nhiên tăng vọt, toàn bộ tiền dồn vào đấy thì các khu vực khác thiếu vốn. Lúc này phải huy động thêm vốn. Trường hợp như thế sẽ kéo theo lãi suất cho vay tăng. Điều này có lẽ không tốt, có thể dẫn tới lạm phát cơ bản (lạm phát xuất phát từ nguyên nhân tiền tệ). Đây mới là vấn đề cần quan tâm vì lạm phát cơ bản tăng thì khả năng sinh lợi thực tế thấp. Do đó nếu chỉ số CPI có cao trên 4% đi nữa nhưng lạm phát cơ bản vẫn thấp thì không vấn đề, không phải quá lo lắng.

- Trong quý 3, 4 theo ông chúng ta phải "cư xử" với chỉ số CPI thế nào?

- Tôi nghĩ Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng CPI khoảng 4% có nghĩa sẽ có dao động, đây là chuyện rất bình thường. Tuy nhiên rõ ràng Chính phủ phải kiểm soát chỉ số CPI, nếu như xăng dầu tăng thì chúng ta chịu, nhưng cái gì nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta thì phải kiểm soát. Chẳng hạn quỹ bình ổn xăng dầu phải sử dụng trong trường hợp cần thiết, không để xăng dầu tăng lên quá mức.

Thứ hai, những mặt hàng cơ bản phải tăng theo lô trình nhất định, phải căn cứ vào các yếu tố khác như giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện rõ ràng phải kiểm soát. Còn tăng lương có ảnh hưởng nhưng thực tế tác động không quá nhiều. Nếu đơn thuần tác động của tăng lương không làm tổng lượng tiền trong thị trường tăng lên.

- Muốn kiểm soát lạm phát cơ bản cần giải pháp nào, thưa ông?

- Tôi nghĩ mấu chốt nằm ở chỗ NHNN phải làm rất tốt việc điều hành về lượng cung tiền vào nền kinh tế. Thứ nhất, không để dồn tiền vào những khu vực đầu tư nóng. Bởi nguyên tắc cơ bản rằng nếu đầu tư vào khu vực “nóng” cần bơm thêm tiền vào thị trường, tức dễ sinh ra lạm phát cơ bản.

Thứ hai, cần điều hòa lượng tiền của NHNN cho các ngân hàng để làm sao không xảy ra tình trạng một ngân hàng nào đó quá khan hiếm vốn. Bởi khi ngân hàng huy động vốn kéo theo tăng lãi suất cho vay dẫn tới tình trạng khan hiếm vốn. 

Thư ba, bằng mọi biện pháp giảm lãi suất đầu ra, lãi suất cho vay. Trong các lĩnh vực đầu tư có độ an toàn cao thì phải giảm lãi suất. Điều này tùy thuộc vào nợ xấu. Chúng ta có lợi thế là trong những năm vừa qua đã ban hành Nghị quyết về giải quyết nợ xấu. Yếu tố này khiến các ngân hàng phải trích một phần lợi nhuận để dự phòng, bù đắp dẫn tới khoảng chênh giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Nợ xấu càng lớn thì khoảng cách này càng xa.

Thuận lợi rằng nền kinh tế chúng ta đang ổn định, phục hồi tốt, thị trường bất động sản tốt giúp ngân hàng giải quyết tốt nợ xấu. Nói tóm lại kiểm soát lạm phát cơ bản phụ thuộc lớn vào chính sách của hệ thống ngân hàng.

Mặt khác chúng ta nhận thấy rõ Chính phủ trong mấy năm qua có quyết định rất tốt là không có đầu tư tràn lan, các quyết định trong đầu tư mới rất ít. Nếu đầu tư mới nhiều thì nhu cầu vay tiền nhiều, rõ ràng kiểm soát rất khó. Đồng thời Chính phủ đang trong bối cảnh cố gắng giảm trần nợ công xuống thì sẽ không có các quyết định đầu tư quá đột biến đến các dự án. Do đó tôi nghĩ vấn đề kiểm soát lạm phát cơ bản không quá khó.

- Cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn.

Đọc thêm