Có thể tăng 4 kỳ họp Quốc hội mỗi năm

(PLVN) -Đó là ý kiến đóng góp của Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, vừa được cơ quan này gửi đến Vụ Pháp luật để tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). 
Một phiên họp của Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV.
Một phiên họp của Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV.

Theo Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, qua rà soát, nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức Quốc hội phải bắt đầu từ việc lựa chọn các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm hoạt động nghị trường. 

Một số ý kiến cho rằng không nên giới hạn độ tuổi của ĐBQH vì ở độ tuổi nghỉ hưu theo quy định hiện hành thì đại biểu còn đủ sức khỏe để làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. Ngoài ra, dự thảo Luật cần cân nhắc việc bổ sung điều kiện, tiêu chuẩn cho phù hợp với từng loại ĐB chứ không nên quy định giống nhau đối với những ĐB đã tham gia nhiều khóa với ĐB tham gia lần đầu. 

Về tỷ lệ ĐBQH chuyên trách, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Đối ngoại đề nghị giữ nguyên quy định về tỷ lệ ĐBQH chuyên trách là ít nhất 35% tổng số ĐBQH như Luật hiện hành. Việc tăng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách phải đi đôi với chất lượng ĐB.

 Liên quan đến kỳ họp Quốc hội, có ý kiến đề nghị tăng 4 kỳ họp/1 năm, mỗi kỳ khoảng 10- 12 ngày do khối lượng Luật tại mỗi kỳ hop, nhất là kỳ họp cuối năm rất lớn, thời gian đại biểu nghiên cứu để tham gia ý kiến bị hạn hẹp do còn phải lo công việc tại cơ quan và địa phương nơi đại biểu công tác. 

Bên cạnh đó, đối với các dự án luật và những vấn đề quan trọng phải chờ 6 tháng mới họp và quyết định sẽ không đảm bảo tính thời sự và cập nhật. Do đó cần lựa chọn phương thức tổ chức kỳ họp cho phù hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Tương tự, về nhiệm kỳ của Quốc hội, một số ý kiến cho rằng Quốc hội không nên có nhiệm kỳ 5 năm mà hoạt động liên tục. Cách tiếp cận nhiệm kỳ Quốc hội như hiện nay là theo nhiệm kỳ của Đại hội Đảng, tuy nhiên, cách tiếp cận này chưa thỏa đáng vì Quốc hội đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Quốc hội là cơ quan làm chính sách nên cần có tính ổn định, bền vững và kế thừa cao. Vì vậy, đề nghị cân nhắc việc cứ 2 năm thì thay 1/3 số đại biểu Quốc hội như kinh nghiệm của Quốc hội một số nước.

Ngoài những nội dung trên, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc việc bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ cho UBTVQH, như việc bổ sung hình thức văn bản “Kết luận" của UBTVQH vào Luật. Lý do được đưa ra là Hiến pháp quy định UBTVQH chỉ có quyền ban hành pháp lệnh, Nghị quyết và giám sát việc thực hiện Pháp lệnh, Nghị quyết. Nếu dự thảo Luật quy định thêm thẩm quyền ban hành “Kết luận" thì UBTVQH không có quyền giám sát việc thực hiện kết luận vì trái với Hiến pháp. 

Đồng thời, trong quá trình sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và năm 2015, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan khác đã thống nhất giảm một số hình thức văn bản quy phạm pháp luật như bỏ hình thức “Nghị quyết" của Chính phủ, "Chỉ thị" của Thủ tướng Chính phủ. Nếu bổ sung văn bản “Kết luận" của UBTVQH vào dự thảo Luật sẽ không đúng với chủ trương chung là giảm các hình thức văn bản pháp luật hiện nay. 

Về việc nâng cấp các Ban thuộc UBTVQH, đa số ý kiến chưa nhất trí việc nâng cấp các Ban thuộc UBTVQH hội thành các cơ quan thuộc Quốc hội vì chưa đủ lập luận về sự cần thiết phải nâng cấp các Ban này.

 Cùng với đó, có ý kiến cho rằng đoàn đại biểu Quốc hội là một tổ chức tập hợp các đại biểu Quốc hội được bầu ở địa phương, không phải là tổ chức, cơ quan thuộc Quốc hội. Do đó, việc nâng địa vị pháp lý của đoàn đại biểu Quốc hội là vấn đề lớn, cần cân nhắc kỹ.

Đọc thêm