Còn "giằng co" giữa các điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ

(PLVN) - Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) quy định một trong các điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ là phải bảo đảm diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định, nhưng không thấp hơn 08m2 sàn/người.
Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) yêu cầu phải bảo đảm diện tích nhà ở tối thiểu khi đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ. Ảnh minh họa: internet
Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) yêu cầu phải bảo đảm diện tích nhà ở tối thiểu khi đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ. Ảnh minh họa: internet

Nhiều ý kiến thảo luận về điều kiện đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ trong dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) nhất trí với nội dung dự thảo Luật là cần quy định mức diện tích bình quân về chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ làm điều kiện đăng ký thường trú.

Theo đó, Đại biểu Quốc hội tán thành quy định một trong các điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ là phải bảo đảm diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08m2 sàn/người.

Giải thích của Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật cho biết, mức diện tích nhà ở tối thiểu 08m2 sàn/người cũng là chỉ tiêu được xác định cần hoàn thành trong năm 2020 được nêu trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và mức tối thiểu 08m2 sàn/người hoặc cao hơn cũng được đưa thành chỉ tiêu phấn đấu của hầu hết các địa phương trong cả nước. 

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị quy định ngay trong Luật diện tích nhà ở tối thiểu 08m2 sàn/người là điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ mà không giao cho HĐND quy định mức diện tích nhà ở tối thiểu cụ thể áp dụng ở từng địa phương để bảo đảm quyền cư trú của người dân được thực hiện đồng đều, thống nhất giữa các địa phương trên cả nước, tránh tạo ra sự phân biệt đối xử trong thực hiện quyền cư trú của người dân giữa các địa phương.

Nhận thấy, đảm bảo điều kiện tối thiểu 8m2/người là cần thiết để đăng ký thường trú, ĐB Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) đề nghị qui định đồng thời điều kiện "đã đăng ký tạm trú từ 1 năm trên địa bàn để đảm bảo tính ổn định tương đối mới được đăng ký thường trú tại nơi cho thuê/mượn/ ở nhờ".

"Mặc dù thực tế khó kiểm soát nhưng cần qui định và hoàn thiện các giải pháp bảo đảm để công dân thực hiện được quyền thường trú theo luật" - ĐB nhấn mạnh.

Nhưng với quan điểm, để giảm áp lực an sinh xã hội cho các địa phương, ĐB Rơ Mah Tuân (đoàn Gia Lai) tán thành giao HĐND qui định mức nhà ở tối thiểu khi đăng ký thường trú.

ĐB Hà Thị Lan (đoàn Bắc Giang) không tán thành quy định diện tích nhà ở tối thiểu là điều kiện để đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ vì không bảo đảm bình đẳng về quyền có điều kiện sống thiết yếu giữa người thuê, mượn, ở nhờ nhà với người đăng ký thường trú theo diện sở hữu nhà ở hoặc chuyển về ở cùng người thân vì các đối tượng này lại không bị giới hạn bởi điều kiện về diện tích nhà ở nên ĐB đề nghị sử dụng điều kiện đăng ký tạm trú 1 năm để đăng ký thường trú. 

Lo ngại về tính khả thi của qui định điều kiện về mức diện tích tối thiểu, ĐB Phạm Trí Thức (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, qui định về diện tích tối thiểu khi đăng ký thường trú không thấp hơn 08m2/người là chiến lược, mục tiêu hướng tới, chứ chưa có tổng kết thực tiễn. Con số này khó đạt được ở nhiều nơi như ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), diện tích bình quân cũng không đến 4m2/người thì qui định như dự thảo Luật là không thực hiện được trên thực tế.

Thêm vào đó, rào cản kỹ thuật về "đăng ký thường trú" đã không đạt được mục đích và không phù hợp với qui định của Hiến pháp về việc "quyền của người dân chỉ bị hạn chế bằng luật". Điều này có thể thấy qua việc thi hành qui định đảm bảo diện tích tối thiểu không dưới 15m2/người mới được đăng ký thường trú trong Luật Thủ đô nhưng thực tế không hề hạn chế được lượng dân cư "đổ" về Thủ đô làm ăn, sinh sống.

Dẫn số liệu khảo sát tại phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) mới đây, ĐB Phạm Trí Thức cho biết, trong thời gian khảo sát, dân số của phường đã tăng 7 lần nhưng không hề có trường hợp nào đăng ký thường trú tại quận Hoàng Mai.

Vì vậy, nhiều ĐB đề nghị lựa chọn tiêu chí là có thời gian tạm trú từ 01 năm trở lên tại địa bàn là điều kiện xem xét đối với các trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ để phù hợp với định nghĩa về nơi thường trú, thể hiện ý định gắn bó, sinh sống lâu dài, ổn định của công dân đối với nơi đăng ký thường trú.

Nhận thấy 2 phương án UBTVQH trình QH chưa đầy đủ, ĐB Lê Quang Trí (đoàn Tiền Giang) đề nghị qui định điều kiện đăng ký thường trú bảo đảm diện tích nhà ở tối thiểu và đã đăng ký tạm trú từ 1 năm trở lên trên địa bàn để "siết" việc đăng ký thường trú, góp phần giảm áp lực an sinh xã hội cho địa phương.

Nhưng với ĐB Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre), dự thảo Luật chỉ nên đảm bảo quyền tự do cư trú của công dân chứ không nên “nặng” về quản lý nơi cư trú. "Trong điều kiện tự do cư trú và việc cư trú phụ thuộc vào mục đích sinh sống, công dân có thể di chuyển đến nhiều nơi trong nhiều thời điểm nên quản lý bằng đăng ký tạm trú và thường trú không có ý nghĩa" - ĐB Lưu Bình Nhưỡng nêu ý kiến.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết, đa số ĐBQH tán thành không qui định điều kiện riêng để đăng ký thường trú ở các TP trực thuộc Trung ương, cũng như không cần ý kiến đồng ý của người có nhà ở cho thuê/mượn/ở nhờ khi đăng ký tạm trú.

UBTVQH sẽ làm phiếu xin ý kiến ĐBQH về các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) trước khi hoàn thiện trình QH xem xét.

Đọc thêm