Con Lạc cháu Hồng muôn phương hướng về nguồn cội

(PLVN) - “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”, năm nay, con cháu Lạc Hồng bốn phương lại hội tụ về Đất Tổ, hòa mình vào bầu không khí trang nghiêm, linh thiêng, thành kính để tri ân công đức Tổ tiên trong sự kiện thường niên này. 
Người dân mang dòng máu Lạc Hồng hành hương về Đất Tổ mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng
Người dân mang dòng máu Lạc Hồng hành hương về Đất Tổ mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng

Từ bao đời nay, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đã trở thành biểu tượng của tinh thần yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết, là ngày hội chung của 54 dân tộc anh em.

Trong những năm gần đây, vào mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ cùng với các địa phương trong cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, trong đó có các hoạt động văn hóa văn nghệ đặc sắc, góp phần thể hiện tấm lòng thành kính của con Lạc, cháu Hồng hướng về nguồn cội. 

Càng gần ngày giỗ Tổ, dòng người đổ về Đền Hùng mỗi ngày một đông hơn
Càng gần ngày giỗ Tổ, dòng người đổ về Đền Hùng mỗi ngày một đông hơn

Tự hào là “anh cả” của 62 tỉnh, thành phố anh em, Phú Thọ luôn trân trọng, nâng niu những giá trị văn hóa đang hiện hữu trên mảnh đất cội nguồn của dân tộc. Hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Tín ngường thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ là một phần không thể thiếu của những giá trị văn hóa đó. Bởi thế, khi đến với Phú Thọ, du khách sẽ được đắm mình vào những giai điệu Xoan mượt mà, sâu lắng với ý nghĩa cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà no đủ, quốc thái dân an. Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm, tham gia diễn xướng Hát Xoan cùng với các nghệ nhân để thể hiện tấm lòng thành kính của con dân đất Việt với Vua Hùng, với tổ tiên.

Những giá trị văn hóa đặc sắc ấy đang ngày càng lan tỏa rộng khắp vùng miền cả nước và cả bạn bè quốc tế. Trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của tỉnh, thành phố Việt Trì Anh hùng đang ngày càng khởi sắc, căng tràn sức sống.  

Càng gần ngày giỗ Tổ, dòng người đổ về Đền Hùng mỗi ngày một đông hơn, không khí lễ hội tràn ngập, bao trùm khắp các nẻo đường. Tiếng trống hội âm vang chào đón những người con phương xa trở về với mảnh đất cội nguồn của dân tộc…

Từ mảnh đất cội nguồn, du khách được trải nghiệm hành trình đi đến nhiều vùng miền trong cả nước để lắng nghe và cảm nhận những di sản văn hóa của từng địa phương. Cùng với đó, du khách còn được chiêm ngưỡng nhiều bức ảnh tư liệu nghệ thuật quý, khắc họa và tái hiện lại một cách sinh động, chân thực về phong tục tập quán, nét văn hóa, di sản đặc sắc của các tỉnh thành cả nước.

Sinh ra và lớn lên ở Nam Định, rồi sau này, định cư ở Đức, ông Nguyễn Ngọc Lâm vẫn luôn mong được về thăm Đền Hùng. Về thăm quê nhà vào đúng dịp Lễ hội Đền Hùng năm nay, ông đã cùng gia đình đến thăm Đền Hùng.

“Về nơi cội nguồn dân tộc, tôi cảm nhận được sự thiêng liêng của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương . Sau bao nhiêu năm nơi đất khách quê người, được trực tiếp thắp nén hương lên bàn thờ Tổ, mọi mệt nhọc, muộn phiền tan biến hết”, ông Lâm nói.

Hòa theo vào dòng người đông đúc của đoàn người Nghệ An, bước chân chậm rãi lần theo những bậc đá lên điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh ngút ngàn linh khí, ông Nguyễn Văn Hậu, thành phố Vinh (Nghệ An) chia sẻ, để tránh đông người vào chính ngày giỗ (10/3 âm lịch) cứ đầu tháng Ba âm lịch đoàn của ông lại về Đền Hùng thắp nén hương thơm tri ân các Vua Hùng cầu mong cho gia đình sức khỏe, thịnh vượng…

“Tôi rất tự hào về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Nhìn Đền Hùng rộng, khang trang, bề thế, lễ hội ngày càng được tổ chức quy mô với một không gian rộng lớn, tôi rất phấn khởi và tự hào mình là dòng giống Tiên Rồng…” ông Hậu nói.

Có thể khẳng định, trong cuộc hành trình về với cội nguồn, những người con đến từ mọi miền đất nước đã thể hiện tấm lòng biết ơn sâu sắc đối với các Vua Hùng và lòng quyết tâm xây dựng nước Việt Nam giàu đẹp, văn minh thông qua các hoạt động văn hóa nghệ thuật; từ đó góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, giữ gìn sự trường tồn của đất nước.

Với mục tiêu xây dựng và tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng trở thành một trong các lễ hội mẫu của cả nước, tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực tập trung chỉ đạo, để đảm bảo lễ  hội  được  tổ  chức  chu  đáo, an toàn với phần Lễ trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng sâu sắc; phần Hội với  các  hình  thức  hoạt  động vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; kết hợp hài hòa giữa các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống và hiện đại, tạo sức lan tỏa rộng rãi và sự hài lòng cho đồng bào, du khách thập phương.

Chúng ta có thể tự hào nói rằng, Đất Tổ hôm nay đã và đang là nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa đặc sắc nhất của các vùng miền dân tộc trong cả nước.

Đọc thêm