Còn né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong tiếp công dân

(PLO) -Hôm qua (12/12), Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị tổng kết 6 năm thi hành Luật Thanh tra và 3 năm thi hành Luật Tiếp công dân (TCD). 
 
Còn né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong tiếp công dân

Kết luận thanh tra phải đúng, khách quan, minh bạch, rõ ràng

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Nguyễn Văn Thanh cho biết, qua 6 năm triển khai Luật Thanh tra, thực tiễn thi hành các quy định pháp luật về thanh tra còn không ít tồn tại, hạn chế. Vì vậy, TTCP kiến nghị tăng cường quản lý nhà nước về công tác thanh tra; nâng cao hiệu quả công tác thanh tra trên các lĩnh vực; đảm bảo khách quan, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm hạn chế thấp nhất sự chồng chéo và không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân được thanh tra. Ngoài ra, cần tập trung khắc phục những bất cập của các quy định pháp luật về thanh tra, bảo đảm đồng bộ với các quy định pháp luật khác có liên quan…

Ghi nhận những kết quả đạt được và thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập trong công tác thanh tra, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị cơ quan thanh tra, kiểm toán cần có sự phối hợp chặt chẽ trong hoạt động, tránh chồng chéo, ảnh hưởng đến hoạt động của mỗi ngành… Đồng thời, thực hiện nghiêm túc các quy định về quy trình, nghiệp vụ và đạo đức công vụ; thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra, kể cả thẩm quyền về áp dụng chế tài, đảm bảo kết luận thanh tra phải đúng, khách quan, minh bạch, rõ ràng, từ đó kịp thời có xử lý, kiến nghị xử lý, không để chậm, nguội, không quá hạn trong hoạt động thanh tra và kết luận thanh tra.

Đồng thời, cần tăng cường theo dõi, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra từ trong nội bộ ngành Thanh tra, từ phía các cơ quan nhà nước khác và từ phía xã hội, người dân nhằm nâng cao tỷ lệ chất lượng kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra…

Gắn việc tiếp công dân với việc giải quyết khiếu nại tố cáo 

Biểu dương những thành quả trong 3 năm thi hành Luật TCD, Phó Thủ tướng nêu lên nhiều tồn tại, hạn chế của công tác TCD làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác quản lý nhà nước nói chung và công tác giải quyết KNTC nói riêng. Chẳng hạn như, lãnh đạo các địa phương chưa quan tâm thực hiện đầy đủ trách nhiệm, có nơi có lúc còn có biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, chưa gắn việc tiếp dân với việc giải quyết KNTC. Nhiều vụ việc KNTC kéo dài, phức tạp chưa được giải quyết dứt điểm…

Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương lãnh đạo, chỉ đạo sát sao công tác TCD tại địa phương, cơ quan, bố trí địa điểm thuận lợi, bảo đảm các điều kiện vật chất cần thiết cho công tác TCD; thực hiện nghiêm túc TCD định kỳ, đột xuất theo quy định, gắn việc TCD với việc giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh; tập trung giải quyết các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm; tăng cường tiếp dân tại cơ sở, tổ chức đối thoại công khai, giải quyết kịp thời, đúng chính sách pháp luật những khiếu nại, kiến nghị của người dân ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở.

“Khi công dân tập trung đông người ở các cơ quan Trung ương, nhất là thời điểm diễn ra các sự kiện quan trọng của đất nước thì yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải đề cao trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Ban TCD Trung ương, TTCP, Bộ Công an và các cơ quan chức năng” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Đọc thêm