Công bộc của dân, xin đừng mong 'bóc ngắn, cắn dài'

(PLO) - Nợ công đã chạm ngưỡng cho phép và trở thành gánh nặng không chỉ riêng cho nền kinh tế đất nước mà là cho cả quốc gia.

Điều này không có gì bất ngờ và cũng chẳng cần đến các nghiên cứu hoặc cảnh báo của các nhà kinh tế, chỉ cần nhìn vào các báo cáo qua nhiều năm là đủ thấy: Bao giờ cũng bội chi và điệp khúc “chi nhiều hơn thu” cứ lặp lại mãi. Những “điểm sáng” trong báo cáo chỉ khiến người ta nghi ngờ và cho đến khi sắp kết thúc một nhiệm kỳ thì thực trạng nợ nần mới được phơi bày rõ ràng nhất.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nợ công tăng cao, trong đó phải kể đến là cơ chế xin – cho tồn tại như một mô hình quản lý, thắt chặt sợi dây “tình nghĩa” giữa Trung ương và địa phương. Chỉ kỳ lạ một chỗ là không phải của mình nhưng được quyền cho và muốn giữ quyền cho thì đi vay để cho.

Vay đủ kiểu, từ vay trong nước đến ngoài nước, vay trái phiếu, vay ngân hàng, vay cơ quan, tổ chức (vay của Bảo hiểm chẳng hạn). Người xin thì quen “nằm ngửa chờ sung”, xin được tiền thì cứ như là bắt được, thoải mái chi tiêu, làm những việc trời ơi, đất hỡi, phung phí tiền bạc. Người ta có đủ cách xin, vẽ vời ra các dự án có vẻ vì “quốc kế, dân sinh”, xây dựng đất nước.

Tiếp tục góp phần vào nợ công tăng cao là những “công trình thế kỷ”, hứa hẹn bao nhiêu điều tốt lành rồi bỏ hoang, “đắp chiếu”, hoen gỉ, dở dang hoặc có hoàn thành thì nay sửa, mai chữa, chỉ có lỗ vốn thêm. Thế rồi, những cuộc đua thời thượng, “vô tiền khoáng hậu” làm ngân sách bội chi như xây trụ sở hoành tráng, sắm xe công vượt quy định, làm quảng trường, dựng tượng đài, liên tục tổ chức các đợt công tác nước ngoài “giao lưu, học hỏi kinh nghiệm”... Đáng tiếc là những cán bộ tiến hành các cuộc đua lại luôn cho rằng đó là sự “cống hiến” cho đất nước.

Chi thì thế mà thu thì bất công. Trăm loại thuế, phí đổ lên đầu người dân trong khi các “ông lớn” doanh nghiệp không trốn thuế thì nợ thuế hàng nghìn tỷ đồng, đã thế lại còn được giúp đỡ “bơm” vốn thêm.

Các công ty nước ngoài thu lợi nhuận trên đầu người tiêu dùng Việt Nam, hàng chục năm trời không đóng đồng thuế nào mà vẫn yên ổn làm ăn, khai thác tài nguyên của đất nước không phải nộp thuế. Thu như thế mà ngân sách không cạn kiệt thì mới là chuyện lạ. 

Dẫu sao thì tình trạng “cắp rá vay gạo” cũng đã hiển hiện rõ ràng để cho các vị quen đi xin, xài sang, lo bị “thiệt thòi’” cho địa phương biết để đừng đi xin nữa mà phải lo cho chính mình thôi. Không còn cách nào khác, chúng ta lại phải kỳ vọng vào nhiệm kỳ mới, mong vận hội đến với đất nước, kinh tế khởi sắc hơn và mong tâm lý “bóc ngắn, cắn dài” ra khỏi đầu các vị công bộc của dân!

Đọc thêm